TTCN - Đó là câu hỏi mà từ giữa tháng mười đến nay không ít bà mẹ đã phải đặt ra sau khi có một loạt bài báo đăng lại những kết quả khảo sát của một nhà nghiên cứu tên Winston Koo của Đại học Wayne State cùng các cộng sự, đăng trên chuyên san Pediatrics (Nhi Khoa), và những bài báo phản biện. Phóng toTTCN - Đó là câu hỏi mà từ giữa tháng mười đến nay không ít bà mẹ đã phải đặt ra sau khi có một loạt bài báo đăng lại những kết quả khảo sát của một nhà nghiên cứu tên Winston Koo của Đại học Wayne State cùng các cộng sự, đăng trên chuyên san Pediatrics (Nhi Khoa), và những bài báo phản biện. Hậu quả là sự hoang mang nơi người tiêu dùng, trong đó phần lớn là các bà mẹ đang cho con bú bình với các loại sữa mô phỏng công thức sữa mẹ (gọi tắt là sữa công thức). Nguyên do của sự hoang mang này là kết luận của nhà nghiên cứu Winston Koo, được một số báo trích lại với nội dung: “Trẻ em sinh đủ tháng khỏe mạnh ăn sữa công thức có sử dụng dầu cọ làm thành phần chính trong chất béo, có hàm lượng khoáng chất trong xương và mật độ khoáng chất trong xương thấp hơn đáng kể so với nhóm được cho ăn bằng sữa công thức không chứa dầu cọ. Việc sử dụng dầu cọ trong sữa công thức cho trẻ em với hàm lượng cần thiết để tạo tỉ lệ axit béo giống như trong sữa mẹ làm giảm mức độ khoáng hóa xương”. Những ý kiến phản biện cho rằng “mỗi ngày trên thế giới có hàng nghìn công trình khoa học như của Winston Koo. Vấn đề là cơ quan nào, ai có thẩm quyền công nhận những kết luận nghiên cứu ấy?”. Do lẽ cả hai dòng ý kiến bảo vệ và phản biện đều là của những chuyên viên dinh dưỡng nên người tiêu dùng càng hoang mang. Tất nhiên, đằng sau vụ tranh luận này là sự tranh chấp thị phần của các hãng sữa và sự hoạt động của các công ty và bộ phận PR (quan hệ công chúng) phụ trách việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh của các công ty, và cả việc “đánh đấm” trên các phương tiện thông tin đại chúng khi cần thiết. 50 ngày sau những bài báo đầu tiên về vấn đề này, nhà nghiên cứu Winston Koo xuất hiện bằng xương bằng thịt trước một cử tọa gồm các bác sĩ và cán bộ dinh dưỡng trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học Y TP.HCM (ngày 3-12-2003). Việc nối cầu truyền hình qua Thái Lan và Đà Nẵng cho phép đoán rằng thị trường VN là “mặt trận” chủ yếu. Lần này, ông Winston Koo có dịp trình bày hầu như toàn bộ bài viết đăng trên chuyên san Pediatrics nói trên, chứ không chỉ vắn tắt như những gì đã được báo chí trước đây - có thể xem nguyên văn tại địa chỉ http://pediatrics.aappublications.org/cgi/content/full/111/5/1017. Cùng tham gia đăng đàn còn có các nhà nghiên cứu Alan Lucas của Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng nhi khoa MRC (Childhood Nutrition Centre) và William Maclean của Đại học Ohio. Các tên tuổi này có thể được kiểm chứng trên Internet qua một số địa chỉ như www.mrc.ac.uk/txt/index/public-interest/public-press_office/public-press_releases_2001/public-16_march_2001.htm (trường hợp ông Alan Lucas)... Ba diễn giả này đã lần lượt giới thiệu chi tiết các nghiên cứu của mình, có thể tóm tắt như sau: 1/ Cần có sự hiểu biết mới về tầm quan trọng của dinh dưỡng trong những năm đầu của trẻ em đối với sức khỏe sau này ở tuổi trưởng thành... Chế độ dinh dưỡng ban đầu của trẻ em (sữa) có tác động “lập trình” sức khỏe não bộ, xương, hệ miễn nhiễm, hệ thống tim mạch sau này. Từ đó, đặt vấn đề các loại sữa “công thức” cần phải an toàn và hiệu quả, nhất là khi mà không phải loại sữa “công thức” nào cũng an toàn và hiệu quả như nhau, trong khi sữa mẹ vẫn là tốt nhất (Alan Lucas). 2/ Không thể chỉ đơn giản sao chép các thành phần trong sữa mẹ để sản xuất ra sữa “công thức” mà phải quan tâm đến giá trị sinh học, thành phần dưỡng chất, tính hữu dụng của dưỡng chất đó. Thí dụ: sự sao chép chất axit palmitic trong sữa mẹ bằng cách dùng dầu cọ bổ sung để tạo ra axit palmitic tương tự sữa mẹ (William Maclean). 3/ Không ai biết được rằng dưới lớp da khỏe mạnh của em bé bú sữa bình các loại là như thế nào... Các khảo sát cho thấy... (Winston Koo). Về mặt lý luận, những báo cáo khoa học trên lần lượt củng cố kết luận của Winston Koo là: trẻ em được cho bú các loại sữa không có chứa dầu cọ có mật độ xương và hấp thụ calci cao hơn là các trẻ em bú sữa có dầu cọ. Tất nhiên, các diễn giả cũng nhấn mạnh rằng không gì bằng sữa mẹ. Thế nhưng, thực tế cho con bú sữa mẹ ở VN lại không đơn giản khi mà có đến 86% em bé không bú mẹ, phần lớn (62%) do người mẹ không đủ sữa, bận đi làm (31%). Từ thực tế đó, trước tập hợp thông tin “phủ định dầu cọ” này, cử tọa tuy phần lớn là bác sĩ nhi khoa, song không phải ai cũng có nghiên cứu về vấn đề này, không thể không suy nghĩ về dầu cọ. Cũng có thể cho rằng những thông tin này chỉ nhằm cảnh báo, chứ không nhằm triệt hạ một đối thủ nào. Song rõ ràng là cần có những ý kiến phản biện có thẩm quyền trong một cuộc hội thảo, mà từ nguyên có nghĩa là thảo luận. Tất nhiên, cũng đã có những ý kiến và thái độ phản biện nghiêm túc từ phía cử tọa như của bác sĩ Huỳnh Thị Duy Hương - cán bộ giảng dạy bộ môn nhi ĐH Y dược TP.HCM -cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương nơi trẻ em, và rằng mẫu nghiên cứu với chỉ 65 trường hợp là chưa đủ, nên chăng cần có một mẫu nghiên cứu lớn hơn (mà theo nhà nghiên cứu Winston Koo là đủ). Đáng tiếc là không có thời giờ cho những tranh luận sâu xa hơn. Cũng may là những vị đứng tên trên thư mời dự hội thảo cũng đã lên tiếng đôi chút trước khi kết thúc hội thảo. Ý kiến đầu tiên của giáo sư Hoàng Trọng Kim - chủ nhiệm bộ môn nhi ĐH Y dược TP.HCM: đây là một vấn đề mới, chưa chắc đã đúng, chưa chắc đã sai, cần ghi nhận để nghiên cứu thêm. Hay của giáo sư Từ Giấy - chủ tịch Hội Dinh dưỡng VN: đây là một “bữa tiệc” quá thịnh soạn, có thể dẫn đến bội thực, hi vọng khi về quí vị sẽ có thời giờ tiêu hóa, rút ra những gì bổ ích cho hành động của mình sau này. Hoặc của phó giáo sư Đào Thị Ngọc Diễn - trưởng Chi hội Dinh dưỡng nhi khoa VN: chúng ta tiếp nhận những nghiên cứu mới này tùy theo sự cân nhắc của chúng ta. Ít nhất cũng có thể rút ra được một điều: không thể chỉ chú ý đến thành phần của sữa mà phải chú ý đến chất lượng, nên chú ý đến tình trạng còi xương đang ngày càng gia tăng ở VN. Vấn đề đặt ra sau cuộc hội thảo này là gì? Trước hết, đây là một vấn đề nhạy cảm do lẽ ngày nay trong điều kiện kinh tế dư dả, người dân càng có điều kiện bù thế sữa mẹ bằng sữa “công thức”, nay trước những thông tin này không thể không rối trí. Một cuộc hội thảo ngắn ngủi như thế chưa đủ để giúp cử tọa có một cái nhìn đầy đủ - thuận/ nghịch - về vấn đề mới mẻ này; từ đó, làm sao có thể tư vấn hợp lý cho các bà mẹ được? Các phát biểu của các vị đứng tên trên thiệp mời còn ở ngưỡng: wait and see. Trong khi đó, sữa không chỉ là một thực phẩm của ngày hôm nay cho trẻ em, mà là tương lai sức khỏe sau này. Không ai có khả năng kiểm chứng tính chính xác của các nghiên cứu này, cũng như có tiếng nói thẩm quyền bằng Bộ Y tế. Thay vì một sự thinh lặng - một vài ý kiến cá nhân đều là vô nghĩa- là một thông báo đầy đủ tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm an dân, trách nhiệm trước sức khỏe của trẻ em.
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.