Ông Đặng Dùng đi quanh làng Nam Ô mỗi ngày như một thói quen - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mỗi góc làng một câu chuyện
"Tôi hay đi quanh làng mỗi chiều hít gió biển, cảm nhận sự thay da đổi thịt ở mảnh đất đặc biệt này"- ông Đặng Dùng người dân xứ biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn giữ thói quen với nơi chôn nhau cắt rốn.
Dẫn chúng tôi băng ngang qua dãy hàng rào chắn quanh làng ra biển, ông Dùng cùng nhóm người cao tuổi chỉ tay về hướng đường Nguyễn Tất Thành nối quanh vịnh Đà Nẵng.
Ở ngay cuối đường, nơi nhà đầu tư mới đây đặt tấm panô thông tin về dự án, ông Dùng đưa tay vẽ một vòng ôm, rồi ông đưa tấm ảnh ông cùng những nhà sử học chụp lại chỉ vào một vùng đậm.
"Đây! Trước đây có một cái giếng vuông của người Chăm. Tất cả làng này có tới tám cái nhưng bây giờ chỉ còn bốn cái. Mấy nhà nghiên cứu văn hóa Chăm tới đây ai cũng bảo chẳng nơi nào có mật độ giếng cổ đông đúc như ở đây" - ông Dùng nói.
Trên dặm dài mở mang bờ cõi về phía nam của nước Đại Việt xưa, ải thiên hiểm Hải Vân chính là chướng ngại địa lý cao vút. Ngôi làng nằm dưới thiên hùng quan này là đất địa đầu trong hành trình người Việt xưa Nam tiến.
Chính vậy mà ngôi làng cổ này chứa bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn với cậu bé Dùng. Ngày thơ bé, ông thường theo ông ngoại đi chép chuyện truyền miệng của những người cao tuổi rành "chữ cũ" trong làng.
"Cũng không ai biết tổ tiên làng này lập từ thế kỷ nào nhưng qua những di chỉ Chăm từ tháp Chăm Xuân Dương mới khai quật, cho đến giếng Chăm thành vuông đế lót gỗ mà đến bây giờ làng vẫn dùng tắm mát thì nhiều người bảo có sự kế thừa ngay lập tức thời người Chăm ở đây" - ông Dùng nói.
Vì niềm tin sâu sắc về lịch sử làng như thế mà ông Dùng bắt đầu học chữ Hán - Nôm để đọc sách xưa. Hễ cứ tìm được cuốn sách nào nói về câu chuyện trong làng là ông lập tức đối chiếu. Rồi từ đó, như bao đứa con khách của ngôi làng ông trở thành "sử gia" của… làng.
Và qua nhiều lần phối kiểm như thế trong ông hình thành niềm tin rằng những câu chuyện truyền miệng dẫu qua hàng chục đời vẫn có những "lý lịch" xác đáng.
Như cái tên Nam Ô mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều người vẫn suy đoán Nam Ô là "cửa ngõ phía Nam của Châu Ô". Ông Dùng lật giở cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn đoạn ghi địa danh "Chân Sảng Tây thôn, giang niêm Hoa Ổ xã".
Theo ông Dùng tên xa xưa mà người Việt hay gọi là Hoa Ổ, nghĩa là cồn đất có nhiều hoa. Nhưng sau vì kỵ húy với hoàng triều nên đổi thành Nam Ổ. Ông Dùng cho rằng sau này người Pháp đặt chân đến đây, vì đọc không có dấu nên trong thư tín, sách vở đều ghi thành trại Nam Ô như tên gọi ngày nay.
"Mấy ông bạn văn nhân hay tếu táo phong cho tôi là nhà "Nam Ô học". Tôi biết họ yêu quý mà gọi vậy chứ mình cũng chỉ là người đi vẽ tranh tường kiếm cơm. Cũng chỉ vì yêu làng mà ra" - ông Dùng bộc bạch.
Ông Dùng (đứng bên trái) đang trò chuyện với sinh viên Đại học Đà Nẵng trước miếu Âm Linh (Nam Ô) - Ảnh: TRẦN TUẤN
Thổi mãi ngọn gió huyền sử
Làng Nam Ô bây giờ đang đứng trước vận hội đổi thay khi gần đây được nhiều người biết đến. Ghềnh đá Nam Ô đầy rêu phủ, Mỏm Hạc với khu rừng cấm nguyên sinh được người dân bao đời gìn giữ cũng trở thành địa điểm "check in" của rất nhiều người khi ghé chân qua Đà Nẵng.
Du khách nườm nợp kéo tới, những con đường làng lúc nào cũng đông vui như ngày hội. Nước mắm, cá tôm do người dân đánh bắt lên vì thế mà bán hết veo. Ông Dùng vẫn thế, chiều chiều đi quanh làng nhắc nhở du khách gìn giữ môi trường và chào hỏi những người mới kéo về đây buôn bán như một thói quen.
Ngọn gió du lịch cuối cùng cũng đã thổi đến với người dân miền biển Nam Ô sau nhiều chờ đợi. Người làng và ông Dùng đều tin vận mệnh đổi thay với ngôi làng cổ mà họ bao đời gìn giữ. Dẫu vậy trong ông vẫn chực chờ một nỗi lo "những người muôn năm cũ".
"Nam Ô đã có thể giữ lại biển, giữ lại di tích để phát triển du lịch cộng đồng. Lăng Ông, miếu Bà Liễu Hạnh còn đó nhưng còn quan trọng hơn nữa là phải duy trì được những giá trị văn hoá tinh thần miền biển được cha ông để lại thì mỗi thế hệ phải tự bồi đắp mới bền vững được" - ông Dùng bộc bạch.
Chính vì thế, dù bận bịu mưu sinh, nhưng đêm đến ông vẫn cọc cạch gõ phím để tập hợp tất cả những câu chuyện xứ biển này. Lần giở những trang bản thảo, ông gạch đầu dòng gồm hai phần: "quá khứ" và "hiện tại".
Quá khứ mà ông nói tới là những câu chuyện, điển tích về làng Nam Ô mà ông tìm tòi từ sách cổ để viết ra. Đó là chuyện giếng cổ, chuyện núi cấm rừng thiêng ở Mỏm Hạc, chuyện mộ Tiền Hiền Triệu Cơ… Còn phần hiện tại mà ông muốn nói tới chính là ngôn ngữ làng biển Nam Ô gồm những bài vè, bài khấn trong các lễ hội làng.
Ông Dùng tìm hiểu lịch sử có liên quan đến làng mình - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Tôi có mong ước là sẽ ra một tập sách như món ăn tinh thần với những du khách từ phương xa tới đây. Họ phải hiểu được những giá trị mà nhiều thế hệ người nơi đây vun đắp thì mới góp sức gìn giữ. Và cũng để sau này những ai yêu Nam Ô sẽ không mất nhiều thời gian như tôi mới hiểu hết ngôi làng đặc biệt này…" - ông Dùng nói, mắt nhìn xa xăm.
Nhà văn Hồ Trung Tú, tác giả cuốn sách Có 500 năm như thế, nhận xét hiếm thấy có ai yêu làng mình và tường rõ từng ngọn cây, ngọn cỏ như ông Đặng Dùng. Ông Dùng sẵn lòng bỏ dở công việc của mình để chỉ cặn kẽ cho những người tha thiết muốn tìm hiểu về làng Nam Ô.
"Với Nam Ô, ông Dùng như rút cả ruột gan và sẵn lòng kể tất cả những gì ông biết" - nhà văn Hồ Trung Tú nhận xét.
TTO - Các sản phẩm du lịch gồm: ngắm bình minh, hoàng hôn trên vịnh Nam Ô bằng thuyền thúng; tắm biển tại bãi tắm Nam Ô; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận