Người dân làm đơn gửi đến Tuổi Trẻ Online phản ảnh việc Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh giới thiệu, ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh với nhiều cá nhân, tuy nhiên thực tế thì không có dự án nào như đã giới thiệu.
Trong khi đó, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cũng khẳng định trên địa bàn chưa có bất kỳ dự án đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh của tập đoàn này.
Nhiều người trắng tay vì "dự án trồng sâm Ngọc Linh"
Ngày 30-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông N.V.H. (69 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết ông đã ký 7 hợp đồng "góp vốn hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam" với Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (gọi tắt là Tập đoàn Mỹ Hạnh, trụ sở tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trong đó có hợp đồng góp vốn trị giá lên đến 2 tỉ đồng.
Sau khi ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh (có thời gian 1 năm), trong vòng 11 tháng, Tập đoàn Mỹ Hạnh tạm ứng cho người góp vốn 2%, đến tháng 12 cam kết mua lại vườn sâm, hoàn trả tiền gốc đã góp ban đầu.
"Tất cả các hợp đồng trồng sâm Ngọc Linh tôi ký trực tiếp với bà Phạm Mỹ Hạnh - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mỹ Hạnh, nhưng từ tháng 9-2022 đến nay có những hợp đồng hết hạn tập đoàn không trả lãi, gốc cho người góp vốn. Chúng tôi tìm đến trụ sở không thấy bà Mỹ Hạnh, nhân viên tập đoàn…" - ông H. cho hay.
"Tại sao trước đó người dân lại tin vào dự án trồng sâm Ngọc Linh của Mỹ Hạnh ở Quảng Nam, Kon Tum? Vì khi đến trụ sở họ, chúng tôi thấy họ quảng cáo rất hoành tráng, nhận được nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Đến nay mới vỡ lẽ khi biết sự thật họ không có một dự án trồng sâm Ngọc Linh nào cả", ông H. cho biết thêm.
Bà Đ.T.B. (53 tuổi, ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) kể là giữa năm 2022 bà ký 2 hợp đồng "hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh" với Tập đoàn Mỹ Hạnh, tổng số tiền 470 triệu đồng.
"Có nhân viên đến tận nhà tôi quảng cáo Tập đoàn Mỹ Hạnh đại diện cho Chính phủ Việt Nam phát triển ngành sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới, được Nhà nước hỗ trợ gói vay 16.000 tỉ đồng, tương ứng với 70%, còn 30% phải có vốn tự có của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đi huy động từ dân. Sau đó chúng tôi tiếp tục được họ mời đến trụ sở để giới thiệu về dự án trồng sâm Ngọc Linh nên ai cũng tin tưởng để góp tiền cùng Mỹ Hạnh đầu tư.
Nhưng không ngờ là họ toàn toàn không có dự án trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam hay Kon Tum như đã giới thiệu. Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo bà Mỹ Hạnh, phía Công an quận Cầu Giấy cũng đã mời người dân lên làm việc, ghi lời khai", bà B. bức xúc.
Quảng Nam, Kon Tum: Không có dự án trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Út - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam - cho biết đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì về dự án đầu tư, trồng sâm Ngọc Linh của Tập đoàn Mỹ Hạnh ở địa phương.
Theo ông Út, trong 18 doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư trồng sâm Ngọc Linh thì không có Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Tập đoàn Mỹ Hạnh có ký kết một số hợp đồng hợp tác trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng thầu khoán, thuê khoán với một số đơn vị tại địa bàn tỉnh Quảng Nam không?", ông Út cho biết: "Theo thông tin kiểm tra thì không có. Họ tự liên kết với dân như thế nào đó thì không biết, chưa nghe báo cáo, cung cấp".
Tại Kon Tum, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng khẳng định với Tuổi Trẻ Online rằng Tập đoàn Mỹ Hạnh chưa có dự án trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh này.
Theo thông tin quản lý đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum theo dõi, Tập đoàn Mỹ Hạnh cũng chưa thực hiện bất kỳ hoạt động đầu tư nào theo quy định của Luật Đầu tư trên địa bàn Kon Tum.
Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mỹ Hạnh nói gì?
Lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho Tuổi Trẻ Online biết sau khi nhận được đơn của người dân, đơn vị này đang khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Phạm Mỹ Hạnh - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh - nói: "Chúng tôi đang trong quá trình làm việc với cơ quan công an. Hy vọng sớm có được thông tin chính thức, đầy đủ gửi đến quý báo…".
Trước đó vào chiều 29-8, khi tìm đến trụ sở Tập đoàn Mỹ Hạnh (tại số 39 đường Nguyễn Quốc Trị, quận Cầu Giấy), chúng tôi ghi nhận không còn cảnh nhân viên ra vào, hoạt động tấp nập như những tháng trước.
Trong khi đó, theo nhiều người góp tiền đầu tư vào dự án trồng sâm Ngọc Linh, họ mới nhận được thông báo Tập đoàn Mỹ Hạnh đã chuyển sang làm việc online (!).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận