
Ảnh minh họa: T.T.D.
Mẹ tôi là người phụ nữ từng gắn kết với chiến tranh vì hoàn cảnh, rồi cũng đau khổ vì chiến tranh đem lại. Nên khi hòa bình đến quá bất ngờ, bà không kịp tin đó là sự thật.
Chuyện mẹ tôi
Những ngày cuối tháng 3-1975, mẹ tôi đang là sinh viên Trường Sư phạm Buôn Mê Thuột. Tây Nguyên bất ngờ thất thủ, quân đội Việt Nam cộng hòa tháo chạy khỏi Tây Nguyên, tình hình hỗn loạn.
Cả một đoàn sinh viên hốt hoảng, nhốn nháo hòa theo dòng người di tản xuống đường 14, chen chúc cùng quân lính và dân thường. Tiếng trẻ con khóc, tiếng lính tráng chửi thề, tiếng chân người, tiếng xe nhà binh rầm rầm chạy lẫn trong tiếng súng nổ loạn xạ, tất cả phát cuồng cả lên.
Mẹ tôi là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954. Mười tám tuổi, đang ngồi ghế nhà trường thì mẹ phải lấy chồng. Cô thiếu nữ ngây thơ cắn răng chấp nhận cuộc hôn nhân cưỡng ép khi một chàng trung úy, sĩ quan chính quyền Sài Gòn mang lựu đạn tới nhà hỏi vợ.
Anh chồng quanh năm đi chiến dịch và sớm tử trận khi mẹ đang mang thai con đầu lòng. Góa phụ chiến binh khi đó mới 20 tuổi. Sinh con xong, mẹ gửi con cho ông bà ngoại rồi đi học sư phạm. Chưa học xong thì Tây Nguyên thất thủ, trường sư phạm đóng cửa, mạnh ai nấy chạy.
Hòa vào dòng người di tản, khoảng hơn mười người bạn học cùng lớp với mẹ chạy tán loạn với tâm trạng rối bời. Thân xác yếu ớt, tinh thần bấn loạn, mẹ hầu như không lê nổi chân. Mọi người trong nhóm bạn thay nhau cõng mẹ tôi.
Đi gần bảy ngày, lương thực hết, bụng đói rã mà đạn pháo vẫn rít trên đầu. Cả nhóm bạn bàn nhau không đi ngoài lộ nữa mà dạt vô rừng, chỉ là để bớt cảm giác sợ hãi. Trôi dạt một ngày trong rừng, bụng đói meo, tất cả gần như kiệt sức.
Tình cờ gặp một lán trại của bộ đội. Lúc đầu mọi người rất sợ, nhưng anh bạn lớp trưởng mạnh dạn đến gần trình bày hoàn cảnh và xin một bữa cơm. Người chỉ huy vui vẻ tiếp nhận, mời cả đoàn canh rau rừng và thịt nai. Ăn xong còn xin dỡ thêm một suất ăn nữa. Các anh bộ đội cũng còn rất trẻ, vui tính và hiền lành, khi chia tay phát cho mỗi sinh viên một cái thẻ cài trên áo rồi dẫn ra khỏi rừng trong đêm.
Cả đoàn giáo sinh cứ vậy đi lầm lũi trong đêm, quần áo tả tơi hôi hám. Cứ thế đi nhờ xe quân sự đến Sài Gòn trước 30-4 hai ngày. Mẹ tôi đã chạy ra đến bến cảng, những người bạn đã nắm tay mẹ kéo lên tàu thủy đi di tản, nhưng phút cuối mẹ quay trở lại.
Sau đó, mẹ tìm xe ngược về Kon Tum. Lúc này Kon Tum đã thất thủ, trong đầu của mẹ chỉ nghĩ làm sao để nhanh chóng về nhà vì lo lắng cho mẹ già, con nhỏ và các em. Im tiếng súng rồi chạy làm gì, mọi thứ đã an bài, sự được mất đã được số phận sắp đặt.
Về nhà, mẹ ra phường trình diện rồi cùng gia đình làm ăn sinh sống dưới chế độ mới, với chính sách hòa hợp hòa giải của chính quyền cách mạng.
Và chuyện của ba tôi
Năm 1954, ba tôi cùng đồng đội lên tàu biển tập kết ra Bắc. Như vậy mẹ và ba tôi là hai cánh chim bay ngược chiều nhau, theo hai lý tưởng khác nhau. Hòa bình rồi, duyên kiếp đưa hai người lại với nhau.
Mẹ may mắn gặp ba khi ông chuyển về miền Trung công tác. Ông cũng có một nỗi buồn vì cuộc hôn nhân ngoài Hà Nội tan vỡ. Ba yêu thương che chở mẹ, cùng thành lập tổ ấm rồi sinh ra chị em tôi.
Một người góa phụ của chế độ cũ trở thành vợ một anh bộ đội tập kết. Các cô tôi không đồng ý cho mối nhân duyên này, nhưng ba tôi đã quyết và không gì thay đổi được.
Ba đã cùng mẹ đi qua những dông bão cuộc đời. Sau khi nghỉ hưu, ba vỡ đất hoang lập vườn trên quả đồi thoai thoải bạc màu chỉ có gai và cỏ dại. Bàn tay của người cựu chiến binh đã thu gom, phá hủy không biết bao nhiêu mìn và lựu đạn.
Những tấm thẻ bài của lính còn nằm lại. Những đôi dép cao su và mũ cối còn vùi lấp dưới hào công sự. Mảnh vườn của ba bây giờ lúc nào cũng rợp bóng cây xanh. Ba nói đó là màu của hòa bình.
Anh trai tôi, con riêng của mẹ tôi với người chồng trước là sĩ quan Việt Nam cộng hòa, về ở cùng gia đình. Anh yêu thương, quý trọng ba. Các con của anh thương ba tôi như ông nội ruột bởi ba chưa bao giờ định kiến quá khứ, hận thù.
Lúc nào ba cũng dành sự ân cần đúng mực cho anh. Ngày ba tôi ngã bệnh, anh chị vẫn dành thời gian về chăm sóc. Khi ba qua đời, gia đình anh cùng tôi lo hậu sự cho ba.
Mẹ tôi đã sống cùng ba 45 năm trọn vẹn. Có thể ban đầu chỉ với mục đích tìm kiếm một chỗ dựa hơn là một tình yêu đích thực.
Nhưng đức tính cần cù, chịu khó và bản lĩnh cương trực của người cán bộ chế độ mới đã cảm hóa được người phụ nữ của chế độ cũ. Bà đã tin tưởng yêu thương ba đến tận giờ phút cuối cùng. Những oán thán số phận hình như đã chấm dứt từ lâu.
Cảm ơn bạn đọc gửi bài dự thi Kể chuyện hòa bình
Nhân kỷ niệm 50 năm hòa bình, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình (báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, diễn ra từ 10-3 đến 15-4) để bạn đọc gửi đến những câu chuyện xúc động, khó phai của từng gia đình, từng con người cũng như tâm tư về ngày thống nhất 30-4-1975, về 50 năm hòa bình.
Cuộc thi dành cho tất cả người Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.
Kể chuyện hòa bình nhận bài viết tối đa 1.200 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa gửi đến email [email protected]. Chỉ nhận bài qua email, không nhận qua đường bưu điện để tránh thất lạc.
Bài dự thi chất lượng sẽ được lựa chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ, được nhận nhuận bút và các bài qua vòng sơ khảo sẽ được in thành sách (sách không trả nhuận bút - không bán). Bài dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết nào khác và chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tác giả gửi bài chịu trách nhiệm về bản quyền của bài viết, ảnh và video dự thi, không nhận ảnh video minh họa lấy từ trên mạng xã hội không có bản quyền. Tác giả phải ghi địa chỉ, điện thoại, email, số tài khoản, số căn cước công dân để ban tổ chức liên lạc, gửi nhuận bút hoặc giải thưởng.

Tính đến hết ngày 8-4, cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình đã nhận được 426 bài dự thi của bạn đọc.
Lễ trao giải và ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Ban giám khảo gồm các nhà báo, nhà văn hóa tên tuổi cùng đại diện báo Tuổi Trẻ sẽ xét duyệt chấm giải từ các bài đã qua sơ khảo và chọn trao thưởng cho những bài dự thi chất lượng.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình và đặc san báo Tuổi Trẻ 30-4 dự kiến tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào cuối tháng 4-2025. Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng Kể chuyện hòa bình
- 1 giải nhất: 15 triệu đồng + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 2 giải nhì: 7 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 3 giải ba: 5 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải khuyến khích: 2 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
- 10 giải bạn đọc bình chọn: 1 triệu đồng mỗi giải + giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
Các giải thưởng còn được kèm giấy chứng nhận, sách, đặc san Tuổi Trẻ 30-4.
Ban tổ chức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận