Đây là tín hiệu vui và cũng là nỗ lực đáng khích lệ của các đơn vị, đặc biệt các đơn vị xã hội hóa.
Nhiều vở sử Việt, chờ đợi "bom tấn"
Một trong những vở ra quân sớm là vở cải lương tuồng cổ Xuân về trên đất Thăng Long (tác giả và đạo diễn: Bạch Long) của đoàn Đồng ấu Bạch Long.
Vở diễn nhấn mạnh đôi bạn thanh mai trúc mã Bùi Thị Xuân - Phạm Khanh. Họ cùng học một thầy nhưng sau đó Bùi Thị Xuân theo nhà Tây Sơn, còn Phạm Khanh phò nhà Lê.
Ngày 27-1, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang công diễn vở cải lương Khúc tráng ca thành Gia Định (tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ).
Đây là vở diễn nói về nhân vật anh hùng Võ Duy Ninh.
Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM mới đây cũng vừa phúc khảo vở Lê Đại Hành hoàng đế (tác giả: Đăng Minh, chuyển thể hát bội: NSƯT Linh Hiền, đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ).
Vở lấy dấu mốc khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, ấu quân còn nhỏ tuổi nên đất nước loạn lạc. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cầm quyền ngay giai đoạn khắc nghiệt nên phải đương đầu với những thế lực thù trong giặc ngoài.
Trước đó, nhà hát cũng đã phúc khảo vở Anh hùng (tác giả: Vương Huyền Cơ, chuyển thể hát bội: NSND Hữu Danh, đạo diễn: Hoàng Vũ).
Đây là vở diễn nói về anh hùng Nguyễn Trung Trực. Dự án nhạc kịch rần rần Tết 2024 là vở Tình sử Thăng Long (đạo diễn: Hoàng Hải) được cảm tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân của tác giả Lưu Quang Vũ.
Vở diễn được chờ đợi sẽ là "bom tấn" kịch Tết năm nay vào mùng 6, mùng 7 tháng giêng tại Nhà hát Bến Thành.
Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cũng sắp ra mắt vở múa rối nước Trước ngọn sóng (tác giả: Mai Thắm, đạo diễn: Trần Được), vở nói về các chiến sĩ hải quân nơi Trường Sa yêu dấu.
Nhà hát kịch Idecaf đang cùng lúc chuẩn bị đến ba vở sử Việt, dự kiến tung ra ngay sau Tết.
Cụ thể là vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt (kịch bản: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn), Nữ đại đế Mê Linh (tác giả: Vũ Minh - Bạch Long) và vở Đời luận anh hùng (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt).
Sân khấu Sen Việt đã hoàn thiện kịch bản để sau Tết lên sàn tập vở nhạc kịch Lá cờ thêu 6 chữ vàng (tác giả: Nguyên Phương, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt).
Vở lịch sử phải hấp dẫn
Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Nhà hát kịch Idecaf, chia sẻ lý ra một trong ba vở sử Việt của ông sẽ ra mắt trước Tết, tuy nhiên do diễn viên, đạo diễn quá kẹt lịch nên dự án phải dời sau Tết.
Hiện các khâu phục trang, cảnh trí của ba vở này đã chuẩn bị hết. Ông Tuấn đang cho chụp làm poster để làm nóng không khí trước.
Nữ đại đế Mê Linh theo kế hoạch sẽ làm cả hai bản kịch nói và cải lương. Mỗi vở sử Việt sẽ biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi 10 suất, sau đó tập trung biểu diễn phục vụ học đường.
"Vì biểu diễn phục vụ các em học sinh nên chúng tôi tập trung chủ yếu vào không gian lịch sử, bớt nặng nề về lý luận, quan điểm để các em dễ xem" - ông Tuấn chia sẻ.
Và ông quan niệm vở sử Việt cũng phải dựng thật hấp dẫn để tránh mặc định vở sử khô khan. Cụ thể, ông muốn khán giả khi bước vào một vở sử Việt cũng phải choáng ngợp như xem các vở diễn khác. Ngoài câu chuyện được kể một cách hấp dẫn thì trang phục, cảnh trí phải hết sức đầu tư.
Đặc biệt, kịch sử tăng cường các ngôi sao để tạo yếu tố thu hút. Như ba dự án sử Việt kể trên của nhà hát sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ được khán giả yêu thích như Đình Toàn, Hồng Ánh, Đại Nghĩa, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Bạch Long, Tuyết Thu...
Thậm chí có điều kiện ông sẵn sàng tăng cường ngôi sao ở các lĩnh vực khác như Trinh Trinh, Tú Sương, Võ Minh Lâm... Sau ba vở sử Việt mới, Idecaf sẽ khôi phục và diễn lại một loạt vở sử Việt gây dấu ấn của sân khấu như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê...
Với Lá cờ thêu 6 chữ vàng về anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết ê kíp đang gấp rút để kịp công diễn vào tháng 5-2024.
Anh nói: "Vở sẽ dài chừng 90 phút. Để người trẻ hào hứng xem vở, tôi chú trọng tạo không khí sinh động, tiết tấu nhanh, có tư tưởng chủ đề rõ ràng.
Đặc biệt, đây là vở nhạc kịch lấy chất liệu dân gian Nam Bộ chủ yếu kết hợp ca vũ nhạc kịch, phục vụ khán giả là học sinh cấp I, cấp II".
Với vở Trước ngọn sóng sẽ biểu diễn trong mùa Tết 2024, ông Lê Diễn - giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - tiết lộ sẽ dàn dựng theo phong cách nhẹ nhàng để truyền cho các khán giả nhí tình yêu thiên nhiên biển đảo, tình cảm đối với những người lính ở đảo xa.
Trước đó, vở múa rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực của nhà hát cũng gây được cảm tình và khá hấp dẫn khi không chỉ dừng ở nghệ thuật múa rối nước mà còn kết hợp kịch nói, hát bội, rối bóng...
Với Tình sử Thăng Long, NSND Hồng Vân bày tỏ rằng dự án được hình thành bởi những con người yêu sử Việt và muốn thể hiện lòng tự hào của người con đất Việt.
"Chính vì mê quá nên tôi và anh Kim Tử Long muốn làm vở diễn phải thật hấp dẫn, thật ấn tượng. Và muốn được như vậy thì quả thực rất tốn kém. Thế nên chúng tôi xác định dự án này vì tình yêu sử Việt không phải vì lợi nhuận. Nếu may mắn huề vốn đầu tư là hạnh phúc lắm rồi" - Hồng Vân bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận