TTCT - Giao vỉa hè (tài sản công cộng) cho một cá nhân, tổ chức sử dụng liệu có tước quyền tiếp cận tài sản công cộng của những người khác? Vỉa hè đường Hải Triều (quận 1), tuyến đường có thu phí sử dụng vỉa hè, có buôn bán, để xe và vẫn có lối cho người đi bộ. Ảnh: THU DUNGĐã hơn một tháng kể từ ngày quận 1 (TP.HCM) triển khai thu phí sử dụng tạm vỉa hè, UBND 10 phường đã phê duyệt 108 trường hợp đăng ký sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Trên 11 tuyến đường, việc kinh doanh vẫn tấp nập nhưng bàn ghế và xe máy được sắp xếp có trật tự, phần đường dành cho người đi bộ ít bị lấn chiếm. Người đi bộ qua các tuyến đường này cho biết họ đi lại dễ dàng hơn trước đây.Nhưng ở góc khác, việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường chưa có giải pháp hài hòa lợi ích của các bên liên quan.Vỉa hè là tài sản công cộngVỉa hè là tài sản công cộng nên Nhà nước quản lý và sử dụng tài sản đó không thể phục vụ cho mục đích nào khác ngoài mục đích chung của cộng đồng. Ở Việt Nam, Nhà nước là chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu loại tài sản này và có quyền định đoạt.Cũng như các cơ sở hạ tầng khác, vỉa hè là tài sản chung được tạo lập từ nguồn vốn ngân sách. Nếu Nhà nước sử dụng các công trình công cộng cho mục đích khác phải có trách nhiệm giải trình. Không ai chấp nhận việc sử dụng tài sản chung cho một lợi ích nào khác ngoài lợi ích chung hoặc không thể đảm bảo quyền được tiếp cận và tiếp cận công bằng giữa các cá thể khác nhau trong xã hội.Từ lâu, đường sá và vỉa hè kèm theo trên các tuyến đường bộ là phần đường dành cho người tham gia giao thông, không phải là nơi kinh doanh, mua bán. Việc xem lòng, lề đường hay vỉa hè là nơi kinh doanh, mua bán là trái với tư duy chung và nguyên tắc chung trong sử dụng tài sản công cộng.Thực tế, tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, Nhà nước giao một phần lòng đường cho các đơn vị khai thác, thu phí giữ xe ô tô. Khó có thể kiếm được lý do vì sao phần lòng đường lại được phép đậu xe, mà phải có trả phí mới được đậu. Cũng rất khó lý giải vì sao doanh nghiệp lại được phép khai thác tài sản công cộng để kinh doanh ngay cả khi đó là doanh nghiệp nhà nước. Trước mắt, sử dụng lòng đường để giữ xe và thu phí chưa tạo ra xung đột lợi ích quá mức và đáp ứng nhu cầu của người dân nên những vấn đề lý luận có liên quan đã bị gác lại. Tuy nhiên, đề xuất sử dụng vỉa hè để kinh doanh vướng khá nhiều phản ứng.Lựa chọn ngắn hạn và dài hạnTrên hầu hết các đường phố, vỉa hè là phần hạ tầng liền kề với nhà phố và tiếp giáp trực tiếp với cửa ra vào của nhà dân. Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh sẽ cản trở hoạt động thường ngày, cản trở việc khai thác lẫn sử dụng tài sản công cộng được gắn kết với nhà, đất của người dân. Trong khi, quyền được sử dụng toàn vẹn tài sản cá nhân được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Bộ luật Dân sự Việt Nam thậm chí còn xác định nghĩa vụ của chủ sở hữu bất động sản liền kề để bảo đảm cho người chủ bất động sản bên trong khai thác một cách hợp lý.Vì vậy, sử dụng vỉa hè trước nhà dân để kinh doanh có thể sẽ gây cản trở việc đi lại và khai thác tài sản của dân. Đối với chủ sở hữu có xe ô tô thì việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh có thể sẽ cản trở luôn việc lưu thông ra - vào nhà của phương tiện giao thông này.Thực tế, tại các khu đô thị, rất nhiều khu vực vỉa hè, lòng đường bị người dân lấn chiếm để buôn bán, thậm chí nhiều người dân xem phần vỉa hè trước cửa nhà là tài sản của mình để thu phí những người có nhu cầu sử dụng. Nhưng đó không phải là cơ sở để Nhà nước sắp xếp lại trật tự bằng cách giành lại quyền sử dụng vỉa hè và cho người khác thuê.Nhưng làm sao để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ là vấn đề nan giải tại các đô thị. Khó tìm thấy một phương án giải quyết được hết mọi vấn đề hay thỏa mãn được lợi ích của tất cả các bên trong giai đoạn hiện thời. Cho nên, thay vì tìm kiếm một câu trả lời đầy đủ cơ sở lý luận, thì trước mắt cần tổ chức thu phí sử dụng vỉa hè một cách linh động, nhất là không tước bỏ cơ hội tiếp cận tài sản công cộng của đa số những người khác.Nên "hợp thức hóa" kinh tế vỉa hèỞ đô thị Việt Nam, kinh tế vỉa hè đã xuất hiện, hoạt động và phát triển theo đúng quy luật như một hệ sinh thái kinh tế đô thị. Một bài viết của tác giả Trần Nguyễn Chấn năm 1929 cho thấy thời bấy giờ, các hoạt động buôn bán di động trên đường phố đã len lỏi khắp đô thị. Nơi nào có đường sá, ở đó có kinh tế vỉa hè.Dù vỉa hè đã có đời sống kinh tế riêng từ cả trăm năm trước, Nhà nước chưa từng có khung pháp lý chính thức cho việc này. Chính quyền thời Pháp cũng cố gắng kiểm soát bằng cách ban hành quy định về hành vi đúng mực ở đô thị, trong đó cấm bán hàng rong, cảnh sát được quyền tịch thu bất kỳ hàng hóa nào trên vỉa hè.Sau hơn một thế kỷ, kinh tế vỉa hè thậm chí trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của kinh tế phi chính thức - khu vực sản xuất, kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Hiện Việt Nam chưa có thống kê riêng nào về quy mô của thị trường này, nhưng điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2017 ước tính các hộ kinh doanh cá thể, bao gồm những người buôn bán trên vỉa hè, tạo ra giá trị kinh tế khoảng 11-13% GDP quốc gia (thực tế có thể còn nhiều hơn).Theo giáo sư Nurul Amin (Viện Công nghệ châu Á - Thái Lan), nhiều quốc gia đi qua bốn giai đoạn quản lý vỉa hè với các cấp độ: cấm đoán, hạn chế, cho phép và giúp đỡ. TP.HCM đã cho phép sử dụng tạm vỉa hè từ năm 2008 nhưng chưa triển khai được do chưa có mức phí cụ thể. Tháng 9-2023, HĐND TP thông qua mức phí sử dụng tạm vỉa hè và tháng 5 vừa qua, quận 1 bắt đầu triển khai thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè ở 11 tuyến đường.Việc thu phí trước mắt chỉ áp dụng đối với người có mặt bằng kinh doanh tiếp giáp vỉa hè với mức phí sử dụng cho toàn bộ thời gian có thể kinh doanh trong ngày. Tuy nhiên, trên hè phố còn rất nhiều đối tượng khác cần sử dụng vỉa hè để mưu sinh, có nhu cầu sử dụng vỉa hè một thời gian nhất định.Để giải quyết vấn đề cội rễ hơn, TP.HCM nên chuyển sang giai đoạn 4 như các nước - giai đoạn giúp đỡ. Muốn giúp đỡ đúng và có hiệu quả phải nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của tất cả những người muốn sử dụng vỉa hè: từ ngành nghề hoạt động, thời gian cần sử dụng, mức thu nhập, mức phí có thể chịu được… Từ những dữ liệu đó, Nhà nước lên phương án thu phí sử dụng vỉa hè sao cho hiệu quả và công bằng. Việc thu phí sử dụng vỉa hè, nếu không đạt được kết quả tốt hơn, thì cũng không làm xấu hơn tình trạng vỉa hè hiện tại và không làm cho người kinh doanh, sử dụng vỉa hè phải chịu thêm gánh nặng kinh tế. Bên cạnh việc ban hành đề án thu phí vỉa hè, lòng đường, TP.HCM nên có quy hoạch sử dụng vỉa hè cụ thể cho từng khu vực trong TP.■ Ở nước ngoài, không ít trường hợp các con đường được khai thác làm phố đi bộ, khu shopping hay chợ dân sinh. Người dân sử dụng phần diện tích trong nhà để kinh doanh, lòng, lề đường dành cho khách đi bộ. Ở vài nơi, phố hay chợ đi bộ gắn kết các hoạt động, công trình văn hóa - lịch sử và trở thành địa điểm du lịch của địa phương. Ở Việt Nam cũng khai thác mô hình phố, chợ đi bộ nhưng vài nơi lại để người dân xuống đường kinh doanh còn nhà mặt tiền bên trong thì chỉ để ở. Đây là mô hình không nên triển khai.Việc sử dụng vỉa hè để cho thuê trong ngắn hạn cần đảm bảo các yêu cầu: Việc tận dụng khai thác vỉa hè để kinh doanh chỉ được thực hiện tại một số khu vực nhất định, nơi có phần lề đường rộng, thoáng. Sử dụng vỉa hè để kinh doanh không ảnh hưởng giao thông trên tuyến đường đó, không tạo ra các điểm tụ tập gây ách tắc giao thông. Đồng thời chỉ cho phép kinh doanh trên một phần vỉa hè, không cản trở người đi bộ đi xe đạp, người mù và người khuyết tật khác. Đặc biệt, việc sử dụng vỉa hè không ảnh hưởng đến việc ra - vào nhà của người dân, kể cả đi xe máy hay ô tô. Nói cách khác, việc khai thác vỉa hè cần được quy định và phân định khu vực kỹ lưỡng. Kế hoạch thực hiện cũng chi tiết, chính xác và không tạo hiệu ứng ngược. Theo UBND quận 1, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng vỉa hè thì gửi phương án sử dụng tạm thời vỉa hè làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa đến UBND phường và theo dõi kết quả qua phần mềm "Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố Quận 1". Người sử dụng cần cung cấp các chứng từ chứng minh mình là người sở hữu hoặc được người sở hữu đồng thuận cho sử dụng vị trí kinh doanh tiếp giáp với phần vỉa hè được đăng ký.Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đóng phí và thực hiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng, cải tạo, bảo trì lòng đường, hè phố. Tiền phí thu được nộp vào ngân sách nhà nước và sử dụng phục vụ hoạt động thu phí, việc quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.Theo quy định, chỉ có các tổ chức, cá nhân có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh tại mặt tiền thì mới đủ điều kiện để đăng ký sử dụng vỉa hè tiếp giáp. Như vậy, những người không cư trú hoặc không có đăng ký kinh doanh mặt tiền bên trong thì không được đăng ký sử dụng vỉa hè. Ngoài ra, chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất bên trong không được công nhận thẩm quyền đối với phần vỉa hè tiếp giáp, chủ nhà thu tiền người buôn bán trên vỉa hè là sai quy định.THU DUNG Tags: Người đi bộPhố đi bộThu phí sử dụngVỉa hèHoạt động kinh doanh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.