Ảnh minh họa. |
Đây là dự án luật có tham vọng đưa VN trở thành quốc gia mạnh về biển, dự kiến đến năm 2021 ngành hàng hải vượt qua dầu khí vươn lên vị trí số 1 trong các lĩnh vực kinh tế biển.
Tuy nhiên, dự án luật này lại chứa đựng một số điều luật không có nội dung hoặc nội dung không rõ ràng.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát hiện: điều 24 dự thảo viết “Tàu biển đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, phá dỡ phải được thực hiện tại cơ sở có đủ điều kiện theo quy định tại điều 24a của bộ luật này”; trong khi điều 24a quy định: “Cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển: 1. Cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định. 2. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện của cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển”.
Bà Mai bình luận: “Điều 24 thì dẫn đến điều 24a, nhưng đến điều 24a thì chẳng có gì”.
Dự luật này cũng quy định một khái niệm rất mới là “chính quyền cảng”. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như vậy là không ổn, bởi không biết sẽ đặt chính quyền cảng vào đâu trong hệ thống chính quyền của Nhà nước ta.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Cá nhân tôi đánh giá đây là nội dung đột phá nhất. Nhiều nước có biển đã tổ chức mô hình chính quyền cảng, như Thái Lan là từ năm 1981”.
Tại tờ trình của Chính phủ thể hiện như sau: “Chính quyền cảng có chức năng điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển...”.
Nội dung được trông đợi nhất là chính sách phát triển hàng hải thì Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa bình luận: “Các đồng chí nêu các vấn đề đột phá nhưng tôi không thấy cụ thể gì”.
Ngay trong tờ trình của Chính phủ cũng chỉ viết: “Đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực trong đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân VN và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư phát triển đội tàu biển VN, kết cấu hạ tầng hàng hải, công nghiệp tàu thủy; tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực hàng hải nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải, thể hiện rõ chính sách xã hội hóa nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành hàng hải phát triển”.
Dự luật sẽ tiếp tục được tiếp thu, chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp giữa năm 2015.
* Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua hai kỳ họp. Theo đó, kỳ họp giữa năm quyết định khung ngân sách, cơ cấu thu, định hướng nhiệm vụ chi; kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo cụ thể dự toán thu - chi chính thức, phương án phân bổ ngân sách trung ương và dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận