Bác sĩ Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng, chia sẻ:
Sự thật là 1/8 chiếc bánh chưng cỡ thông thường sẽ có trọng lượng khoảng 114 gram, cung cấp 204 kcal, 4,7 gram chất đạm, 5,6 gram chất béo, 33,9 gram chất bột đường.
Trong khi đó, một bát cơm trắng cung cấp khoảng 200 kcal. Như vậy, mức năng lượng của 1/8 chiếc bánh chưng cỡ vừa cao hơn mức năng lượng so với một bát cơm trắng.
Những người thừa cân béo phì cần hạn chế ăn bánh chưng. Theo khuyến nghị, một người thừa béo phì chỉ nên ăn 200-250g chất bột đường mỗi ngày, tương đương 2 miếng bánh chưng loại 1/8, đồng thời khi đã ăn bánh chưng cần giảm các thực phẩm chứa tinh bột khác.
Cách bảo quản bánh chưng không bị mốc
Để bảo quản bánh chưng tránh bị mốc và ôi thiu chúng ta cần chú ý:
Nếu để bánh bên ngoài, không cất trong tủ lạnh, cần cất bánh ở nơi khô ráo, thoáng gió tránh cho bánh bị ẩm mốc. Bánh chưng khi để ở nhiệt độ ngoài trời có thể bảo quản trong 3-4 ngày và thời gian bảo quản bánh an toàn sẽ giảm đi khi trời nồm, ẩm ướt.
Ngoài ra, hiện nay phương pháp hút chân không để bảo quản bánh chưng cũng rất phổ biến, phương pháp này không chỉ giúp cất trữ bánh hợp vệ sinh mà còn hạn chế côn trùng, bụi bẩn.
Với cách bảo quản bằng hút chân không bánh chưng có thể bảo quản được 5-10 ngày trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên cách tốt nhất để bảo quản bánh chưng là bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh có thể để được từ 15-20 ngày.
Nếu không kịp tiêu thụ lượng bánh chưng, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá, tuy nhiên khi rã đông nên bỏ xuống rã đông từ từ trong ngăn mát và sau đó có thể luộc, hấp lại để bánh đỡ sượng.
Bánh chưng bị mốc lá, hỏng một phần có nên dùng?
Vì tiếc, nhiều người cho rằng khi bánh chưng bị mốc ở lá hoặc bị mốc 1 phần nào đó thì chỉ cần cắt bỏ phần mốc hỏng đó và rán lên là vẫn ăn được. Tuy nhiên theo bác sĩ Sơn, khi bánh chưng đã bị mốc dù ở lá thì cần bỏ ngay cả chiếc bánh, không nên ăn vì độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào bên trong bánh gây ngộ độc.
Còn khi bánh chưng đã bị mốc ở một góc hay một phần nào đó, thì càng không nên ăn vì trong bánh chưng có gạo, thịt và chất béo là môi trường để vi khuẩn nấm mốc phát triển, khi ăn có thể bị ngộ độc thực phẩm cấp tính như tiêu chảy...
Nếu cắt bỏ phần bánh chưng đã mốc hỏng đi và rán bánh chưng lên thì người ăn vẫn có thể bị ngộ độc bởi một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng.
Độc đáo bánh tét nhân chuối
Khác với miền Bắc, bánh chưng thuần vị mặn, có khi có nhân ngọt nhưng vẫn chỉ sử dụng nhân đậu xanh thêm đường, thì người dân một số tỉnh thành phía Nam bên cạnh bánh tét nhân đậu xanh, thịt ba rọi, còn gói bánh tét nhân chuối cho mùa Tết.
Theo bác sĩ Sơn, khẩu vị của người dân nơi đây thích vị ngọt hơn miền Bắc. Chuối xiêm cũng là đặc sản của vùng đất miền Tây Nam Bộ.
Chuối xiêm chín được tách đôi, ướp thêm ít đường để làm nhân bánh. Nếp được xào với cốt dừa thơm và béo ngậy, thêm đậu đỏ để bánh có vị bùi và lá dứa để nếp có màu xanh lá đẹp mắt. Bánh chín có nhân màu đỏ hồng, đậm vị ngọt dịu của chuối nấu chín.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận