18/02/2009 20:25 GMT+7

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhà ở và Luật đất đai để tránh hiện tượng đầu cơ

Theo TTXVN
Theo TTXVN

Ngày 18-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai nhằm hoàn chỉnh tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật này trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai năm 2003 hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc sửa đổi luật bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ.

Phó chủ tịch cho rằng thực tế có nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhờ người thân mua nhà và đứng tên hộ quyền sở hữu nhà ở hoặc mua bán trao tay, ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước, làm phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở giữa các bên. Cần làm rõ các đối tượng cư trú nào thì được sở hữu nhà...

Dự thảo sửa đổi điều 126 của Luật nhà ở lần này mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam so với quy định hiện hành, cụ thể là mở rộng cho các trường hợp: người có quốc tịch Việt Nam (không phân biệt là nhà văn hóa, nhà khoa học hay người đầu tư...), nhà khoa học, nhà văn hóa (không cần điều kiện trở về làm việc thường xuyên tại Việt Nam như quy định hiện hành), người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước và người được cấp giấy miễn thị thực vào Việt Nam.

Xung quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như ban soạn thảo quy định rất rộng, không hợp lý, vì sẽ tác động làm tăng giá nhà ở trong nước, gây khó khăn cho những người chưa có nhà ở.

Ông Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, băn khoăn việc sửa đổi này khó thực thi, vì dự thảo luật mở rộng quá nhiều đối tượng được hưởng, trong khi đó lại không quy định rõ các đối tượng này được hưởng bao nhiêu ngôi nhà. Đây là kẽ hở để các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản lợi dụng đầu cơ. Đề nghị các đơn vị liên quan khi soạn thảo luật cần kèm theo nghị định hướng dẫn để người thực thi luật hiểu, yên tâm mua nhà để ở.

Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng ban soạn thảo luật nên cân nhắc lại việc sửa đổi, luật phải cụ thể, rõ ràng, tránh hiện tượng nhập nhằng giữa hai mục đích ở và kinh doanh. Đề nghị nên quy định các đối tượng này chỉ được sở hữu 1 nhà để ở chứ không được sử dụng vào mục đích khác như mở văn phòng, kinh doanh bất động sản. Một số ý kiến khác cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể các đối tượng được hưởng sở hữu nhà chỉ được sở hữu 1 nhà duy nhất, hạn chế những trường hợp đầu cơ, mua nhà ở nhưng không về nước sử dụng.

Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá tác động của thị trường bất động sản khi triển khai, thực hiện điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai. Để có tính khả thi, ban soạn thảo nên sửa đổi cả Luật nhà ở và Luật đất đai chứ không chỉ sửa đổi hai điều luật này; đồng thời nên lùi thời gian có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009 như quy định trong dự thảo luật...

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên