18/10/2019 11:24 GMT+7

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 5: "Sao anh không về chơi thôn Vỹ?"

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Hàn Mạc Tử (*) qua đời, để lại bài thơ bất hủ Đây thôn Vỹ Dạ. Rồi suốt hàng thập niên, biết bao phỏng đoán, bình luận về bài thơ, "nàng thơ", đặc biệt là chuyện tình "nàng thơ" và chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh... Đâu là sự thật về mối tình này?

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 5: Sao anh không về chơi thôn Vỹ? - Ảnh 1.

Danh thiếp Hàn thi sĩ gửi nàng thơ Kim Cúc - Ảnh tư liệu gia đình

Chẳng phải lời mời

Năm 1932, "nàng thơ" Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989) lọt vào mắt xanh Hàn thi sĩ tại Quy Nhơn, lúc nàng 19, kém chàng 1 tuổi. Thi sĩ khấp khởi khi biết "nàng thơ" bà con gần với người bạn Hoàng Tùng Ngâm, lại ở cùng đường gần nhà.

Hai năm sau, Hàn thi sĩ vào Sài Gòn làm báo, làm thơ, đến năm 1936 thì về lại Quy Nhơn. Nhưng chỉ ít tháng sau, Kim Cúc rời Quy Nhơn về Huế. 

Năm 1939, đang điều dưỡng bệnh phong tại Quy Nhơn, Hàn Mạc Tử nhận bức ảnh "nàng thơ" gửi tặng và làm bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ đề tặng lại. Sau khi thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh "xuống giếng cùng trăng", cả bài thơ lẫn "nàng thơ" được thêu dệt đủ đường.

Người bạn của Hàn thi sĩ là Quách Tấn dựa vào câu đầu "Sao anh không về chơi thôn Vỹ?" mà cho rằng: "Khi Tử đau nằm ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc có gửi vào tặng Tử một phiến ảnh "cô gái Huế" với lời mời ra chơi Vỹ Dạ. Tạ lòng tri kỷ, Tử gửi lại một bài thơ nhan đề là Đây thôn Vỹ Dạ". 

Tương tự, tác giả Nguyễn Bá Tín, viết về người anh trai Hàn Mạc Tử sáng tác bài thơ sau khi nhận được bức ảnh bà Kim Cúc mặc áo trắng đứng sau khóm trúc trong khu vườn ở thôn Vỹ... Thậm chí, có tác giả còn viết "nàng thơ" từng có "những ngày yêu thương vô cùng cuồng nhiệt" với Hàn Mạc Tử...

Tuy nhiên, theo tư liệu gia đình bà Kim Cúc, trong thư gửi Quách Tấn đề ngày 15-4-1971, bà nói rõ: "Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, chụp ảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân... Ngoài trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả".

Những lần gặp gỡ

Năm 1967, Quách Tấn công bố trên tạp chí Văn là cha bà Kim Cúc không chấp nhận Hàn Mạc Tử vì "không xứng mặt đông sàng" (môn đăng hộ đối). 

Đọc được sau 4 năm, bà Cúc lẽ ra im lặng nếu câu chuyện không bị đẩy quá xa: một đoàn hát đã đưa lên sân khấu và vai diễn cha mẹ đằng gái tỏ ra quá đanh đá, chua ngoa khi từ chối Hàn thi sĩ không môn đăng hộ đối.

Không cầm lòng, bà Kim Cúc biên thư cho Quách Tấn trách cứ vài điều nhẹ nhàng, trong đó nói rõ Hàn Mạc Tử và cha không làm việc cùng nhau, họ không gặp gỡ, quen biết nên không có chuyện chê "không xứng mặt đông sàng".

Tư liệu gia đình cũng cho biết, tại Quy Nhơn, sau khi gặp "nàng thơ", Hàn thi sĩ có kế hoạch nhờ bạn Hoàng Tùng Ngâm làm "chim xanh". Nhưng, nhờ đưa thư, bạn không đưa; gửi gắm nỗi lòng nhờ kể lể, bạn không kể; làm thơ tình tặng "nàng thơ" gửi đăng báo, bạn cũng cắt bài thơ đi rồi mới chuyển báo... 

Thất vọng, thi sĩ tìm cách chuyển hướng, nhờ ông Trợ Cát, một người cậu bà con của nàng. Trong một lần đến nhà mục đích mai mối, ông thấy không ổn nên "lúc ra về bỏ quên bức thư của Tử gửi cho cậu mà nội dung chỉ nói về chuyện tâm tình của Tử". Thi sĩ, sau đó, tìm cách đón đường...

Trong thư gửi "cậu mợ Tín" ngày 16-10-1987, bà Kim Cúc kể rõ: "Vào đầu năm 1936... Tử có tới gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Bâng khuâng với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thơ".

Cũng trong bức thư này, bà cho biết thêm: "Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự Hội chợ Huế, mang theo một xấp tập Gái quê vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau Ngâm cho biết Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô. Rồi từ ngày đó chúng tôi không gặp nhau lại, không thư từ thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người mỗi ngã"...

Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 5: Sao anh không về chơi thôn Vỹ? - Ảnh 2.

Nàng thơ Kim Cúc của Hàn Mạc Tử - Ảnh THÁI LỘC chụp lại

Kim Cúc - nàng có yêu không?

Trở lại thôn Vỹ, chúng tôi hỏi đường đến tư gia "nàng thơ", bà chủ quán nước nhanh nhẩu: "Mấy anh vào hẻm chùa Phước Huệ, có biển đề Từ đường Hoàng tộc là nhà bà Kim Cúc đó". Bà còn "tám" về "cái đám to nhứt Huế" của bà Kim Cúc vào tháng 2-1989: đoàn đưa tang dài 4-5 cây số, xe đầu lên đến đàn Nam Giao rồi mà xe cuối còn tận Vỹ Dạ. 

Bà giải thích, đám to vì bà Kim Cúc vừa là "nàng thơ", vừa là giáo sư nữ công gia chánh Trường nữ Đồng Khánh, quan trọng hơn là huynh trưởng cấp "Dũng" - cấp cao nhất trong hàng huynh trưởng thuộc hệ thống gia đình Phật tử Việt Nam.

Ngôi từ đường cuối hẻm 162 Nguyễn Sinh Cung, kiểu nửa Âu nửa Á giữa khu vườn rộng. Người giữ từ đường Hoàng Phước Thiện thắp nhang lên bàn thờ tiền nhân và người cô ruột, kể chuyện xưa: họ Hoàng gốc gác làng Xuân Tùy (huyện Quảng Điền) lên thôn Vỹ mấy đời trước. Ông nội anh khi được bổ làm thương tá Sở Đạc điền ở Quy Nhơn, để gia đình lại Huế, chỉ đưa con gái Kim Cúc theo cùng lo cơm nước.

Ngôi từ đường cũng là nơi sống phần lớn cuộc đời của cô Kim Cúc cho đến khi mất đầu năm 1989. Người cô từng dạy nữ công gia chánh Trường nữ Đồng Khánh của Huế, không lập gia đình, dành trọn nhiều năm cuối đời để làm từ thiện và công tác Phật sự. Cô cũng để lại cho đời nhiều di cảo thơ văn, đặc biệt là tập sách Nấu món ăn Huế nổi tiếng...

Năm 2013, người cháu Hoàng Thị Quỳnh Hoa sau khi cất công khảo cứu toàn bộ tư liệu liên quan và thư từ của người cô ruột đã cho ra cuốn sách Lá trúc che ngang - chuyện tình của cô tôi với rất nhiều tư liệu mới và bất ngờ. Điều thuận tiện ở chỗ số thư từ ghi nháy hai chữ "để lại", có nghĩa hầu hết thư từ viết xong, trước khi gửi, "nàng thơ" cẩn trọng chép một bản lưu.

Tác giả Trần Kiêm Đoàn nhận xét cuốn sách đã "phản bác những suy diễn đầy tưởng tượng và chứng lý mơ hồ của một số nhà phê bình văn học tên tuổi"... Trong sách, khi đặt vấn đề "Kim Cúc có yêu Hàn Mạc Tử không?", tác giả đã không kết luận "không" hay là "có". Vì hoàn cảnh? Tác giả viết: "Trong một xã hội mà một cô gái con nhà khuê các không thể nghĩ đến hai chữ yêu đương, không thể tiếp chuyện với người khác phái ở ngoài đường"...

Theo đó, sau khi thi sĩ qua đời, người em Hoàng Tùng Ngâm kể lại nỗi lòng Hàn thi sĩ cùng những áng thơ tình dành tặng, "nàng thơ" Kim Cúc "hết sức cảm kích và vô cùng ngậm ngùi", đã cảm tác: "...Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa/Hoa biết cùng ai thổ lộ ra/Giữa đời phức tạp thương đau lắm/Vẫn sống an nhiên vẫn đậm đà"...

Bài thơ ra đời tháng 8-1939 (?)

"Xót xa quá, tôi không biết làm gì khác hơn là viết mấy hàng chữ hỏi thăm sức khỏe Tử, viết mà không ký tên, không đề ngày, sau tấm ảnh phong cảnh Huế. Rồi mấy tháng sau, Ngâm lại gửi về tôi bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ (tên ban đầu của bài thơ - PV) với mấy hàng Tử viết sau lưng bài thơ vào tháng 8-1939. Giữa Hàn Mạc Tử và tôi chỉ có chừng nấy. Có thể nói đó là một kỷ niệm đầy thơ mộng của mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo" - trích thư Hoàng Thị Kim Cúc gửi Nguyễn Bá Tín.

(*): Có tài liệu dùng "Mặc".

Ngoài thực - hư chuyện tình, bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mạc Tử còn làm bao người tò mò về mảnh đất làm nên hồn cốt tác phẩm. Sự thật Vỹ Dạ có đẹp như thế?

Kỳ tới: Sự thật ở thôn Vỹ


Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 4: Núi Đôi - sự thật đẹp như huyền thoại Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ 4: Núi Đôi - sự thật đẹp như huyền thoại

TTO - Chuyện tình lãng mạn và bi tráng có thật của cô du kích và anh bộ đội trong bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao đã làm lay động hàng triệu trái tim. Khi người lính trở về, cô gái đã hi sinh và hóa thành bất tử trong những dòng thơ bi tráng Núi Đôi...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên