10/12/2018 15:50 GMT+7

Sửa cùng lúc 3 luật lớn về tổ chức bộ máy nên để sau năm 2019

L.THANH
L.THANH

TTO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên sửa đồng thời cả 3 luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất và sẽ thực hiện sau 2019.

Sửa cùng lúc 3 luật lớn về tổ chức bộ máy nên để sau năm 2019 - Ảnh 1.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải sửa đồng bộ cả 3 luật liên quan đến tổ chức bộ máy - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 10-12 bàn về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, các ý kiến đều cho rằng cần cân nhắc thận trọng.

Theo tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, vừa qua có một số địa phương đang thí điểm sáp nhập các sở ngành và nay đã dừng lại, cho thấy đối với việc này chúng ta vẫn đang trong quá trình suy nghĩ. Nếu sửa luật trong năm 2019 thì nên thận trọng, không nhập vào rồi tách ra sẽ rất tốn kém.

Hơn nữa, việc sửa hai luật này có liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội, cần sửa đồng bộ.

Cụ thể, việc thí điểm việc hợp nhất 3 cơ quan gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND đang khiến nhiều địa phương băn khoăn về sự khác nhau giữa các bên lập pháp và hành pháp liên quan đến công tác giám sát, tổng thư ký Quốc hội cho biết.

Ở các địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, biên chế các văn phòng này hiện có tới 300 người, nếu nhập vào thì "không cẩn thận sẽ thành các siêu sở", ông Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý.

Đến ngày 31-12-2019 việc thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng như nêu trên tại 12 địa phương mới kết thúc, mới có cơ sở đánh giá, tổng kết thí điểm để đề xuất sửa Luật Tổ chức Quốc hội đảm bảo phù hợp nhất.

Do đó, theo ông Phúc, việc sửa đổi đồng bộ cả 3 luật chưa thể đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2019.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị dời việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội đến năm 2020.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc sửa hai luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức Chính quyền địa phương cũng nên xin ý kiến Bộ Chính trị để đảm bảo tính thống nhất.

Về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo những định hướng lớn cho tổ chức hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, sau đó thiết kế đề cương tổng thể và chi tiết.

"Phải định hướng tổ chức của Chính phủ, Quốc hội trong tình hình mới tinh gọn như thế nào, ở chỗ nào", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước việc một số địa phương vừa sáp nhập một số sở ngành trong khi luật và nghị định đều chưa sửa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm phải đúng bàn bản, trình tự.

"Chủ trương, quan điểm những định hướng của Đảng phải được thể chế, cụ thể hóa bằng các văn bản luật, pháp lệnh, dưới là nghị định. Nên cả Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cùng rà soát lại để đảm bảo không rối tung lên. Tinh thần là chương trình làm luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, 2020 sẽ thông qua luật quan trọng, cấp thiết", Chủ tịch Quốc hội nói.

Không chấp nhận bộ máy hành chính phình to

TTO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy trong buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Nội vụ ngày 27-6.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên