Anh Xuân Trường và chị Việt Anh - Ảnh: Đinh Hồng Anh |
Bị bệnh bẩm sinh với đôi mắt ngày càng mờ dần, thế nhưng Phạm Xuân Trường và Đinh Việt Anh vẫn lần lượt tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp đại học và cao học, dù có lúc sự học ấy phải đứt quãng giữa chừng. Lòng ham học, nỗ lực bền bỉ ấy của hai người làm nhiều người phải thán phục!
“Em phải làm gì để được học, được thi?”
"Người khiếm thị học xong cấp III đã đáng nể, học xong đại học càng đáng nể hơn. Còn học thạc sĩ là việc có gì đó xa xỉ. Phạm Xuân Trường và Đinh Việt Anh đã làm được điều đó, mà còn làm rất tốt. Đối với Trường và Việt Anh, không chỉ là câu chuyện khắc phục khiếm khuyết của cơ thể để vươn lên, mà là câu chuyện khẳng định và chinh phục đỉnh cao mà người bình thường cũng đáng mơ ước..." TSNGUYỄN THỊ HƯỜNG(phó khoa quản lý nhà nước về xã hội) |
Đó là câu hỏi mà Phạm Xuân Trường dành cho các giảng viên Học viện Hành chính quốc gia khi trong ba năm liền, anh nộp hồ sơ dự tuyển lớp cao học nhưng bị từ chối. Lý do vì vợ chồng anh là người mù.
Trường sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hà Tây. Nhà có năm anh em thì có đến ba người bị hỏng mắt. Trường bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Đôi mắt cứ ngày càng mờ dần. Dù vậy anh vẫn theo bạn bè mò mẫm đến trường.
Tốt nghiệp cấp III, không trường nào nhận một người có vấn đề về mắt vào học. Trường vào TP.HCM làm thuê, tìm cơ hội để được học tiếp. Anh đi bốc vác ximăng, cạo bếp lò thuê, đóng than... để kiếm tiền đi học. Sau ba năm bươn chải ở Sài Gòn, đôi mắt đã dần yếu nhìn gì cũng mờ mờ ảo ảo, anh nhận ra không thể gắn cuộc đời mình với công việc này mãi. Nhưng học gì, học ngành nào để ra trường có thể kiếm được việc làm là điều làm anh Trường day dứt. Sau một thời gian dài trăn trở, anh về Hà Nội và lựa chọn khoa ngữ văn Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội vì lý do “mắt kém, học văn thì dễ trả bài”.
Tốt nghiệp cao đẳng, anh đăng ký học lớp đào tạo chữ nổi tại Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù (217 Trung Kính, quận Cầu Giấy) và được nhận làm giảng viên tại đó. Cũng tại trung tâm, anh quen chị Đinh Việt Anh - người con gái bị thoái hóa giác mạc bẩm sinh, cũng với đôi mắt dần mất ánh sáng như anh. Khi anh về trường, Việt Anh đang là chủ nhiệm lớp xóa mù chữ cho người mù.
Lớp học có 13 học viên thì có hơn nửa là người dân tộc thiểu số. Cuối tuần nào anh cũng thấy chị dẫn các học viên đi ăn chè, uống nước và giành trả tiền. Sau này anh mới biết đó là cách chị làm để các học viên quen nhau, bớt tự ti. Cảm mến cô gái nghị lực và tốt bụng, anh tìm hiểu chị. Họ yêu nhau rồi làm đám cưới. Cưới xong, hai vợ chồng lại tiếp tục rủ nhau đi học thạc sĩ. Họ nộp hồ sơ vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhưng trường không nhận vì lý do người mù. Liên tiếp trong hai năm 2008, 2009, anh nộp hồ sơ vào Học viện Hành chính quốc gia nhưng tiếp tục bị từ chối. Năm 2010, khi thấy anh nộp hồ sơ lần nữa thì người nhận hồ sơ phải... ngạc nhiên. Họ cho anh gặp đại diện phòng đào tạo. Anh đã năn nỉ, thuyết phục: “Thầy ơi, theo luật thì tụi em được học cao học”. Và khi bị từ chối thẳng thừng vì trường chưa có cơ chế đào tạo cho người mù, anh đã hỏi: “Thầy cho em biết em phải làm gì để được thi, em phải làm gì để được đi học?”.
Sự ham học ấy đã thuyết phục được người thầy. Học viện Hành chính quốc gia đồng ý nhận hồ sơ thi cao học của vợ chồng anh Trường kèm theo đơn trình bày hình thức thi.
Từ đó, lớp CH16I chuyên ngành quản lý hành chính công của Học viện Hành chính quốc gia xuất hiện hai học viên là người mù. Ngày nắng cũng như mưa, họ vẫn dắt tay nhau đến lớp, ngồi bàn đầu để nghe giảng kỹ hơn. Nhờ rèn luyện kỹ năng viết chữ nổi và sử dụng máy tính nên việc học của anh chị không đến nỗi khó khăn. Anh chị phân công nhau người dùng máy tính gõ bài, người dùng chữ nổi. Về nhà, khi lo xong công việc cơ quan, con cái, anh chị lại cùng nhau đối chiếu bài vở.
“Bất ngờ, khâm phục”
Bộ phim còn tiếp tục “Tôi học chung lớp cao học với anh Xuân Trường và chị Việt Anh. Tôi đã làm một bộ phim về anh chị nhưng vẫn còn dở dang, vì anh chị quá đặc biệt! Anh chị đã cố gắng làm tốt nhất có thể để không phụ thuộc người khác. Đó không phải là sự cố gắng khiên cưỡng, đó là điều tự nhiên nhất của người luôn đi về phía trước. Anh chị vẫn làm nhiều hơn nói. Tôi biết chị vẫn âm thầm tìm và viết dự án hỗ trợ cho hội người mù ở quê chị. Với các học viên có năng lực, nếu có cơ hội du học, anh chị luôn tìm mọi cách để hỗ trợ và giúp đỡ học viên ấy. Cuộc đời của anh chị đẹp quá! Tôi cảm giác bộ phim mình làm không thể nào lột tả cho hết được...” - chị Phan Xanh (phóng viên kênh truyền hình Quốc Hội, Đài Tiếng nói VN). |
TS Nguyễn Thị Hường, giảng viên phản biện luận văn cao học của chị Đinh Việt Anh, kể lại: “Khi nhận luận văn của Đinh Việt Anh, tôi thấy rất bất ngờ vì lâu lắm mới thấy có bài luận văn đầy đủ và có giá trị về cả mặt thực tiễn lẫn khoa học. Sau này tìm hiểu tôi mới biết Việt Anh là người mù. Tôi thật sự bất ngờ và khâm phục. Hội đồng năm người chúng tôi đều nhất trí cho Việt Anh điểm cao nhất theo quy định, đó là số điểm trên thực tế ít người đạt được”.
Nhắc về hai học viên đặc biệt của lớp CH16I, PGS.TS Đinh Thị Minh Tuyết - chủ tịch hội đồng chấm luận văn cho anh Xuân Trường và chị Việt Anh - cười bảo: “Thầy hướng dẫn luận văn cho hai bạn nói lại với tôi rằng hướng dẫn cho hai bạn còn đỡ mệt hơn hướng dẫn cho những người không mù. Luận văn của hai bạn đều đạt điểm xuất sắc. Tôi thật sự khâm phục!”.
Nói chuyện với vợ chồng anh Trường, cảm giác họ coi việc học, việc làm là điều rất đỗi bình thường. Không có bất cứ rào cản nào họ tự đặt ra cho mình trên con đường học tập ấy. Hỏi anh Trường sao phải học nhiều thế, anh cười: “Được đi học đó là khát vọng mang tính chất thường trực. Mình biết chỉ có học tập mới thay đổi được mọi thứ, mới thay đổi được cách nhìn của mọi người”... Còn đối với Việt Anh, chị bảo mình đã từng bế tắc, tuyệt vọng và rơi vào trạng thái trầm cảm khi không được đến lớp. Chị đã xin bố mẹ, thầy cô cho đến lớp để được nghe giảng ké.
Bây giờ anh Trường là phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù. Còn Việt Anh là tổng biên tập tạp chí Đời Mới. Căn hộ nhỏ của anh chị nằm trong khu tập thể của trung tâm. Năm 2010, anh chị đã chào đón đứa con gái đầu lòng. Tất bật giữa việc cơ quan, chăm sóc con và các dự án cho người khuyết tật, chị Việt Anh vẫn làm thơ. Chị nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng mấy chục năm nay đôi mắt đã tắt hẳn ánh sáng nên chị làm thơ để tâm hồn mình được phong phú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận