Hình ảnh cờ đỏ máu tử đạo trên nóc tháp chính của thánh đường Jamkaran ở thành phố Qom - Ảnh chụp màn hình
Nhiều kênh truyền hình ở Iran trong hôm 4-1 đã đồng loạt đăng tải hình ảnh lá "cờ máu" màu đỏ kéo lên trên đỉnh nóc chính của thánh đường Jamkaran ở ngoại ô thành phố Qom.
Một số tờ báo phương Tây sau đó cũng sử dụng hình ảnh trên, có cả clip quay cùng hình ảnh truyền tải qua mạng xã hội để liên kết sự kiện đòi trả thù, bởi Qom là thánh địa linh thiêng nhất đối với những người Hồi giáo theo dòng Shiite.
Từ đó, thông tin cho rằng việc "lần đầu tiên" cờ máu xuất hiện là thông điệp Tehran muốn gửi tới Washington rằng họ sẽ báo thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani bị trúng tên lửa Mỹ.
Thông tin giải thích thêm rằng theo thường lệ, trên đỉnh thánh đường Jamkaran sẽ là cờ màu xanh lá cây hoặc xanh dương đại diện cho dòng Hồi giáo Shiite. Trong khi đó, "cờ đỏ máu" tượng trưng cho đổ máu bất công và còn là lời kêu gọi trả thù cho người bị hại.
Không chỉ có thánh đường Jamkaran, "cờ đỏ máu" cũng xuất hiện trong các buổi lễ trên khắp Iran tưởng niệm thiếu tướng Qassem Soleimani - tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Người dân tụ tập đông kín trong lễ an táng thiếu tướng Qassem Soleimani ở quê nhà ông tại Kerman ngày 7-1 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP đã kiểm chứng lại thông tin "lần đầu tiên" treo cờ đỏ máu, bởi đó là thông điệp cực kỳ căng thẳng nếu đúng như thế.
Theo đó, giáo chủ Yassine Hossein Abadi - một trong các quan chức phụ trách văn hóa của thánh đường Jamkaran - cho biết clip đăng tải hình ảnh cờ đỏ máu bay phất phới là từ ban tuyên truyền báo chí của thánh đường này phát ra.
Giáo chủ Abadi cho biết những gì truyền thông nói về chuyện "lần đầu treo cờ" là không đúng, bởi cờ đỏ màu máu của những tín đồ tuẫn đạo rất thường được treo ở Iran vào tháng Muharram (tháng tử đạo theo lịch Hồi giáo, như trong năm 2019 vừa kết thúc vào ngày 29-9). Vào tháng đó, cờ đỏ máu được treo trên tất cả các thánh đường Hồi giáo và trong các buổi lễ.
Nội dung trên lá cờ, ngoài một câu kinh Quran, còn viết thêm những dòng chữ: "Ai sẽ trả nợ máu cho al-Husayn".
Theo giáo chủ Abadi, cờ đỏ máu xuất hiện nhiều trên đường phố Tehran ngày 6-1 trong buổi lễ tang tướng Soleimani, nhưng nó không nhất thiết mang ý nghĩa trả thù.
Tại thánh đường Jamkaran, sự xuất hiện của lá cờ đỏ, theo giáo chủ Abadi, cũng cách đây khoảng 3 năm trong dịp lễ 10 năm tưởng nhớ sự tử đạo của thánh Al-Hussein được Hồi giáo Shiite tôn thờ.
Dịp này, cờ đỏ xuất hiện ngoài tháng Muharram, theo giáo chủ Abadi, là do cái chết tuẫn đạo của tướng Soleimani và tuân theo thông điệp của đại giáo chủ kêu gọi trả thù. Lá cờ được giương cao nhằm tập hợp mọi tín đồ Shiite khắp thế giới cũng như các chiến binh vì tự do.
Một người Pakistan đến ký sổ tang tưởng niệm tướng Soleimani tại Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Hồi giáo Iran ở TP Peshawar, Pakistan ngày 7-1 - Ảnh: REUTERS
"Lá cờ máu" hay lá "cờ đỏ" của người Hồi giáo Shiite có từ cuối thế kỷ 7. Lần đầu tiên nó được sử dụng như một lời hiệu triệu báo thù cho cái chết của Imam đầu tiên thuộc dòng Hồi giáo Shiite là Husayn ibn Ali, hay còn gọi là Hussein ibn Ali, trong trận chiến Karbala (nay là Iraq).
Husayn ibn Ali là cháu của Nhà tiên tri Muhammad và được xem là hiện thân của công lý trong Hồi giáo Shiite.
Đây là một trong những sự kiện dẫn đến sự chia cắt của thế giới Hồi giáo bởi hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Và người ta coi cái chết của Husayn ibn Ali là yếu tố nền tảng ra đời của dòng Shiite.
Điều khá trùng hợp là thời điểm lá "cờ đỏ" xuất hiện ở Jamkaran cũng là lúc Nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến ủy lạo gia đình của tướng Soleimani tại Tehran.
Về chuyện một số bài báo bàn tán rằng lá cờ đỏ máu sẽ còn tung bay phần phật chừng nào chưa trả thù được cho cái chết của tướng Soleimani, giáo chủ Abadi khẳng định "điều đó hoàn toàn không đúng". Giáo chủ Abadi chỉ cho biết lá cờ đỏ sẽ được treo trên đó "một thời gian", nhưng không nói rõ là trong bao lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận