07/01/2024 09:10 GMT+7

Su hào: 'Thần dược' tăng cường sức khỏe nhưng ẩn chứa tác dụng phụ tiềm ẩn

Củ su hào chứa một nguồn dinh dưỡng dồi dào với nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết rất tốt cho cơ thể, nhưng một số người cần chú ý khi ăn, nếu không có thể rước họa vào thân.

Người dân thu hoạch su hào - Ảnh: HOÀI PHẠM

Người dân thu hoạch su hào - Ảnh: HOÀI PHẠM

Nhiều vitamin, khoáng chất giúp hỗ trợ nhiều bệnh

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết theo sách Trung dược đại từ điển, củ su hào thuộc họ cải, có vị ngọt, cay, tính mát. Su hào có thể dùng cả củ, lá để làm thuốc chữa tiểu tiện lâm trọc (nghĩa là nước tiểu đục, tiểu nhỏ giọt), não lậu (viêm xoang mũi), thũng độc, đại tiện xuất huyết...

Nghiên cứu hiện đại cho thấy 100g su hào cung cấp 27 kcalo, 1,7g chất đạm, 6,2g carbohydrate, 3,6g chất xơ, 24mg canxi, 19mg magiê, 46mg phốt pho, 350mg kali, 20mg natri, 62mg vitamin C, 22µg beta caroten, 16µg folate....

Đặc biệt, loại rau này là nguồn cung cấp vitamin C, một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do và đóng vai trò chữa lành vết thương, tổng hợp collagen, hấp thu sắt và sức khỏe miễn dịch. 

Khoảng 135g su hào cung cấp khoảng 17% nhu cầu chất xơ hằng ngày. Chất xơ giúp hỗ trợ sức khỏe đường ruột và quản lý lượng đường trong máu. Vì vậy, dùng su hào có thể hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh.

- Giảm cân và cải thiện tiêu hóa: Su hào có ít calo và giàu chất xơ. Chất xơ cần thời gian để phân hủy và làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp giảm cảm giác đói bụng. 

Su hào rất giàu chất phytochemical như glucosinolate và carotenoids giúp kiểm soát sự tích tụ chất béo. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng tác dụng chống oxy hóa và chống kích ứng của chất chiết xuất từ mầm su hào có khả năng kiểm soát hoặc điều trị bệnh béo phì.

Với gần 5g chất xơ trong mỗi bát su hào giúp hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và nhu động ruột, nhờ đó làm giảm tình trạng táo bón, chuột rút và đầy hơi.

- Cải thiện huyết áp, tim mạch: Một bát su hào cung cấp nhiều kali hơn một quả chuối cỡ vừa, có lợi cho việc kiểm soát huyết áp. Kali có chức năng như một chất làm giãn mạch, giảm sức căng của mạch máu và động mạch. Su hào có hàm lượng anthocyanin cao, có thể làm giảm nguy cơ đau tim và xơ cứng động mạch.

- Cải thiện thị lực: Vitamin A hoặc beta carotene giúp giữ ẩm cho giác mạc và bảo vệ mắt khỏi bị loét, mờ hoặc mất thị lực. Beta carotene cũng giúp tăng cường thị lực vào ban đêm. Trong su hào có 22µg beta carotene trên 100 gam (beta carotene sẽ chuyển hóa thành vitamin A) có tác dụng như hợp chất chống oxy hóa ở vùng mắt.

Tăng cường miễn dịch, làm đẹp da: Su hào rất giàu vitamin C, giúp thúc đẩy khả năng miễn dịch chống lại một số bệnh như viêm đường hô hấp, dị ứng, cảm cúm, sốt... Việc hấp thụ đủ lượng vitamin C sẽ đảm bảo cơ thể sản xuất đủ các cytokine và tế bào lympho để chống lại nhiễm trùng. 

Vitamin C có nhiều tác dụng hữu ích đối với làn da như tăng cường sinh tổng hợp collagen, thúc đẩy quá trình hydrat hóa da và bảo vệ da chống lại bức xạ tia cực tím.

- Giúp xương chắc khỏe: Canxi là khoáng chất tạo nên sự cứng cáp và mạnh mẽ cho xương. Magiê làm tăng mật độ xương, giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương hoặc loãng xương. Hàm lượng canxi và magie cao trong su hào có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn.

- Giảm nguy cơ mắc ung thư, tim mạch: Su hào chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, anthocyanin, isothiocyanates và glucosinolates. Các hợp chất này bảo vệ tế bào chống lại tổn thương gốc tự do, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

- Tránh bệnh tiểu đường: Chế độ ăn nhiều rau giàu chất chống oxy hóa như su hào có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa… Vỏ của su hào tím chứa nhiều anthocyanin, một loại flavonoid có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và có lợi cho chức năng não. 

Tất cả các loại su hào có màu sắc đều chứa nhiều isothiocyanates và glucosinolates, là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bệnh tim và viêm.

- Thanh lọc máu và thận: Su hào được xem là loại thực phẩm cung cấp khá tốt về vitamin C, potassium, vitamin B6, vì vậy, giúp thanh lọc máu và thận tốt, loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, giúp tiêu hóa dễ dàng.

- Hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ: Su hào cũng là loại củ giàu kali nên rất tốt cho sức khỏe của cơ thể cũng như chức năng thần kinh. Nó cũng hỗ trợ tích lũy carbohydrate - thành phần được sử dụng như là "nhiên liệu" cho cơ bắp. Nếu cơ thể nhận đầy đủ lượng kali cũng sẽ giúp bạn xử lý thông tin nhanh và không bị kích động khi gặp chuyện rắc rối.

Tác dụng phụ tiềm ẩn

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái - Viện Y học phóng xạ và ung bướu Quân đội, su hào tốt cho sức khỏe nhưng cũng có tác dụng phụ tiềm ẩn, nên một số người tuyệt đối không ăn su hào:

- Người bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trẻ em: Do su hào rất giàu chất xơ, cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa nên ăn quá nhiều loại rau này có thể dẫn đến các vấn đề như buồn nôn, đầy hơi và tiêu chảy. Mặc dù cơ chế chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng nên tránh ăn su hào trong trường hợp đầy hơi và khó chịu ở bụng.

Su hào nếu ăn sống hàm lượng các chất sẽ cao hơn, nhưng có thể gây đau bụng cho một số người khó tiêu hóa. Kể cả những người bị đau dạ dày, trẻ nhỏ không nên cho món nộm su hào sống hoặc ăn sống trực tiếp. Còn theo đông y, ăn nhiều su hào sẽ bị hao khí tổn huyết

- Người bị bệnh tuyến giáp: Su hào có thể chứa goitrogens, các hợp chất thực vật thường gặp trong các loại rau họ cải bắp như bông cải, súp lơ… có thể gây sưng tuyến giáp. Vì thế, những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp nên hạn chế dùng su hào.

- Gây hao tổn khí huyết: Theo Đông y, su hào có tính mát, vị ngọt hơi đắng, có tác dụng hóa đờm, giải khát, giải độc, lợi thủy, tiêu viêm, giúp dạ dày. Chủ yếu dùng chữa nước tiểu đục, đi ngoài ra máu, nhọt độc không rõ nguyên nhân, tỳ hư hỏa vượng, trúng phong bất tỉnh. Vì vậy, không nên ăn quá nhiều su hào bởi su hào có thể giải độc, lợi tiểu, nên khi ăn nhiều quá trình thanh lọc diễn ra quá mạnh sẽ khiến cơ thể bị hao tổn khí huyết

- Ngăn cản hấp thụ i ốt: Su hào không gây dị ứng. Tuy nhiên, đây là một loại rau họ cải có chứa thiocyanat có thể ngăn chặn sự hấp thụ i ốt. Vì vậy, những người bị các vấn đề về tuyến giáp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Ngoài ra, các loại rau họ cải, trong đó có su hào đôi khi có thể tương tác với các loại thuốc như thuốc làm loãng máu và trở nên có hại.

Chế độ ăn rau quả đúng có thể giảm tới 20% nguy cơ ung thưChế độ ăn rau quả đúng có thể giảm tới 20% nguy cơ ung thư

Nhiều loại rau quả mà chúng ta vẫn sử dụng thường ngày có khả năng phòng ngừa ung thư khá hữu hiệu với một cơ chế rõ ràng. Vậy chọn loại rau quả gì và ăn như thế nào mới thích hợp?


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên