TTCT - Cuộc sống khó khăn và rối ren, bạn cần một lời khuyên, nhưng từ đâu? Với nhiều người, giải pháp gần nhất là đi mua một cuốn “self-help”. Khái niệm sách “self help” rất rộng, nhưng thường được hiểu là loại sách dạy tu thân, học làm người, chứa đầy lời khuyên thông tuệ và các “bí kíp” để nhanh giàu, nhanh khôn, nhanh thành công... Đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help - hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp - vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy. Dòng sách này đã trở thành nồi cơm, chỗ dựa của nhiều nhà xuất bản.THỜI CỦA CÁC "BÍ KÍP" CHO KHÔNGBước vào một hiệu sách, bạn sẽ thấy chừng một phần ba diện tích kệ sách, thường là khu vực gần cửa nhất, được dành cho thể loại này. Hai mảng bán chạy nhất hiện nay là học làm giàu và phát triển bản thân thường đi kèm với nhau: thay đổi bản thân để thịnh vượng. Nhiều năm qua, những cuốn như Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế hay Sức mạnh của tư duy tích cực luôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất ở Việt Nam.Gần đây, thậm chí ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, còn cho phát không hàng chục triệu cuốn Nghĩ giàu, làm giàu của Napoleon Hill và Đắc nhân tâm của Dale Carnergie cho thanh niên cả nước. Hai cuốn kinh điển này nằm trong một danh sách được ông Vũ gọi bằng cái tên cũng rất self-help là “Tủ sách đổi đời”.Lý do gì khiến nhiều người đón nhận thể loại sách này nhiệt tình tới như vậy?Như đã thể hiện qua chữ “đổi đời” của ông Vũ, loại sách này đem lại hi vọng. Bỏ ra vài chục nghìn đồng, người mua sách self-help sở hữu những giấc mơ ngọt ngào. Tuần làm việc 4 giờ hứa có thể giúp bạn “làm việc ít đi 20 lần nhưng thu nhập tăng lên 10 lần”, và khuyên “thuê một trợ lý cách xa nửa vòng trái đất để cô này viết một lá thư ngọt ngào xoa dịu người vợ đang giận dữ của bạn”. Nghĩ giàu, làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có. Cái đó thì không khó.Trên trang mạng Học làm giàu, một thanh niên đặt ra mục tiêu “Sau năm thứ nhất có 20 triệu đồng, sau năm thứ năm có 1 triệu USD, sau năm thứ mười có 1 tỉ USD”. Các thành viên khác ngưỡng mộ: “Việt Nam mình có nhiều người có hùng tâm như anh thì ước mơ dân giàu, nước mạnh không phải quá xa vời. Chúc anh thành công!”.Đằng sau những ảo tưởng làm giàu kiểu mì ăn liền kia là những dịch chuyển xã hội và thay đổi cơ bản trong triết lý sống của người Việt. Trước hết, hai thập kỷ qua đã tạo ra huyền thoại Từ cậu bé nhà quê thành đại gia mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ.Nếu như trước kia nhiều người cho rằng giàu nghèo có số và vị trí của mình trong xã hội đã được xếp đặt sẵn thì ngày nay, chứng kiến của cải nảy nở xung quanh mình, họ chuyển sang thái cực kia và tin vào một triết lý lạc quan là bạn hoàn toàn có thể điều khiển được tiền tài và danh vọng của mình nếu nắm được một số “kỹ thuật” nhất định: 23 nguyên tắc của Carnegie, 13 bước của Hill, 8 bài học từ Cha giàu, cha nghèo của Robert Kiyosaki.Cuộc đời, vốn được quan niệm là bất định, nay được cho là được quản trị bởi một số “bí mật” mà rất may đã được một số tác giả phát hiện và truyền đạt lại, dễ hiểu hơn bản cửu chương.Thứ nữa, mô hình lao động cùng tập thể, cá nhân dựa vào cộng đồng trong cuộc sống nông nghiệp không còn thích hợp cho một môi trường kinh tế thị trường đầy cạnh tranh. Thay cho một hệ thống hài hòa, vạn vật đều có chỗ đứng của mình, cuộc đời nay được hiểu như một mê cung, một cuộc đua, một rừng rậm, những biểu tượng hay được dùng trong các sách self-help phương Tây.Trong môi trường này, người ta luôn phải cập nhật các kỹ năng và tái tạo bản thân để mạnh hơn đối thủ, các sách dạy phát triển bản thân đánh vào nỗi lo âu thường trực này. “Cần phải sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi, nếu không mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình”, cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi cảnh báo và bán được 26 triệu bản trên toàn cầu. SÁCH ĐẸP NÓI DỐIRất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt bởi những tác động tiêu cực của chúng.Vấn đề đầu tiên là triết lý của phong trào self-help hiện đại, được đặt nền móng bởi Dale Carnegie với Đắc nhân tâm, là “mỗi người vì chính mình”. “Phát triển bản thân” luôn là một dự án vì mục đích cá nhân, không có chỗ cho những vấn đề của cộng đồng và hoạt động xã hội.Trong thế giới quan đó, con người là một động vật ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng và thèm khát sự khen ngợi. Thay vì làm cho con người tốt đẹp lên, Carnegie đánh vào bản năng vị kỷ của họ và khuyên người ta lợi dụng nó. Con người chỉ là những loại cá khác nhau, và bí mật để đạt được thành công là “học được cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loại cá”.Nhiều nguyên tắc của Đắc nhân tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng. Trong cuốn sách, một đại tư bản tự hào vì ông có thể gọi nhiều công nhân của mình bằng tên riêng nên “chưa hề có một cuộc đình công nào xảy ra tại các nhà máy thép của ông”. Ở đây có một ẩn ý xã hội sâu xa hơn: thay vì phải xây nhiều nhà vệ sinh hơn cho các nữ công nhân dệt may, các ông chủ hãy cố học thuộc tên riêng của họ và thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả.Nếu như trước kia giá trị sống của người Việt là trở thành người quân tử, ưu việt về đạo đức và vững vàng về luân lý thì ngày nay với nhiều người, mục tiêu đơn thuần chỉ là tạo ra một bộ mặt khả ái, bởi như Carnegie giải thích, thành công “được định nghĩa phần lớn qua việc người khác nhìn bạn như thế nào”.“Với Carnegie - Steven Watts, tác giả cuốn tiểu sử về ông, viết - trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác”. Carnegie nói về “thương hiệu bản thân” trước khi chữ này tồn tại. Nhà văn Sinclair Lewis phê phán Carnegie đã thay thế những chữ niềm tin, danh dự, cao thượng trong những cuốn sách học làm người trước kia bằng chữ giàu có. Ông đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.Và như vậy, thách thức của cuộc đời không còn là việc đi tìm một ý nghĩa sống trong cộng đồng của mình nữa mà là giám sát và quản lý bản thân để trở nên giàu có. Cho rằng không khi nào là quá sớm, một số nhà trẻ nhanh nhạy ở Việt Nam tổ chức những khóa học “Dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo bản thân từ những năm đầu đời”. Viễn cảnh ở đây là những đứa trẻ sớm điều khiển được người khác và theo dõi hiệu quả của bản thân như của một cỗ máy. LẢNG TRÁNH HIỆN THỰCBên cạnh tham vọng “đọc vị” người khác, “tư duy tích cực” là một trụ cột cơ bản khác của văn hóa self-help, và như tác giả Barbara Ehrenreich lập luận trong cuốn Sự quảng bá triền miên tư duy tích cực đã làm xói mòn nước Mỹ như thế nào, nó đang gặm nhấm nền tảng xã hội.Ở đây “tư duy tích cực” không liên quan gì tới một thái độ sống lạc quan. Nó là một kiểu niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân. Bạn muốn giàu? Bạn phải thật sự, luôn luôn và sắt đá tin mình sẽ giàu. Vì thế mà các nhà trẻ nói trên cho lũ trẻ mẫu giáo hằng ngày lặp lại các câu như: “Tôi là một thần đồng trong lớp học” và “Tôi đang trên con đường tạo ra sự giàu có tuyệt vời”.Cuốn Nghĩ giàu, làm giàu yêu cầu bạn viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc “tuy không nói năng được nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó” - tác giả đoan chắc.T. Harv Eker, tác giả Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc “cài đặt” tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: “Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi”. Sau đó cần chạm lên đầu mình và nói: “Tôi có tư duy triệu phú”.Đằng sau “tư duy tích cực” này kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.Tệ hơn, tư duy này làm những người nghèo bên lề xã hội cuối cùng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “tư duy tích cực” được dùng như một công cụ kiểm soát xã hội. Barbara Ehrenreich dẫn ra rằng khi các tập đoàn Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thập niên 1980 cũng là lúc họ thuê nhiều nhất các diễn giả về “tư duy tích cực” tới để xoa dịu những người bị đuổi việc và để những nhân viên chưa bị đuổi tiếp tục lao vào cày cuốc.Và cuối cùng, “tư duy triệu phú” kiểu “tự kỷ ám thị” đó cổ xúy sự dịch chuyển của các giá trị đạo đức. Nếu như trước kia người ta tôn vinh các cá nhân theo đuổi một cái nghiệp, cống hiến, say mê, thì bây giờ sự say mê duy nhất được ngưỡng mộ là say mê làm giàu. Và sự giàu có mới nổi cần một biện minh về đạo đức để được chấp nhận và tôn trọng.Trên nền tảng đạo đức mới này, giàu có nghĩa là thành công, với Napoleon Hill thì nó còn “không cần lời xin lỗi”. Làm giàu không những đã trở thành đích sống, mà còn là một đức hạnh, “làm giàu là vinh quang”. Hệ quả là gì? Trong khi tôn vinh người giàu, người ta rất dễ đi đến kết luận thứ hai rằng người nghèo làm xấu hổ đất nước, là gánh nặng của cộng đồng. Napoleon Hill viết: “Chúa đứng bên những người quyết tâm làm giàu”.Đáng ngạc nhiên là chưa một ai thắc mắc nếu hàng triệu cuốn sách dạy “tư duy tích cực” và làm giàu có hiệu quả thì GDP quốc gia hằng năm đã phải tăng như thế nào rồi. Nhưng các ý tưởng self-help không khuyến khích các câu hỏi, chúng chỉ yêu cầu người đọc tin vào chúng. Nếu bạn chưa giàu thì có nghĩa là bạn chưa tin đủ, bạn cần mua thêm sách, nghe thêm băng, tới dự thêm các buổi thuyết trình.Theo Salerno - tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18 tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới. Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có. Tags: Đắc nhân tâmSách selfhelpTư duy triệu phúSelf-helpVăn hóa self-helpSách dạy làm giàu và kỹ năng sống
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.