Sứ mệnh "uốn nắn"

LÊ THANH HẢI 29/10/2012 17:10 GMT+7

TTCT - LTS: Tiếp sau chuyên đề về hội phụ huynh kỳ trước (xem TTCT số đề ra ngày 21-10-2012), TTCT đúc kết và giới thiệu một số ý kiến của các độc giả về nhận thức các vai trò của phụ huynh.

Phóng to
Tham gia hội phụ huynh một cách đúng nghĩa chính là mở rộng tầm ảnh hưởng của việc dạy dỗ con cái - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tôi đang phải vật lộn suốt một tuần lễ qua vì... một số bậc phụ huynh trong gia đình. Đưa các con về quê chơi ít ngày, khi trở lại cô con gái chỉ mất ba ngày để quy lại nếp sống bình thường, nhưng cậu con trai thì một tuần lễ rồi vẫn chưa hết bệnh “ngôi sao” do được chiều chuộng quá mức ở nhà, đòi gì được nấy, không ăn món này đã có món khác, không chơi trò này được đổi ngay trò kia.

Chắc một số quý độc giả sẽ đồng tình với tôi về chuyện phải khép con vào kỷ luật, vì chúng ta trưởng thành một phần nhờ vào môi trường rèn luyện nghiêm khắc, không có nhiều chọn lựa trong cuộc sống nghèo khó, không có nhiều thứ để chơi đùa tiêu xài như bây giờ. Nhưng cũng một số độc giả khác sẽ ngay lập tức phản đối, rằng đời mình đã khổ nên hãy để cho con được ăn sung mặc sướng, hưởng thụ cuộc sống...

Hai luồng suy nghĩ ngược chiều này rất thường gặp ở mọi nơi, tạo ra tranh luận giữa vợ chồng hay ông bà dì cậu trong gia đình, và quan trọng hơn là trong các cuộc họp phụ huynh ở trường học. Ngoài những gì đã được Bộ GD-ĐT quy định, tất cả những phương pháp giáo dục mới, nhất là những gì cần thêm tiền đầu tư, và các hoạt động ngoại khóa đều phải được đem ra cuộc họp phụ huynh để thông qua. Đây chính là khoảng thời gian vô cùng cần thiết và quan trọng để các bậc phụ huynh đặt câu hỏi, thậm chí “tranh cãi” với hướng đi của ban giám hiệu, với kế hoạch của giáo viên chủ nhiệm và với suy nghĩ của các phụ huynh khác trong lớp và trong trường.

Tôi từng biết có một vị phụ huynh đưa con rời một trường quốc tế về một trường công và đóng góp rất nhiều để giúp trường công này nâng cấp hơn là những khoản tiền mà vị này cho là vô ích ở ngôi trường kia. Giáo dục không chỉ là danh tiếng và chương trình hay điểm số. Giáo dục còn là môi trường để các em bước vào đời, mà cơ sở vật chất lẫn tinh thần của môi trường đó do chính bố mẹ các em góp tay xây dựng bằng tiền của hay công sức bàn cãi. Không phải giáo viên và ban giám hiệu nào cũng hiểu được điều đó.

Biết và thật sự tham gia

Vấn đề là cũng giống như một bài hát ru quen thuộc về cây “cầu ván đóng đinh, con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Khi con cái đi học thì chính các bậc phụ huynh cũng bắt đầu bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời, phải học từ những điều cơ bản nhất như cách tiếp xúc với giáo viên và các phụ huynh khác, cho đến những vấn đề rắc rối hơn như là con đường đi của lớp học và trường học nói riêng, cùng toàn ngành giáo dục ở tỉnh mình và cả nước nói chung.

Đây là tổ chức xã hội đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn phải chú ý, biết cách tham gia và thật sự tham gia một cách có trách nhiệm. Vấn đề không phải là chi bao nhiêu tiền cho cơ sở vật chất hay tiền sách, tiền đồng phục, tiền đi chơi cho con, mà là nên để cho con hưởng thụ đến mức nào. Cũng giống như khi có người không muốn cho con vào trường có quá nhiều bạn xuất thân từ gia đình nghèo có tiền án tiền sự, một ngôi trường có quá nhiều đại gia chỉ biết chi tiền mà thiếu văn hóa tối thiểu cũng khiến có bậc phụ huynh lo lắng và tìm cách chuyển trường cho con.

Tuy nhiên việc thay đổi môi trường học một cách đột ngột chỉ nên được tính đến sau khi bạn đã thử tiếp xúc và thuyết phục các bậc phụ huynh khác trong lớp đi theo hướng giáo dục mình thích, tạo ra một nhóm bạn trung thành giúp con vững bước sau này trên đường đời.

Mở rộng tầm ảnh hưởng

Triết lý giáo dục của John Dewey đang được quan tâm nghiên cứu tại Việt Nam sau ngày NXB Tri Thức phát hành bản dịch Dân chủ và giáo dục của Phạm Anh Tuấn. Theo đó, giáo dục được coi như là một tất yếu của sự sống, bởi vì sự sống được duy trì và tiếp nối qua chính việc giảng dạy. Tham gia hội phụ huynh cũng chính là hành động của bậc cha mẹ tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của việc dạy dỗ con ra khỏi khu vực gia đình, bởi bạn không thể tự trói chặt mình sau cánh cửa riêng vì chính sự trói chặt ấy gây thiệt hại cho con bạn và bạn.

Đời sống xã hội trải nghiệm qua mối quan hệ bạn bè và gián tiếp thể hiện mối quan hệ giữa các phụ huynh với nhau và với giáo viên chủ nhiệm chính là môi trường xã hội đầu tiên cho con em chúng ta sống thử. Bất kể là bạn cổ xúy cho dân chủ cấp cơ sở hay tinh thần làm chủ tập thể sơ khai, thì hội phụ huynh học sinh chính là đơn vị cơ bản nhất của xã hội để thực nghiệm.

Họ làm gì?

Tại Ba Lan, các hội phụ huynh có những buổi họp chung hằng tháng với giáo viên. Họ thậm chí phân chia ngày trực để giúp các bé sấy tóc sau giờ học bơi, cùng cô giáo đưa các cháu đi nghe nhạc hay bỏ phiếu chọn công ty thầu nấu ăn trưa. Với những hoạt động ngoại khóa như lớp ballet, lớp võ, lớp vẽ và làm phim thì trường cùng hội chọn các giảng viên uy tín bên ngoài, cho quảng cáo mở lớp và cho thuê phòng học với giá rẻ để các em không phải đi xa. Hội phụ huynh còn quản lý việc chọn mua bảo hiểm sức khỏe nào có lợi nhất cho các em và tổ chức những chuyến đi chơi xa cho cả lớp hoặc toàn trường...

Hội phụ huynh bên Anh thì mở rộng hơn về quy mô tổ chức. Mỗi trường học đều có một hội đồng quản trị mà phụ huynh của những con em đang học chỉ là một phần, còn lại là những người quan tâm đến giáo dục ở địa phương đó ứng cử vào. Ở trường cấp I cạnh nhà tôi do có rất nhiều phụ huynh là dân nhập cư nên hội phụ huynh đưa ra phương án mở lớp dạy kèm tiếng Anh cho bố mẹ nhằm giúp họ về nhà còn giúp được con làm bài tập... Theo xu hướng vài năm trở lại đây, hội phụ huynh còn lấy thế mạnh là mối liên kết cộng đồng địa phương mà bàn đến những chuyện như phát triển xã hội, ngăn chặn tội phạm, cùng giúp nhau tiến bộ.

Tôi chán đi họp phụ huynh

Tôi có hai con đã vào đại học. Vậy là vợ chồng tôi đã phải đi họp phụ huynh cho con khoảng 50 lần trong 24 năm chúng học phổ thông. Với tôi, đi họp phụ huynh cho con cái ở trường là điều... rất chán.

Chán vì chưa đi họp đã biết họp về nội dung gì rồi. Đầu năm có khoảng... 14-17 khoản tiền phụ huynh phải nộp, nhằm bảo đảm toàn năm học con em ta có điều kiện để học tập tốt hơn, đạt thành tích cao hơn năm trước! Hết năm học có thêm một lần họp - mà một số phụ huynh nghèo nơm nớp - để nghe thông báo tiền quỹ lớp còn... thiếu bao nhiêu để nộp thêm. Điều mỗi phụ huynh mong nhất là con cái mình đã học hành ra sao, đạo đức thế nào, có gì tiến bộ, có gì yếu kém cần lưu tâm từ phía gia đình... thì cô giáo chỉ báo vắn tắt chung cho cả lớp khoảng mươi phút là hết. Vậy là đa số phụ huynh liếc mắt nhìn nhau thăm dò rồi rút ví.

Nghĩ lại thì thấy day dứt với sự học của con cái, lại thầm ước giá được đi họp phụ huynh cho con như ba tôi ngày xưa. Ngày đó, cứ mỗi lần ba tôi cầm giấy đi họp phụ huynh là tôi chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị ba mẹ... rèn giũa tơi bời, vì thời đó nội dung họp phụ huynh không có gì khác ngoài việc cô (thầy) giáo thông báo với gia đình các cô cậu học trò nào học lực sút kém, lười lao động, đánh nhau với bạn... nên phụ huynh cần kèm cặp. Thế mới là họp phụ huynh, chứ bây giờ đi họp phụ huynh chán quá!

Hội phụ huynh còn hình thức lắm!

Tôi đã hai lần tham gia ban đại diện cha mẹ học sinh, với chút hăng hái, muốn đóng góp cho trường, cũng muốn tạo điều kiện cho con được học tốt. Nhưng suốt năm học, “công việc” của tôi chỉ có thể tóm tắt như sau: thay mặt hội dự các lễ lạt của trường, dự một vài cuộc họp để thông qua các chương trình hỗ trợ của hội đối với nhà trường và cuối cùng là... đóng góp.

Nghiêm túc xét lại thì thấy dù bản thân hăng hái và mong muốn đóng góp nhiều cho hội và cho nhà trường, nhưng những gì làm được chủ yếu vẫn là đóng góp vật chất với vai trò cá nhân. Hoạt động của hội khá hình thức, dù cũng có lúc là “cánh tay nối dài” của nhà trường trong một số hoạt động mà nhà trường khó thực hiện do thiếu kinh phí hoặc do cơ chế (quy định), có lúc như là bộ phận giúp việc (phục vụ) cho nhà trường, có lúc giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Sự trao đổi thông tin hai chiều về việc học tập của trẻ gần như không có, trừ những trường hợp đặc biệt (có sự cố bất ngờ). Sự độc lập của hội rất hạn chế, vai trò chủ động của các cá nhân và bản thân hội cũng rất mờ nhạt. Còn việc phản biện, góp ý đối với hoạt động của nhà trường gần như không xảy ra...

Tôi tự thấy bản thân rất ngại làm mất lòng giáo viên của con mình thì chắc các phụ huynh khác cũng thế và hội cũng vậy. Do đó, hội khá thụ động và mờ nhạt trong các hoạt động. Vì vậy, để hội cha mẹ học sinh thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc dạy và học (như làm đúng các “quyền” theo điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục - đào tạo ban hành năm 2011) e rằng còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa, với nhiều thay đổi hơn nữa cả từ phía nhà trường và các cá nhân tham gia hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận