09/08/2024 14:36 GMT+7

Sữa bò và thực phẩm chế biến Ba Lan chờ về thuế 0% để vào Việt Nam

Sau 7 năm bắt đầu xúc tiến và bán hàng vào thị trường Việt Nam, các sản phẩm thịt gà, thịt heo và táo của Ba Lan đang phủ sóng ở siêu thị Việt Nam.

Các doanh nghiệp châu Âu đang tận dụng EVFTA để tiếp cận thị trường Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH

Các doanh nghiệp châu Âu đang tận dụng EVFTA để tiếp cận thị trường Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH

Phái đoàn doanh nghiệp Ba Lan trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến TP.HCM trong chuyến xúc tiến thị trường Việt Nam từ ngày 7 đến 11-8.

Sau 7 năm khai phá thị trường Việt Nam, tăng trưởng của các sản phẩm thực phẩm và nông sản của Ba Lan sang Việt Nam khá đều đặn, đặc biệt là thịt heo, gia cầm và rau củ quả.

Chia sẻ thêm kết quả này với báo chí, ông Piotr Kondraciuk, giám đốc hỗ trợ xuất khẩu của Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp Ba Lan, cho biết tổng giá trị xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam năm ngoái đạt 540 triệu euro (gần 590 triệu USD), tăng 16% so với năm 2022. Trong đó, sản phẩm từ thịt heo và gia cầm chiếm 143 triệu euro, tăng 43%, riêng thịt gia cầm đông lạnh tăng 71%, đạt 42 triệu euro.

"Con số này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu so sánh vào năm 2012, tổng giá trị xuất khẩu thịt gà Ba Lan sang Việt Nam chỉ khoảng 1,6 triệu USD và 4 tháng đầu năm nay là 21 triệu USD. Tương tự, với táo năm 2012 là con số 0 thì hiện đã đạt 557.000 USD. Mùa vụ táo vào tháng 9 nên con số này còn tăng hơn nữa", ông Piotr Kondraciuk nói thêm.

Hiện Việt Nam đã cấp phép cho thịt bò Ba Lan được xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo ông Piotr Kondraciuk, các kết quả này có sự hỗ trợ cực kỳ lớn của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà hai bên ký kết và Ba Lan là một trong những quốc gia thành viên. Sau 4 năm chính thức có hiệu lực, hiệp định đã mở cửa và giúp cho việc tiếp cận thị trường các sản phẩm nông sản của Ba Lan vào Việt Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.

Bà Bozena Wroblewska - chủ tịch Trung tâm Xúc tiến phòng thương mại Ba Lan - cho rằng những hiệp định thương mại tự do không chỉ gỡ bỏ đa số các loại thuế xuất nhập khẩu giữa 2 bên mà còn đơn giản hóa quá trình cấp phép và các chướng ngại khác. Như quy định về quá trình kiểm định nguồn gốc xuất xứ cũng được đồng bộ hóa.

Doanh nghiệp Ba Lan đánh giá trong khu vực châu Á, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm thực phẩm và nông sản của Ba Lan bên cạnh Trung Quốc, Phillippines. Sau thành công với các mặt hàng thịt gà, thịt heo, táo, đồ uống, các doanh nghiệp nước này đang tìm kiếm đối tác để phân phối thêm thịt bò vào thị trường Việt Nam.

Năm 2023, giá trị giao thương giữa Ba Lan và Việt Nam đạt mốc trên 5 tỉ USD, trong đó phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan với kim ngạch ước tính 4,6 tỉ USD, có giảm nhẹ so với năm trước đó.

Các doanh nghiệp đang để ý thị trường sản phẩm sữa bò và thực phẩm chế biến vì thuế xuất khẩu đối với các nhóm sản phẩm này sẽ dần được giảm xuống còn 0% trong vòng 5-7 năm kể từ khi hiệp định chính thức có hiệu lực.

Ba Lan hiện là nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 4 châu Âu và gia cầm thứ 3 thế giới. Các doanh nghiệp nước này cho biết ngoài xuất khẩu trực tiếp, họ cũng sẽ mở rộng qua các đối tác trung gian và đưa hàng nhiều hơn vào các siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội.

Riêng 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt trên 793 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 695 triệu USD và nhập khẩu 98 triệu USD hàng hóa từ Ba Lan.

Sản phẩm cao cấp Ba Lan tìm đường vào Việt NamSản phẩm cao cấp Ba Lan tìm đường vào Việt Nam

TTO - Hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và 8 nhà cung cấp đến từ Ba Lan đã tham gia chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” tổ chức tối 7-12 tại TP.HCM nhằm tìm kiếm cơ hội giao thương trong lĩnh vực thực phẩm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên