Vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á môn đua thuyền đang diễn ra tại Nhật Bản. Ngày 21-4, ở phần thi chung kết thuyền đơn nữ C1-200m, VĐV Nguyễn Thị Hương (canoeing) đã về thứ 2 với thời gian 49,351 giây, qua đó giành quyền góp mặt tại Olympic Paris 2024.
Sau đó ít phút, VĐV Phạm Thị Huệ (rowing) cũng giành vé đến Paris khi về đích trong top 5 ở đợt bơi chung kết thuyền đơn nữ hạng nhẹ.
Người phụ nữ kiên cường
Sinh năm 1990, Phạm Thị Huệ thuộc vào hàng lớn tuổi nhất của đội tuyển rowing nữ Việt Nam nhưng vẫn luôn bền bỉ, dẻo dai. Trong vòng 10 năm qua, hình ảnh Phạm Thị Huệ xuất hiện trên bục nhận huy chương ở các giải đấu lớn đã trở nên quen thuộc. Cho đến nay, cô đã sở hữu 4 tấm HCV SEA Games, 2 HCB và 2 HCĐ Asiad cùng nhiều thành tích khác.
Tại kỳ Asiad 19 diễn ra vào năm 2023, Phạm Thị Huệ từng chia sẻ rằng bản thân chưa muốn ngừng thi đấu. Lúc đó, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi ở độ tuổi này cô lại còn có nhiều thành tích và cũng đã yên bề gia thất (đã có 2 con), nhiều VĐV đã nghĩ đến chuyện giải nghệ.
Nhưng với Phạm Thị Huệ, có lẽ cô vẫn còn động lực là một lần được dự Olympic. Thật ra, cơ hội từng đến với cô gái quê Quảng Bình tại các sự kiện diễn ra tại Rio (2016) và Tokyo (2021). Tuy nhiên dù đạt chuẩn, các quy định hạn chế về số VĐV tham dự ở từng quốc gia khiến Phạm Thị Huệ phải ngậm ngùi nhường suất cho các đàn em.
Sau hai lần ngồi nhà thì giờ đây không gì có thể ngăn cản Phạm Thị Huệ được nữa. Cô sẽ đại diện cho rowing Việt Nam góp mặt tại Olympic Paris 2024 vào mùa hè này.
Lịch sử cho canoeing
Trong khi Phạm Thị Huệ thuộc thế hệ đàn chị thì Nguyễn Thị Hương lại thuộc thế hệ đàn em, chênh nhau 11 tuổi. Nhưng điểm chung giữa cả hai là đều tài giỏi và là niềm hy vọng của đua thuyền Việt Nam.
Nguyễn Thị Hương, quê Vĩnh Phúc, có xuất phát điểm không phải là đua thuyền. Do có tố chất khỏe mạnh mà trước đây cô được chọn vào đội vật của tỉnh. Sau đó vì những ngã rẽ mà cô chuyển hướng sang môn đua thuyền ở nội dung canoeing.
So với rowing là môn có truyền thống từ lâu của thể thao Việt Nam thì canoeing ít nổi bật hơn. Nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Thị Hương đã mang đến làn gió mới. Tại kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, cô đem về tới 5 tấm HCV. Đến SEA Games 32 khi chủ nhà Campuchia không đưa canoeing vào thi đấu, Nguyễn Thị Hương lại chuyển sang đua thuyền rồng và cũng sở hữu thêm 3 tấm HCV nữa.
Đây là một cô gái đa năng, đa tài và xứng đáng với thành tích giúp canoeing Việt Nam lần đầu trong lịch sử giành vé dự Olympic.
Chờ suất thứ 10 của Lê Đức Phát
Tính tới thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam có 9 suất tham dự Olympic Paris 2024 là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing).
Trong tuần này, cầu lông cũng sẽ "chốt sổ" danh sách VĐV tham dự Olympic. Lê Đức Phát đang nuôi hy vọng sẽ được lọt vào nhóm những tay vợt được góp mặt tại giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận