Sáng 3-8, tại TP.HCM đã diễn ra tọa đàm giới thiệu tác phẩm Ba nghìn thế giới thơm của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và nhà văn Huỳnh Trọng Khang, cũng là biên tập viên của cuốn sách.
Xuất bản lần đầu vào năm 2007, đến nay cuốn biên khảo Ba nghìn thế giới thơm đã được khoác áo mới với màu xanh biếc của loài hoa triêu nhan.
Buổi giao lưu xoay quanh quá trình nghiên cứu và ra đời của tác phẩm cùng những chia sẻ của nhà văn Nhật Chiêu về ảnh hưởng của văn hóa thơ ca Nhật Bản đến Việt Nam.
Nhìn nhận vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé
Từ một tập sách được soạn ra với mục đích làm tài liệu học tập cho sinh viên, đến nay Ba nghìn thế giới thơm đã trở thành “sách gối đầu giường” của những người làm thơ và nghiên cứu thơ ca Nhật Bản.
Nhà văn Nhật Chiêu chia sẻ hiếm có một nền văn hóa thơ ca nào trên thế giới tập trung khai thác sâu sắc những chi tiết nhỏ nhặt và giản dị của thiên nhiên.
Theo ông Chiêu, nếu như nhà thơ Trung Quốc làm thơ về con chuột thì không phải nói về thiên nhiên mà đa phần là châm biếm bọn tham quan, ô lại.
Ông nói: “Thơ haiku nói về con chuột, tức là nói về con chuột.
Thơ ca Nhật Bản không cần dùng đến lời văn mỉa mai, phê phán, đả kích con người.
Như vậy, việc ra đời của cuốn sách là mở ra ba nghìn thế giới để ta yêu. Đây là điều rất đặc biệt mà những nền thơ ca không làm được”.
Hơn nữa, người Nhật chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nghĩa là tất cả chúng sinh, muôn loài đều cao quý, đều đáng sống như nhau.
“Người nghèo cũng đáng sống như người giàu. Dân thường cũng đáng sống như đại quan. Tư tưởng ấy cực kỳ nhân văn và hiện đại mà từ xưa người Nhật đã có qua bốn chữ thâm sâu của Phật giáo là nhất, thiết, bình, đẳng - xuất hiện cách đây 2.500 năm” - ông nêu quan điểm.
Sự tương quan giữa thơ haiku và thiền
Người đã đưa thơ haiku vào quỹ đạo của thiền và làm cho thể loại này trở nên phổ biến như hiện nay chính là Matsuo Basho. Sống vào thế kỷ 17, Basho là một người vừa học thiền vừa hành thiền.
Basho đã đưa thơ haiku vào một quỹ đạo mới, nơi mà hình thức ngắn gọn và đơn giản của haiku không chỉ để miêu tả cảnh vật mà còn để phản ánh triết lý thiền.
“Mỗi bài haiku chỉ cần đọc trong một hơi thở, vừa vặn với nhịp thở ra và thở vào. Đây là hơi thở của thiền, nơi mọi thứ được thể hiện một cách chớp nhoáng nhưng đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Thiền là một trải nghiệm cụ thể về tâm linh. Khi tâm linh bừng sáng, đó chính là thiền. Do vậy, thơ haiku và thiền rất gần gũi, nó xuyên thấu và thấm nhuần vào nhau” - ông Chiêu nhận định.
Để làm sáng tỏ, ông dựa trên một bài thơ về con đom đóm của một nhà thơ haiku: “Tự nhiên thắp lửa/ Tự nhiên tắt đi/ Tự nhiên sáng ngời/ Tự nhiên tắt lửa/ Ôi đom đóm chớm”.
Bài thơ này không chỉ đơn thuần mô tả sự tắt và sáng của con đom đóm mà còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn, đặc biệt khi được nhìn qua lăng kính của thiền.
Theo ông, những độc giả bình thường, chưa có nền tảng về văn học Nhật Bản cũng có thể đọc sách này, có thể nắm bắt được tinh thần triết lý và thẩm mỹ xuyên suốt của thơ ca Nhật Bản.
Chia sẻ tại sự kiện, theo dịch giả Từ Hóa Hoàng Lan, bà rất bất ngờ với tựa đề cuốn sách. Bà cảm thấy tâm hồn của mình mở rộng ra rất nhiều.
“Bởi vì Ba nghìn thế giới thơm khiến cho tâm hồn của mình thoát ra khỏi con người nhỏ bé này, trở thành một cái gì đấy rất bao la. Khi mở ra đọc, tôi rất bất ngờ những câu thơ bên trong ấy lại đậm chất thiền đến như thế” - bà kể.
Tương tự, dịch giả Quế Sơn chia sẻ: “Những vấn đề tưởng như đã cũ, nhưng qua góc nhìn của Nhật Chiêu lại rất mới. Anh có một sự sáng tạo bền bỉ, tôi rất mến mộ và rất vui khi chúng ta được hưởng những thành quả sáng tạo của anh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận