09/09/2024 08:02 GMT+7

Sử dụng vi chất dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh thế nào là hiệu quả?

Bệnh tật là do rối loạn cấu tạo và rối loạn chuyển hóa của các cơ quan tổ chức, thực phẩm chứa các vi chất dinh dưỡng phục hồi, tăng cường, duy trì các chức năng, cấu tạo của các bộ phận cơ quan, tổ chức đó và có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tật.

Sử dụng vi chất dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh thế nào là hiệu quả? - Ảnh 1.

Thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe - Ảnh minh họa

Chìa khóa cho sức khỏe tối ưu và chống lại bệnh tật

PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết vi chất dinh dưỡng được sử dụng cho vitamin, khoáng chất nói chung và các chất dinh dưỡng đa lượng nói riêng bao gồm protein, chất béo, carbohydrate.

Vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm là một trong những nhóm chất dinh dưỡng chính cần thiết cho cơ thể, gồm vitamin và khoáng chất, đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất năng lượng, hỗ trợ chức năng miễn dịch, đông máu, tăng trưởng, tăng cường sức khỏe của xương, cân bằng chất lỏng và một số quá trình khác.

Các vi chất dinh dưỡng gần như tham gia vào mọi quá trình hoạt động trong cơ thể. Một số vitamin và khoáng chất có thể hoạt động như chất chống oxy hóa bảo vệ chống lại tổn thương tế bào có liên quan đến một số bệnh, bao gồm ung thư, Alzheimer và bệnh tim.

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết của việc cung cấp đủ vitamin A và C trong chế độ ăn uống làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Uống đủ một số vitamin cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer. 

Một số khoáng chất cũng đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hoặc phát sinh bệnh tật. Nồng độ selenlen trong máu thấp với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Một đánh giá của các nghiên cứu quan sát cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim giảm 24% khi nồng độ selenlen trong máu tăng 50%.

Ngoài ra một đánh giá của 22 nghiên cứu nhận thấy rằng việc bổ sung canxi đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim và tất cả các nguyên nhân khác. Những nghiên cứu này cho thấy rằng tiêu thụ đủ tất cả các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là những chất có đặc tính chống oxy hóa sẽ mang lại lợi ích sức khỏe dồi dào.

Tùy bệnh mà sử dụng các vi chất dinh dưỡng hỗ trợ điều trị cho nhanh khỏi - Ảnh 2.

Bổ sung vitamin A cho trẻ - Ảnh minh họa

Tùy bệnh mà sử dụng cho hợp lý

Theo PGS Đáng, hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong mỗi loại thực phẩm không giống nhau, vì vậy tốt nhất là nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để có đủ vitamin và khoáng chất. Tùy thuộc vào chức năng của chúng, một số vi chất dinh dưỡng cũng có vai trò ngăn ngừa và chống lại bệnh tật.

- Dị ứng: Phấn, sáp ong, mật ong, sữa ong chúa có tác dụng chống cảm cúm và kích thích bảo vệ các chất miễn dịch. Selenlen, vitamin E, vitamin C, Đồng, β-caroten... có tác dụng chống gốc tự do (các gốc tự do tham gia phản ứng dị ứng). Vitamin B tác động đến tất cả quá trình chuyển hóa. Kẽm tham gia chuyển hóa tế bào miễn dịch (đại thực bào và bạch huyết bào).

- Thiếu máu và thiếu sắt: Sắt tham gia cấu tạo Hem tạo hồng cầu. Axit folic tham gia tổng hợp hemoglobin. Cobalt cùng nhân tố vitamin B12 tạo hợp chất. Đồng, kẽm, molypden, magiê tham gia tổng hợp các chất.

- Tim mạch: Axit béo không no có vai trò quan trọng trong phòng chống bệnh tim mạch. Selen tham gia quá trình bảo vệ cơ thể chống lại sự tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Crom tham gia vào hoạt động của phân tử insulin và điều hòa tỉ số cholesterol trong cơ thể. 

Silic có tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch. Vitamin B tham gia vào quá trình chuyển hóa. Vitamin C, vitamin E, β-caroten, đồng có tác dụng chống gốc tự do. Coban có tác dụng cải thiện tình trạng xấu của mạch máu.

- Dạ dày và ruột: Kẽm tác động đến chức năng hoạt động của nhiều enzym gan như một chất xúc tác. Mangan tác dụng làm giảm rối loạn chuyển hóa tụy và viêm thành đại tràng. Crom có tác dụng điều hòa tuyến tụy. 

Niken tham gia hệ thống nội tiết và bài tiết. Phospho có tác dụng trong việc co thắt thực quản. Coban có tác dụng điều hòa tế bào thần kinh thực vật mà tế bào này có vai trò điều hòa hệ tiêu hóa.

- Tai mũi họng: Sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa có tác dụng giải cảm và kích thích hệ thống miễn dịch. Đồng, bạc có tác dụng chống hiệu ứng viêm nhiễm. Selen, vitamin E, vitamin C, β-caroten có tác dụng chống gốc tự do. Lưu huỳnh có vai trò nhất định với chất nhầy đường hô hấp.

- Da: Kẽm tham gia quá trình làm lành vết thương (loét, vết thương, bỏng). Mangan tham gia tích trữ năng lượng tế bào. Silic có tác dụng tái tạo tổ chức liên kết dưới da. Vitamin B tham gia tất cả các quá trình chuyển hóa tế bào có tác dụng ái lực lớn với các tế bào da. 

Selen, vitamin C, vitamin E, đồng, magiê, β-caroten chống gốc tự do (gốc tự do tham gia phản ứng dị ứng). Asen liều nhỏ cung cấp chất dinh dưỡng cho da và tóc.

- Thấp khớp: Sụn cá, sụn gà sử dụng liều nhỏ có tác dụng chống thấp khớp. Collagen dùng lượng nhỏ có tác dụng tham gia tái tạo cấu trúc tổ chức liên kết. Silic tham gia tái tạo sụn và tổ chức liên kết. 

Fluor tham gia tái tạo cấu trúc xương và sụn. Vitamin B tham gia chuyển hóa đường và protein. Vitamin E, β-caroten, vitamin C, selen, đồng, mangan có tác dụng chống gốc tự do, lưu huỳnh tham gia tái tạo sụn.

- Tuyến nội tiết: Đồng, kẽm, niken có tác dụng điều hòa tuyến nội tiết. Iốt tham gia tổng hợp hormone tuyến giáp. Crôm tham gia tổng hợp insulin và kích thích tế bào sử dụng nó. Mangan tham gia vào quá trình chuyển hóa đường và khả năng hoạt động của các hormone liên quan.

- Nhiễm trùng: Kẽm có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tế bào đại thuốc bào và lympho T. Selen, vitamin E, vitamin C, đồng, mangan, B-caroten tác dụng chống gốc tự do. Vitamin B tham gia quá trình chuyển hóa tế bào. Germanium có tác dụng kích thích hệ miễn dịch.

- Trí nhớ và khả năng tư duy: Lecithin tham gia cân bằng màng tế bào thần kinh. Kẽm tham gia quá trình chuyển hóa tế bào thần kinh. Magiê tác động đến việc sử dụng năng lượng tế bào thần kinh và chuyển hóa giữa chúng.

Thiếc với liều nhỏ có tác dụng kích thích bộ nhớ và khả năng tư duy của não. Vitamin B tham gia quá trình chuyển hóa tế bào thần kinh. Magiê tham gia chuyển hóa các phân tử vận chuyển thông tin giữa các tế bào thần kinh và chống gốc tự do, chống co giật. 

Hầu hết cơ thể một người trưởng thành khỏe mạnh có thể có đủ lượng vi chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống cân bằng. Một số chất dinh dưỡng hay bị thiếu hụt bao gồm:

- Vitamin D: Khoảng 77% người Mỹ bị thiếu vitamin D, chủ yếu là do thiếu ánh nắng mặt trời.

- Vitamin B12: Người ăn chay có thể bị thiếu vitamin B12 do không kiềm chế các sản phẩm từ động vật. Người cao tuổi cũng có nguy cơ thiếu vitamin B12 do giảm hấp thu theo tuổi tác.

- Vitamin A: Chế độ ăn uống của phụ nữ và trẻ em ở các nước đang phát triển thường thiếu vitamin A.

- Sắt: Sự thiếu hụt khoáng chất này là phổ biến ở trẻ em mẫu giáo, phụ nữ có kinh nguyệt và người ăn chay.

- Canxi: Gần 22% và 10% nam và nữ trên 50 tuổi không đủ canxi.

Cách an toàn và hiệu quả nhất để có đủ lượng vitamin và khoáng chất là từ các nguồn thực phẩm. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Sử dụng vi chất dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh thế nào là hiệu quả? - Ảnh 3.Quy định bắt buộc vi chất vào muối, bột mì: Lãng phí, gây khó cho doanh nghiệp?

Quy định bắt buộc vi chất vào muối, bột mì: Lãng phí, gây khó cho doanh nghiệp?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên