Sự thật nào tại Ai Cập?

NGUYỄN NGỌC HÙNG 27/08/2013 08:08 GMT+7

TTCT - Những sự kiện bi thảm đang diễn ra tại Ai Cập thu hút sự quan tâm và lo ngại của dư luận thế giới. Nhiều nỗ lực quốc tế đã triển khai mà vẫn không ngăn nổi “tình trạng bạo lực quá đáng” từ cả hai phía kình chống nhau.

Song song với những nhận định từ phương Tây, truyền thông của thế giới Ả Rập cũng có những phản ánh riêng.

Phóng to
Những người ủng hộ chính phủ lâm thời chạy tránh đạn khi lực lượng an ninh áp giải những thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo ra khỏi đám đông bên ngoài nhà thờ Hồi giáo al-Fath ngày 17-8 - Ảnh: Reuters

Tổ chức Anh em Hồi giáo (AEHG) đang lãnh đạo liên minh “khôi phục quyền hợp pháp”, cụ thể là khôi phục chức vụ tổng thống cho ông Morsi bởi ông này được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ hồi tháng 6-2012. Nhưng phe tổ chức chính biến ngày 3-7 lại có một lẽ phải khác: việc họ phế truất ông Morsi là “hợp lòng dân”.

Lẽ phải “hợp pháp” và lẽ phải “lòng dân”

Bên chính biến, mà nay là chính quyền lâm thời Ai Cập, cũng có những minh chứng nặng ký cho “lẽ phải” của họ. Từ cuối tháng 6-2013, họ đã có hơn 22 triệu chữ ký của cử tri yêu cầu ông Morsi từ chức. Ngày 30-6, Liên minh cứu quốc, tổ chức tập hợp các đảng chính trị và quần chúng đông đảo nhất, đã huy động được hàng chục triệu người trong cả nước nhất tề đòi ông Morsi phải từ chức.

Trong “lễ” chính thức tuyên bố phế truất ông Morsi đêm 3-7 tại Cairo, tuy người đọc tuyên bố là đại tướng Abdul Fatah al-Sisi, bộ trưởng quốc phòng, nhưng có sự hiện diện của những đại diện cao cấp nhất của đại bộ phận các tổ chức chính trị, quần chúng, tôn giáo trong nước. Thủ lĩnh của hai tổ chức Hồi giáo đồng minh lớn nhất của AEHG là Phong trào Salfiya và Jamaa Islamiya cũng có mặt. Thế là cả về mặt “nhân dân” lẫn về mặt “tổ chức”, phe chính biến chứng tỏ họ có “đa số tuyệt đối”.

Ngay sau tuyên bố chính biến, ông Morsi đã bị chính lực lượng vệ binh cộng hòa bảo vệ tổng thống bắt giữ. Sát cánh cùng quân đội trong sự kiện này còn có bộ trưởng nội vụ và toàn bộ lực lượng an ninh - cảnh sát dưới quyền. Do đó cuộc chính biến nổ ra không hề có tiếng súng nào! Chính sự “kỳ lạ” nêu trên khiến cho đến nay chính thức chỉ có vài quốc gia (Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia) coi cuộc chính biến này là đảo chính quân sự.

Biểu tình hòa bình hay bạo động vũ trang?

Ngay sau sự kiện đêm 3-7, AEHG đã tập hợp đông đảo quần chúng của họ tại hai quảng trường Rabia al-Adawiya và Nahda để đấu tranh đạt được mục tiêu “khôi phục quyền hợp pháp” cho ông Morsi. Những thuật ngữ như “biểu tình ngồi”, “biểu tình hòa bình” được AEHG tuyên truyền rộng khắp để minh chứng cho tinh thần “ôn hòa, bất bạo động” của hoạt động chống đối này.

Nhưng bên chính quyền lâm thời có những sự thật khác. Trong hơn một tháng biểu tình “nằm lỳ”, AEHG đã nhiều lần tổ chức các đoàn tuần hành gây náo loạn đường phố, chặn đứng giao thông, đốt phá công sở và xe cộ... để gây tê liệt hoạt động của chính quyền lâm thời và gây hỗn loạn hoạt động xã hội.

Nghiêm trọng nhất là hai vụ ngày 5 và 8-7 với quần chúng đông đảo và nhiều tay súng bịt mặt tấn công thẳng vào bộ tư lệnh vệ binh cộng hòa, nơi AEHG tin rằng ông Morsi đang bị quản thúc. Lực lượng vũ trang của chính quyền buộc phải nổ súng gây thương vong lớn mới ngăn cản được những người tấn công khỏi tràn ngập vị trí quân sự này.

Ngày 16-7, chính quyền lâm thời còn bắt giữ một vụ chuyển vũ khí lậu nghiêm trọng từ phía bán đảo Sinai trên đường đến Cairo, với 19 quả tên lửa Grad (loại Hamas thường sử dụng bắn sang Israel từ Gaza).

Khi triển khai chiến dịch cưỡng bức giải tỏa tại Rabia al-Adawiya và Nahda, lại có thêm những sự thật được phơi bày: bên trong những lớp “chiến lũy” bằng đủ loại vật cản là rất nhiều phương tiện bạo lực. Bom xăng, gạch đá ném tới tấp vào lực lượng an ninh, và không thiếu cả súng quân dụng, súng bắn đạn cao su.

Tất cả những hoạt động bạo lực này được tổ chức và điều hành bởi AEHG, từ “trung tâm chỉ huy” là những căn hộ thuê sẵn ở các cao ốc bên trong hai khu vực này.

Bên nào không chấp nhận đối thoại?

Trong suốt hơn một tháng trước khi quyết định dùng vũ lực cưỡng chế giải tỏa hai tụ điểm biểu tình nằm lỳ của AEHG, chính quyền lâm thời đã kêu gọi đối thoại rộng rãi, mời AEHG tham gia để giải quyết khủng hoảng. Các đoàn chính khách của Mỹ, châu Âu, Cộng đồng châu Phi và Ả Rập đến Cairo cấp tập hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 cũng nỗ lực thuyết phục AEHG chấp nhận đối thoại.

Đến ngày 12-8, chỉ hai ngày trước khi thực hiện cưỡng chế giải tỏa, người đứng đầu Viện Hồi giáo al-Azha’r còn đích thân triệu tập một cuộc họp nhằm tránh “vai trò của chính quyền lâm thời”, mời cả AEHG đến dự để đối thoại tìm giải pháp tránh đổ máu. Nhưng AEHG cự tuyệt tất cả những thiện chí trên. Điều kiện tiên quyết của họ là chỉ dự đối thoại nếu mục tiêu là “khôi phục quyền hợp pháp” cho ông Morsi.

Diễn biến nêu trên là bằng chứng để chính quyền lâm thời khẳng định rằng AEHG “không muốn đối thoại, chỉ muốn đẩy đất nước vào hỗn loạn”. Ngày 12-8, alhayat.com nhận định việc AEHG bác bỏ lời mời họp khiến mọi hi vọng về giải pháp hòa bình tan biến. Bình luận cùng ngày của aawsat.com cũng có nhận định tương tự.

Chính quyền lâm thời đã định triển khai kế hoạch cưỡng bức giải tỏa vào ngày chủ nhật 4-8, theo nhận định của aljazeera.net trên cơ sở ngày 2-8 Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burnz bất ngờ đến Cairo. Nhưng trước sự can gián từ cả trong và ngoài nước, hãng thông tấn này cho rằng kế hoạch đã bị trì hoãn.

Sau đó, chính quyền lâm thời vẫn kiên trì kêu gọi những người ở hai tụ điểm “nằm lỳ” tự giải tán, tránh chịu hậu quả của cưỡng chế. Đến khi triển khai cưỡng chế, chính quyền mở đường cho bất cứ ai muốn tháo chạy, kể cả những người cầm đầu cuộc bạo loạn trà trộn trong đó.

Máu đổ như thế nào cả thế giới đều đã thấy và hết sức đau lòng! Ngày 17-8, Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi đã chính thức đề nghị giải tán tổ chức AEHG.

Cùng ngày, trong một cuộc họp báo, đại diện phủ tổng thống lâm thời tuyên bố: “Những sự kiện xảy ra bên ngoài Cairo và ở Sinai như đốt phá các nhà thờ Thiên Chúa giáo, giết hại các sĩ quan cảnh sát, cướp phá các bảo tàng... cho thấy đây không phải là “mâu thuẫn chính trị” mà là bằng chứng của bạo động và một loại khủng bố”.

Ngày 20-8, ông Mohamed Badie, thủ lĩnh của AEHG, đã bị bắt giữ tại Cairo và đối mặt với tội danh kích động bạo lực. Diễn biến trên đây cho thấy AEHG khó tránh khỏi rơi vào tình trạng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như thời kỳ từ năm 1954 đến đầu năm 2011.

Một số biểu hiện Hồi giáo hóa ở Ai Cập

- Ngày 22-11-2012, Tổng thống Morsi tự quyết việc công bố “tuyên bố hiến pháp” trao cho mình nhiều quyền hạn, trong đó có quyền lập pháp với cái cớ là quốc hội (hạ viện) đã bị tòa hiến pháp giải tán. Tiếp đó, đầu tháng 12-2012, ông Morsi nhất quyết tổ chức trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp, trong đó quy định giáo luật Sharia phải là nền tảng chính yếu của lập pháp Ai Cập.

Đây là hai sự kiện trực tiếp dẫn đến việc hình thành Mặt trận cứu quốc đối lập đòi phế truất ông Morsi.

- Trước đó, ông Morsi đã ra lệnh bãi chức tổng chưởng lý quốc gia để bổ nhiệm một thẩm phán của AEHG vào vị trí này. Ông cũng đã cách chức tất cả lãnh đạo truyền thông báo chí của nhà nước để thay bằng người của AEHG. Trong việc cải tổ hệ thống tỉnh trưởng, bước đầu ông Morsi đưa người của AEHG lên làm tỉnh trưởng ở 13/27 tỉnh.

- Từ tháng 8-2012 đến suốt nửa đầu năm 2013, nhiều đoàn của Iran đến thăm trong hoàn cảnh hai nước chưa khôi phục quan hệ ngoại giao (bị Iran cắt từ năm 1979) khiến có nhiều tin cho rằng ông Morsi đang muốn học tập kinh nghiệm của Iran về Hồi giáo hóa bộ máy nhà nước và thành lập lực lượng vũ trang kiểu vệ binh cách mạng ở Iran, để độc lập với quân đội Ai Cập.

____________

Tin bài liên quan:






Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận