05/12/2024 10:16 GMT+7

Sử Việt qua lăng kính tự hào của người trẻ

Sau gần hai tháng, 16 thí sinh xuất sắc nhất sẽ cùng tranh tài trận chung kết hội thi Tự hào sử Việt 2024 chủ đề "Tự hào 50 năm TP anh hùng" do Thành Đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức tối nay (5-12).

Sử Việt qua lăng kính người trẻ - Ảnh 1.

Các thí sinh tham gia thi trực tuyến hội thi "Tự hào sử Việt" 2024 - Ảnh: K.ANH

Một trong các nội dung của hội thi có phần thi "Lan tỏa sử Việt" đã thể hiện tâm huyết của người trẻ với lịch sử.

Dự án hành trình "Việt Nam âm vang sử liệu - hồn Việt trên màn hình số" do nhóm ba sinh viên Lê Vũ Xuân An, Nông Quốc Hưng và Nguyễn Đức Toàn (khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thực hiện xây dựng website số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ tại các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Đã xuất hiện một số xu hướng, phong trào cùng tìm về giá trị lịch sử, văn hóa do chính người trẻ khởi xướng. Mình thấy đây là tín hiệu đáng mừng để khẳng định giới trẻ không hề chán ngán lịch sử.

Sinh viên LÊ THỊ THANH TRÀ

Dùng công nghệ lan tỏa, tự hào sử Việt

Hai sản phẩm nhóm đã hoàn thành gồm website "Tân Phú anh hùng" tại xã Tân Phú, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) được thực hiện trong Mùa hè xanh. Cái còn lại là website "Xã Kiểng Phước vùng đất anh hùng" tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) được thực hiện trong Xuân tình nguyện.

Lê Vũ Xuân An nói việc đưa lịch sử đến gần với giới trẻ và quốc tế trên nền tảng số không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa mà còn tạo cơ hội lan tỏa những giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhóm ứng dụng công nghệ số hóa di tích lịch sử, tập trung bảo tồn thông tin các địa danh, sự kiện gắn với tuyên truyền và lan tỏa giá trị lịch sử và tinh thần tự hào sử Việt.

Cụ thể, các bạn đã phối hợp với cán bộ địa phương thu thập tư liệu, hình ảnh và video từ các địa điểm. Nhờ công nghệ, các bạn góp phần làm cho câu chuyện, thông tin lịch sử sống động qua hình ảnh. Xuân An chia sẻ: "Với mình, lịch sử không nằm ở những con số, cái tên hay mốc thời gian mà là giá trị lịch sử. Chắc không bạn trẻ nào từ chối lịch sử nước nhà, có chăng chỉ là chưa thích cách dạy, học sử".

Theo cả nhóm, cần số hóa, hiện đại hóa nội dung lịch sử. Có thể dùng công nghệ như bản đồ lịch sử tương tác, trò chơi nhập vai hay công nghệ AR/VR tái hiện sẽ giúp sự kiện lịch sử trở nên sống động và dễ tiếp cận hơn với giới trẻ.

"Nên tận dụng mạng xã hội kể những câu chuyện lịch sử ngắn gọn, hấp dẫn. Kết hợp nội dung sáng tạo với hình ảnh và âm thanh lôi cuốn, mình tin lịch sử không chỉ mang tính giáo dục mà còn trở thành nguồn cảm hứng để thế hệ trẻ tự hào về truyền thống dân tộc", An nói.

Làm sống dậy giá trị các di tích lịch sử

Nhóm đoàn viên Trường ĐH Sài Gòn đã thực hiện đề tài "Phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) trong giáo dục truyền thống cho học sinh địa phương".

Bạn Lê Nguyễn Kiều Ngân - sinh viên ngành sư phạm lịch sử (khoa sư phạm khoa học xã hội) - nói đề tài không ngoài mong muốn giúp học sinh trên địa bàn hiểu hơn lịch sử nơi mình đang sống.

Ngân nói có hiểu lịch sử mới hình dung được quá trình đấu tranh gian khổ mà hào hùng của dân tộc để đất nước có độc lập như hôm nay. Là sinh viên ngành lịch sử, đồng thời làm bí thư Đoàn khoa, Ngân và các bạn ban chấp hành Đoàn khoa đã tổ chức hành trình về nguồn đến với các địa chỉ đỏ, sân chơi 50 phút Hẹn hò cùng sử Việt, hội thi trực tuyến…

Ngân nói rất vui khi qua các hoạt động ấy đã nhận ra tình yêu nước, ý thức trân trọng lịch sử dân tộc của các bạn sinh viên. "Tôi muốn mang tình yêu lịch sử của mình lan tỏa đến nhiều người, nhất là các bạn trẻ, để thấy được tầm quan trọng của lịch sử nước nhà. Tôi sẽ tiếp tục trau dồi chuyên môn để khi ra trường có thể mang kiến thức, giá trị lịch sử truyền tải đến các thế hệ học sinh tiếp theo", Ngân nói.

Trong khi đó, sinh viên năm cuối Lê Thị Thanh Trà (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) lại mặn mà với dự án "Tịnh Thủy Đường". Dự án chia sẻ đam mê viết thư pháp chữ Nho, chữ quốc ngữ, tranh thủy mặc, ấn triệu…

Trà nói lịch sử là phạm trù lớn và không dễ tìm hiểu chuyên sâu nhưng hành trình ấy đã được đúc kết qua văn hóa, phong tục, thơ văn, âm nhạc.

"Nói yêu sử Việt với giới trẻ nghe có phần trừu tượng nhưng nếu nói với họ yêu các phạm trù nhỏ hơn về thơ văn, phong tục, âm nhạc truyền thống, nhạc cụ dân tộc sẽ dễ hình dung hơn", Trà bày tỏ.

Dẫn chứng việc các bạn trẻ mặc cổ phục xuống phố hay hóa trang thành nhân vật anh hùng lịch sử tham gia các cuộc thi về văn hóa thời gian gần đây khá mạnh mẽ, Trà nói điều này cho thấy chúng ta có tinh thần làm tiềm lực lớn để phát triển.

"Rất mong nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện để có thể lan tỏa tình yêu văn hóa lịch sử Việt Nam rộng rãi hơn thời gian tới", Trà mong muốn.

Board game "Lịch sử thần chủ"

Lý Quí Phúc (nhóm Thần Chủ) đã cho ra đời dự án này với kỳ vọng tạo ra sản phẩm văn hóa Việt chất lượng cho các bạn yêu văn hóa trải nghiệm và có thể tự hào không thua sản phẩm nước ngoài.

Cũng còn lý do khác là Phúc từng thấy tự ái khi lớn lên xung quanh toàn sản phẩm văn hóa nước ngoài. "Mình ấp ủ ý tưởng này từ năm 2010 nhưng phải đến 2017 mới có đủ chi phí, tìm được họa sĩ để bắt đầu. Hiện board game có lượng fan hơn 14.000 người", Phúc cho hay.

Phúc cho biết dự án hướng đến phục vụ khách hàng độ tuổi 14-40. Tuy nhiên, người thường xuyên chơi lại từ 21-36 tuổi, qua đó người trẻ được tiếp cận hình ảnh nhiều nhân vật lịch sử nước nhà.

Sử Việt qua lăng kính người trẻ - Ảnh 2.Tìm hiểu sử Việt để tự hào về thành phố anh hùng

Hội thi "Tự hào sử Việt" 2024 chủ đề "Tự hào 50 năm thành phố anh hùng" do Thành Đoàn TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức chính thức khai mạc ngày 17-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên