Sữa học đường: Để thị trường tự do đến đâu?

CHIÊU VĂN 06/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Giống như nhiều chương trình hợp tác công - tư, chương trình sữa học đường cũng đòi hỏi sự minh bạch, kiểm soát chi phí để tránh lãng phí và sự cân bằng lợi ích thích đáng giữa các bên liên quan.

Các chương trình sữa học đường bắt đầu ở Anh. Ảnh: thisishell.com
Các chương trình sữa học đường bắt đầu ở Anh. Ảnh: thisishell.com

Cuộc tranh luận sữa học đường có hai phần: sữa, và học đường. Những lợi - hại của việc uống sữa cho tới nay là một cuộc chiến bất tận giữa hai phe phản đối và ủng hộ, và quan điểm với chuyện đưa sữa vào trường học của họ cũng dựa trên các lập luận đó. 

Cứ phe ủng hộ dẫn ra một nghiên cứu khoa học về lợi ích của sữa thì phe phản đối cũng có thể dẫn ngay một nghiên cứu phản bác tương ứng. Nhưng nhìn chung, với những nước dinh dưỡng cho trẻ nhỏ còn thiếu hụt như Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, thì được uống sữa vẫn là điều tốt.

Ở các nước giàu thì không hẳn, thậm chí là ngược lại. Tại Mỹ chẳng hạn, lượng tiêu thụ sữa bình quân đầu người đã giảm gần 40% trong giai đoạn 1975-2017 vì những lo ngại về béo phì, sức khỏe răng miệng, tiểu đường, tim mạch…, theo statista.com

Tức về cơ bản, lượng tiêu thụ sữa phải tăng lên trước khi nó bắt đầu giảm xuống, và các chương trình sữa học đường là tâm điểm của chu kỳ này.

Không nên đi xa tới mức cho rằng các chương trình sữa học đường là một âm mưu để ép nhiều thế hệ uống sữa suốt đời, hay là một đại kế hoạch của các hãng sữa nhằm tăng doanh số.

Thị trường đủ đa dạng nhà cung cấp, người tiêu dùng vẫn sẽ có quyền quyết định cuối cùng, và cả Nhà nước cũng có các công cụ đủ mạnh để một thuyết âm mưu như vậy rất khó xảy ra trên thực tế. Vấn đề chỉ là làm sao cân bằng được lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Cách làm thông thường ở hầu hết các nước là bắt đầu với một chương trình sữa học đường rẻ, rồi nếu có thể thì mới là miễn phí. Những chương trình sữa học đường đầu tiên trên thế giới có lẽ là bắt đầu từ các trường học Anh vào những năm 1920, với các nhà tài trợ tư nhân, trước khi Nhà nước vào cuộc.

Gần đây hơn về thời gian và địa lý là chương trình sữa học đường của Trung Quốc, bắt đầu vào năm 2000. 

“Sự tham gia của Nhà nước, các trường học và các hãng cung cấp sữa được cấp giấy chứng nhận cùng sự ủng hộ của toàn xã hội đã giúp chương trình đạt được những tiến bộ ấn tượng”, giáo sư Jiang Jian Ping viết trong báo cáo tổng kết “Quản trị hệ thống sữa trường học ở Trung Quốc” đăng trên trang chủ của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).

 

Báo cáo nêu rõ vai trò then chốt của những người làm quản lý giáo dục trong chương trình sữa học đường: “Ở các thành phố nơi chương trình sữa được mở rộng, cần tới hệ thống quản trị đa tầng (cấp phòng giáo dục - hiệu trưởng - giáo viên) dưới sự lãnh đạo của sở giáo dục”. Chương trình cũng được kết hợp với giáo dục về dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ. 

Các văn phòng quản lý chương trình sữa học đường thuộc cơ quan giáo dục địa phương sẽ mời thầu công khai với một số nhà cung cấp sữa được Nhà nước chứng nhận. Các nhà cung cấp này ký hợp đồng với từng trường, trong đó cam kết về chất lượng, việc giao sữa đúng giờ, và cả dịch vụ hậu mãi cho nhà trường.

Ở điểm này, các nhà hoạch định chính sách chỉ rõ việc triển khai chương trình sữa học đường phải tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường. “Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và bảo vệ lợi ích của học sinh, nhà trường, chương trình sữa học đường của Trung Quốc là hình thức cạnh tranh có giới hạn”.

Theo đó, chỉ những nhà cung cấp và sản phẩm đạt thêm một giấy phép riêng nữa, trong các loại sữa vẫn bán trên thị trường, mới được tiếp cận trường học đại trà.

Học sinh và phụ huynh cũng tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp, và sữa được đưa trực tiếp từ nhà máy tới nhà trường để giảm chi phí bán hàng. Các hãng sữa cũng được yêu cầu chỉ duy trì một biên lợi nhuận thấp với những sản phẩm bán ở trường học.

Những kinh nghiệm mà Trung Quốc rút ra được từ chương trình sữa học đường bao gồm 5 điểm chính, theo báo cáo: tích hợp sự phát triển của ngành sữa với chương trình sữa học đường; kết hợp hướng dẫn từ chính quyền với hoạt động của nhà cung cấp; tăng tiêu chuẩn an toàn khi mở rộng chương trình; triển khai cơ chế “cạnh tranh có giới hạn”; và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh các trường, cơ quan chức năng phụ trách và hãng sữa phải có các quy trình xử lý khẩn cấp và khủng hoảng, bao gồm cả quy trình thu hồi sản phẩm. Còn nhà trường phải được huấn luyện về an toàn thực phẩm nói chung và ứng phó sự cố nói riêng liên quan tới các sản phẩm sữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận