TTCT - Hai điều rất đặc thù trong khuôn khổ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề “thời hiệu” nói chung và “thời hiệu thừa kế” nói riêng có nguồn gốc gắn với hai khuyết tật trong loạt quy tắc về thời hiệu trong Bộ luật dân sự hiện hành, rất cần được khắc phục. Minh họa: Salem Ông S. ở Trà Vinh chết năm 1970 để lại một miếng đất cho hai người con là chị H. và anh N.. Miếng đất được anh N. trực tiếp quản lý, khai thác; đến năm 2006 anh N. mất và miếng đất tiếp tục được con gái anh sử dụng. Ít lâu sau khi anh N. mất, chị H. yêu cầu chia miếng đất vốn là tài sản thừa kế do ông S. để lại cho chị và anh N.. Tòa án không chấp nhận với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản. Không chia được di sản cũng có nghĩa là chị H. không có quyền sở hữu đối với phần tài sản được hưởng thừa kế từ cha mình, dù chẳng ai nói rằng chị không phải là người thừa kế của ông S.. Đó là một trong rất nhiều bản án được tuyên ở những trường hợp tương tự trong khuôn khổ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề “thời hiệu” nói chung và “thời hiệu thừa kế” nói riêng. Có hai điều rất đặc thù được ghi nhận từ những bản án này, đặc thù được hiểu là có ở Việt Nam nhưng không có ở các nước: một là chính tòa án, chứ không phải bên này hay bên kia trong vụ tranh chấp, chủ động viện dẫn thời hiệu để bác bỏ yêu cầu của một bên; hai là, quyền sở hữu tài sản có được do thừa kế có thể bị mất luôn, nếu người thừa kế không yêu cầu chia thừa kế trong thời gian “thích hợp”. Hai điều này có nguồn gốc gắn với hai khuyết tật trong hệ thống quy tắc về thời hiệu trong Bộ luật dân sự hiện hành, rất cần được khắc phục. Câu chuyện về “thời hiệu thừa kế” Trong luật nhiều nước, yêu cầu về thừa kế được hiểu là việc một người yêu cầu tòa án thừa nhận danh hiệu người thừa kế cho mình hoặc phủ nhận tư cách thừa kế của người khác. Nếu thắng trong việc đòi công nhận tư cách thừa kế cho mình, nguyên đơn sẽ có được tư cách người thừa kế, và do tư cách đó nguyên đơn sẽ có quyền sở hữu đối với tài sản thuộc di sản. Trong trường hợp ngoài nguyên đơn còn có người khác mà tư cách thừa kế cũng đã được pháp luật thừa nhận, thì nguyên đơn cùng với người đó trở thành chủ sở hữu chung đối với di sản. Quyền sở hữu được thừa nhận lùi lại từ thời điểm người có di sản chết, chứ không phải từ thời điểm thắng kiện. Ví dụ, A chết không di chúc và để lại một con là X. Theo pháp luật, X là thừa kế duy nhất ở hàng thứ nhất và có quyền hưởng trọn di sản của A. X hưởng di sản một cách bình yên cho đến ngày nọ Y xuất hiện, chứng minh rằng mình cũng là con của A và kiện đòi hưởng di sản thừa kế. Nếu thành công (đặc biệt là do quyền khởi kiện về thừa kế chưa mất đi theo thời hiệu) thì Y sẽ cùng với X trở thành đồng chủ sở hữu đối với di sản. Nếu thắng vụ kiện bác bỏ tư cách thừa kế của người khác thì sẽ bớt được một người trong số người thừa kế. Di sản sẽ được chia lại. Yêu cầu về thừa kế khác với yêu cầu chia di sản. Người yêu cầu chia di sản là người đã có tư cách thừa kế (cũng như tư cách đồng chủ sở hữu đối với di sản chưa chia) được công nhận. Trường hợp của chị N. và anh H. trong vụ yêu cầu chia di sản ở trên là ví dụ điển hình. Suy cho cùng, yêu cầu chia di sản chỉ là một trường hợp đặc thù của yêu cầu chia tài sản chung mà trong đó các đồng sở hữu chung là các đồng thừa kế. Việc yêu cầu chia di sản chịu sự chi phối của luật chung về chia tài sản chung. Đây là một hành vi pháp lý của chủ sở hữu chung trong khuôn khổ thực hiện các quyền của chủ sở hữu. Yêu cầu chia di sản, cũng như yêu cầu chia tài sản chung, không chịu sự chi phối của thời hiệu. Sự lẫn lộn trong nhận thức phổ biến hiện nay Luật Việt Nam hiện hành không phân biệt giữa yêu cầu về thừa kế và yêu cầu chia di sản khi nói về thời hiệu khởi kiện. Bộ luật dân sự hiện hành (điều 645) định ra thời hiệu khởi kiện (để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác) là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Với quy định đó, dù tư cách người thừa kế được thừa nhận, nhưng nếu không tiến hành chia di sản trong vòng 10 năm thì đồng thừa kế sẽ mất quyền yêu cầu chia di sản. Trong trường hợp di sản được đặt dưới sự quản lý thực tế liên tục, công khai của một đồng thừa kế nào đó, việc đồng thừa kế khác mất quyền yêu cầu chia di sản cũng đồng nghĩa với việc người này mất luôn phần di sản được hưởng. Bộ luật hiện hành này cũng xây dựng hẳn một chế định sở hữu chung như là một phần của luật chung về quyền sở hữu. Trong chế định ấy lại không có quy định đòi hỏi chủ sở hữu chung phải yêu cầu chia tài sản chung trong vòng 10 năm. Bởi vậy, quyền sở hữu chung có được do thừa kế có thể mất đi sau 10 năm; còn quyền sở hữu chung có được do các căn cứ khác (ví dụ mua bán, trao đổi, tặng cho) thì tồn tại theo luật chung, nghĩa là có thể vĩnh viễn, nếu không ai muốn chia. Không tìm ra cách nào để lý giải sự phân biệt đối xử đó. Trước đây, khi hướng dẫn áp dụng các quy định về thời hiệu theo Bộ luật dân sự 1995, Tòa án tối cao cho rằng để loại trừ các tác động của quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, các đồng thừa kế phải bày tỏ ý chí bằng văn bản thừa nhận lẫn nhau là đồng thừa kế; có một văn bản như thế di sản mới được chuyển thành tài sản chung và chịu sự chi phối của luật chung. Cách giải thích này không hợp lý và gây nhiều rắc rối, bởi việc thừa nhận tư cách người thừa kế là kết quả của việc áp dụng pháp luật, chứ không tùy thuộc vào ý chí của các đồng thừa kế. Trong các nỗ lực khắc phục những sai lầm đó, điều luật về thời hiệu thừa kế được viết lại nhưng vẫn rất tối nghĩa và vẫn có thể dẫn đến hiểu lầm như trước. Cần xác định “việc thừa kế” là việc gì. Đó chỉ có thể là việc “yêu cầu thừa nhận tư cách thừa kế” của nguyên đơn hoặc “yêu cầu bác bỏ tư cách thừa kế” của bị đơn như nói ở trên. Trong không ít trường hợp, một người đồng thời yêu cầu công nhận tư cách thừa kế của mình và yêu cầu chia di sản. Thời hiệu chỉ áp dụng đối với loại yêu cầu thứ nhất, không áp dụng đối với yêu cầu thứ hai. Nếu yêu cầu thứ nhất bị từ chối do hết thời hiệu, thì yêu cầu thứ hai trở nên vô nghĩa, không cần được xem xét. Bởi vậy tốt nhất là quy định về “thời hiệu thừa kế” (điều 646) như sau: “Thời hạn yêu cầu tòa án công nhận tư cách người thừa kế của mình hoặc bác bỏ tư cách người thừa kế của người khác là 30 năm đối với việc thừa kế có đối tượng là bất động sản, mười năm đối với việc thừa kế có đối tượng là động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Vấn đề thời hiệu “Thời hiệu” trong luật dân sự ở nhiều nước được hiểu là căn cứ để xác lập hoặc xóa bỏ (thủ tiêu) một quyền, bằng cách để cho một khoảng thời gian trôi qua. Sự xác định “thời hiệu” thật ra là một trong những biện pháp thuận tiện cho phía nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu khách quan của pháp luật là bảo đảm trật tự xã hội, công bằng xã hội. Nhưng tư tưởng chủ đạo của luật dân sự là: một quan hệ dân sự đã tồn tại liên tục và phát huy tác dụng xã hội tích cực trong một thời gian dài, thì phải được coi là quan hệ hợp pháp, ngay cả trong trường hợp nó đã được xác lập trái pháp luật. Mặt khác, một quan hệ hợp pháp nhưng đã không còn sức sống và mất tác dụng xã hội trong một khoảng thời gian dài thì phải xem như đã chấm dứt, ngay cả trong trường hợp quan hệ vẫn tồn tại về mặt lý thuyết. Nói chung, tất cả những gì được xã hội cho là hợp lý, hợp tình thì cũng phải, hoặc đồng thời hoặc muộn hơn (nghĩa là sau thời gian thử thách), được coi là hợp luật. Ví dụ điển hình về “thời hiệu” liên quan đến quyền đòi nợ. Người có một quyền chủ nợ đã đến hạn đòi mà không chịu đòi, sau một khoảng thời gian sẽ mất luôn quyền đòi nợ. Thật ra, quyền chủ nợ nói chung là quyền được pháp luật thừa nhận cho một người không đương nhiên mất đi do thời hiệu. Khi có một người kiện đòi lại tài sản hoặc yêu cầu trả nợ, trách nhiệm của tòa án ở các nước là phải thụ lý và xem xét vụ án về nội dung. Thẩm phán tuyệt đối không được tự mình viện dẫn thời hiệu “giùm” cho bị đơn. Lý do là thụ hưởng thời hiệu là một trong các chứng cứ mà bị đơn được phép đưa ra để bảo vệ các quyền lợi của mình. Cung cấp chứng cứ chống lại nhau trong một vụ án là việc của các bên; còn thẩm phán chỉ có quyền đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp rồi tiến hành phân xử khách quan, chứ không được phép tự mình đưa ra chứng cứ thay cho bên này hay bên kia. Cũng vì quyền sở hữu không mất đi, nếu người nắm giữ tài sản (do tưởng là của mình, dù thật ra không phải như vậy) không chủ động viện dẫn thời hiệu thì phải hoàn trả tài sản một khi bị chủ sở hữu đòi lại, cho dù việc chiếm hữu đã được thực hiện liên tục, công khai... từ nhiều trăm năm trước. Tương tự, người mắc nợ không viện dẫn thời hiệu, một khi chủ nợ chứng minh được món nợ là hợp pháp, có thật và đã đến hạn trả, người mắc nợ phải trả nợ một cách dứt khoát và phải trả đủ dù đã từ lâu lắm nợ không được đòi. Trong Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy tắc nào quy định thể thức, thủ tục sử dụng thời hiệu như một vũ khí, một đối sách của bị đơn trong các tranh chấp tư pháp; cũng không có quy tắc liên quan đến khả năng từ chối thụ hưởng thời hiệu của người mắc nợ, người chiếm hữu. Hậu quả là trong rất nhiều vụ tranh chấp về tài sản, về nghĩa vụ theo hợp đồng, thẩm phán ở Việt Nam đã làm một việc không giống ai là chủ động “thay mặt” bị đơn viện dẫn thời hiệu để bác yêu cầu và thủ tiêu luôn quyền sở hữu, quyền chủ nợ của nguyên đơn, ngay cả trong trường hợp bị đơn không hề biết đến thời hiệu là gì. Đến dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, khuyết tật này phần nào được khắc phục (quy định tại điều 170 về Thực hiện, bảo vệ quyền bằng thời hiệu). Theo đó, “Cá nhân, pháp nhân có quyền căn cứ vào thời hiệu để bảo vệ quyền dân sự. Người được hưởng quyền, người được miễn trừ nghĩa vụ có quyền từ chối việc hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”. Tuy nhiên, quy định như thế vẫn chưa ổn. Cần phải dựa vào tư tưởng chủ đạo, theo đó viện dẫn thời hiệu là một quyền gắn với lợi ích riêng của người thụ hưởng thời hiệu đó, đồng thời là điều kiện để công khai việc thụ hưởng đó. Người này có thể thực hiện mà cũng có thể không thực hiện, thậm chí từ chối thực hiện quyền của mình. Do vậy, cần viết lại câu đầu của điều 170 sửa đổi liên quan đến hiệu lực của thời hiệu, theo hướng để người được hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ do thời hiệu được “viện dẫn thời hiệu để được hưởng quyền, được miễn trừ nghĩa vụ” đó. Nói cách khác, xã hội, luật pháp trao cho chủ thể một lợi ích, có hưởng lợi ích đó hay không là hoàn toàn tùy chủ thể, nhưng chủ thể phải nói rõ sự lựa chọn của mình. Tags: Bộ luật dân sựThời hiệuThời hiệu thừa kế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Hàng không, dịch vụ chạy đua vào sân bay Long Thành CÔNG TRUNG 23/11/2024 Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang chạy đua với thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và phi hàng không cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc đua mới tại sân bay Long Thành.
Khám chữa bệnh từ xa, tại nhà được bảo hiểm chi trả: Làm sao để hiệu quả cao nhất? THÀNH CHUNG 23/11/2024 Dự kiến cuối tháng 11 này, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tham gia BHYT mà người dân đang rất quan tâm.
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Ông Trump chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo chọn tỉ phú Scott Bessent làm bộ trưởng tài chính trong nội các sắp tới của ông.