31/12/2007 08:06 GMT+7

Sử học đào tạo nên con người

VŨ LÂM thực hiện
VŨ LÂM thực hiện

TT - Game show Theo dòng lịch sử (VTV) mang chủ đề "Lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa" đã đoạt huy chương bạc tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2005. Cố vấn của chương trình này là GS-TS Nguyễn Quang Ngọc.

3C4DINeo.jpgPhóng to

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc

TT - Game show Theo dòng lịch sử (VTV) mang chủ đề "Lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa" đã đoạt huy chương bạc tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2005. Cố vấn của chương trình này là GS-TS Nguyễn Quang Ngọc.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc - viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) - cũng là người cố vấn đầu tiên cho Theo dòng lịch sử từ năm 2001. Ông trò chuyện với CTV Tuổi Trẻ về chương trình này.

* Thưa ông, tại sao sơ khảo thí sinh vào thi Theo dòng lịch sử thì hầu hết các bạn đều nói thuộc sử cổ - trung đại hơn sử VN cận - hiện đại, những điều mới xảy ra cách đây chưa lâu?

- Bộ GD-ĐT cũng đã có cố gắng trong việc soạn sách giáo khoa sử dưới đại học (tôi có tham gia viết sách lớp 10), nhưng đọc đề cương tổng quan thấy còn nhiều hạn chế. Sử hiện đại ảnh hưởng nặng về vấn đề chính trị thời cuộc, bút pháp không thoáng nên không hay, khó hấp dẫn người đọc. Sử cổ - trung đại thì viết "bay bổng" được. Sử hiện đại nhiều khi đọc thấy giống văn báo cáo, sách nọ giống hệt sách kia, chỉ thay đầu đổi đuôi...

* Làm thế nào để tránh điều đó?

- Cụ Phạm Công Trứ trong đề từ cho bộ Đại Việt sử ký toàn thư có viết một câu đại ý: "Có chính trị của một thời, thì có sử của thời đó”. Nguyên tắc tối thượng của sử học là khách quan, nhiều chiều. Nếu không đảm bảo nguyên tắc này, chỉ tán tụng một chiều thì sử sẽ thiếu chân thực, người ta chán. Sử giống với toán ở chỗ đó. GS Hoàng Xuân Hãn từng soạn sử, mà ông vốn lại là nhà toán học đấy chứ. Chỉ có khách quan, trung thực thì sử học mới đạt giá trị và tự nó sẽ phục vụ tốt cho mục đích chính trị.

Các cơ quan chuyên trách phải có ý thức đầu tư các môn khoa học đào tạo nên con người Việt Nam, mà sử học là một ngành quan trọng trong số đó. Không thể để những người kém đi dạy sử, soạn sử... thì người ta càng học càng ghét.

* Nguyên tắc tối thượng của việc soạn sử là trung thực, khách quan. Còn "nguyên tắc tối thượng" của một trò chơi như Theo dòng lịch sử là gì, thưa ông?

- Với trò chơi kiến thức như vậy, hệ thống câu hỏi phải được đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa, sao cho người ta tò mò thú vị, khuyến khích trí tuệ, tìm hiểu chiều sâu xã hội trong từng vấn đề lịch sử. Đặt câu hỏi logic là một nghệ thuật chứ không phải là giở sách sử ra đánh đố nhau. Và phải ý thức được tính logic của từng chương trình riêng lẻ cho đến xuyên suốt cả hệ chương trình trong năm.Ngoài phần câu hỏi mạch lạc, A là A, B là B; nên có thêm phần câu hỏi biện luận, thí sinh thoải mái đưa ra quan niệm, chứng cứ. Ai biện luận giỏi, xâu chuỗi tốt thì được.

Tôi ví dụ: Nguyễn Trãi từng có câu thơ khen Hồ Quý Ly: "Anh hùng để hận đến ngàn năm". Nhưng trong Đại cáo bình Ngô, ông viết: "Nhân họ Hồ chính sự phiền hà. Để trong nước lòng dân oán hận". Vậy câu hỏi sẽ là: Nguyễn Trãi đánh giá nhân vật Hồ Quý Ly ra sao? Phần này cần một "trọng tài" giỏi, nếu không dễ "đổ”. Một điều nữa là cần làm sao đó đầu tư về giải thưởng, chứ giải thưởng thấp quá thì không tương xứng, cũng khó thu hút sự quan tâm của người xem.

VŨ LÂM thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên