22/03/2018 17:06 GMT+7

Sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đây là thông điệp truyền đi từ buổi trò chuyện của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân tại Hội sách TP.HCM sáng 22-3 để ra mắt quyển Những mảnh sử rời.

Sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu - Ảnh 1.

Tham gia dẫn chuyện còn có TS Nguyễn Thị Hậu và nhà báo Phan Cầm - cả hai đều là chỗ thâm giao với tác giả - Ảnh: LAM ĐIỀN

Câu chuyện được bắt đầu khi mọi người nhận ra Phạm Hoàng Quân là một nhà nghiên cứu "tay ngang" nhưng nhiều năm trước đã tham gia chú giải bộ sử Minh Thực Lục và Thanh Thực Lục của Trung Quốc, ấn hành dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hai bộ sử thực lục ấy vừa đồ sộ vừa có nội dung liên quan Việt Nam lên đến cả ngàn trang. Theo ông Quân, đọc kỹ hai bộ sử này, thì sự nghiên cứu của ta chắc chắn sẽ tinh tế hơn, phân tích các dữ liệu sẽ không thiếu sót không mâu thuẫn. Học giới về sau rất cần để dẫn dụng.

Có mặt tại buổi giao lưu tại , kỹ sư chuyên ngành đóng tàu Đỗ Thái Bình - người có thâm niên nghiên cứu về hàng hải Việt Nam cho rằng, làm một người nghiên cứu "tay ngang chân đất" như ông Phạm Hoàng Quân nhưng có các công trình có giá trị đặc biệt như vậy, mới thật đáng cảm phục.

Mặc dù cao tuổi, ông Bình đã kịp đọc qua công trình của ông Quân, và nhắc lại những nội dung liên quan đến chiếc thuyền dây của người Phù Nam theo sách của Trung Quốc ghi nhận.

Ông Bình cho rằng chiếc thuyền dây ấy trên thế giới gọi là thuyền khâu, và quan trọng là học giới chưa ai nghiên cứu loại thuyền này đến nơi đến chốn.

Kể cả ở nước ta, thông tin về con thuyền của người Phù Nam sử dụng với hình ảnh còn khắc trên mảnh đồng Phù Nam khai quật được là chỉ dấu cho thấy nghề thuyền biển có lịch sử ở đất này xưa cổ đến thế nào.

Điều quan trọng là hình ảnh thuyền buồm của người Phù Nam xuất hiện trước khi Trung Quốc có thuyền buồm rất xa, lúc ấy, Hán ngữ còn chưa có chữ "buồm" (phàm).

Dẫn lại nội dung này, ông Đỗ Thái Bình kể rằng ông từng dự các diễn đàn, các hội thảo đề tài biển đảo quốc tế, nghe học giới Trung Quốc lập luận rằng người Việt cổ xưa làm sao chiếm hữu các đảo ngoài khởi Biển Đông được, vì đi bằng tàu thuyền gì.

Như vậy tức là họ không có thông tin về nghề tàu thuyền của ta. Mà lý do cũng có phần vì đây là một mảng trống trong nghiên cứu.

Sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu - Ảnh 2.

Kỹ sư Đỗ Thái Bình nêu ý tưởng thành lập một bảo tàng thuyền ở Việt Nam - Ảnh: L.Điền

Lẽ ra chúng ta phải đưa ra được một bề dày nghiên cứu về thuyền cổ của ta, lập ra được một bảo tàng thuyền, với các bằng chứng lịch sử cụ thể, thuyết phục, có như vậy chúng ta mới "cãi" được học giới Trung Quốc...

Ông Đỗ Thái Bình

Ông Bình cũng nói thêm, rằng các nước người ta nghiên cứu lịch sử tàu thuyền ghê lắm trong khi ở ta lại không có công trình nghiên cứu nào thấu đáo cho vấn đề quan trọng này, mảnh đất màu mỡ hãy còn trống không, thật đáng tiếc.

Và đây cũng chính là một đề tài trong quyển sách của ông Quân: Ở lĩnh vực dịch thuật, chúng ta còn chưa cập nhật được những công trình nghiên cứu từ nước ngoài có liên quan đến Việt Nam.

Các sách sử liên quan đến Việt Nam cũng dịch rất ít. Điều này ông Quân từng nêu ra với tâm trạng buồn bực vì sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu.

Sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu - Ảnh 4.

Mặc dù nhiều bạn bè đồng nghiệp tán thán những thành tựu đạt được trong điều kiện nghiên cứu không chuyên, ông Phạm Hoàng Quân vẫn khẳng định việc học hành chuyên nghiệp là một yêu cầu nghiêm túc và người học chuyên ngành ra làm nghiên cứu vẫn tốt hơn.

Ông Quân dẫn câu chuyện một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã bỏ công nghiên cứu kỹ về nghành thiên văn cổ của Trung Quốc, thành tựu đến độ sau đó, ngay cả học giới Trung Quốc cũng dựa vào công trình của ông này để nghiên cứu về thiên văn cổ.

Và, cái học loại này lại phần lớn đến từ công phu tự học, tự nghiên cứu. Trong khi các sinh viên sử đang băn khoăn về cách đọc sử như thế nào cho có hệ thống, thì ông Quân nhắc thêm rằng chuyên ngành sử hiện nay không dạy chữ Hán cho sinh viên.

Do vậy nếu muốn đi sâu vào nghiên cứu sử, chắc chắn các bạn trẻ phải học chữ Hán và chữ Pháp, vì sử liệu liên quan đến nước ta nằm trong hai ngôn ngữ ấy rất nhiều.

Chia sẻ với việc chúng ta thiếu vắng dịch thuật các công trình nghiên cứu của nước ngoài ra tiếng Việt để tham khảo, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng có ba nguyên dẫn đến tình trạng này, một là chúng ta thiếu chuyên gia giỏi ngoại ngữ, hai là chiến tranh kéo dài; và việc phân biệt nghiên cứu quan phương hay không chuyên cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến việc phổ biến và tiếp cận các công trình từ nước ngoài.

Nhưng đến nay thì "học thuật trong thế giới phẳng" đặt ra nhiều đòi hỏi xa rộng hơn câu chuyện chuyên hay không chuyên.

Sử học nước nhà dậm chân trong chỗ lạc hậu quá lâu - Ảnh 5.

Nhiều bạn trẻ yêu sự và hâm mộ tác giả xếp hàng tin chữ ký trên quyển - Ảnh: L.Điền

Một bạn trẻ nêu trường hợp các cuộc tranh luận về sử gần đây có nêu ra ý kiến có vẻ cực đoan rằng sử liệu Trung Quốc nghiên cứu về Việt Nam là không đáng tin, không nên sử dụng, và mong muốn được nghe ý kiến của ông Phạm Hoàng Quân.

Ở điểm này, ông Quân cho rằng người Trung Quốc chép sử nhiều hơn ta, cặn kẽ hơn ra, nên ta cần phải khai thác.

"Chưa nói đúng hay sai mà phải xem xét giá trị của các sử liệu. Có khi họ chép khách quan nhưng thông tin bất lợi cho Việt Nam, thì khi sử dụng cũng cần đắn đo cân nhắc sử dụng như thế nào mới là quan trọng chứ không phải gạt bỏ hết", ông Quân chia sẻ.

Nói thêm ở nội dung này, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng việc khai thác sử liệu của "phía bên kia" cũng là bình thường, và quan trọng là khi phản bác ý kiến hay tư liệu gì đó thì cũng phải đưa ra tư liệu dẫn chứng cụ thể, thuyết phục chứ không nên dựa vào thiên kiến và cảm tính là những thứ vừa không thuyết phục vừa chẳng có ích lợi gì cho cộng đồng.

Kỳ vọng khắc phục tình trạng bất cập của sử học Việt Nam

TTO - “Miền Trung và Tây nguyên trong lịch sử Việt Nam” là chủ đề của hội thảo khoa học do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 18-10 tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên