24/06/2011 02:01 GMT+7

Sử dụng logo của nhà đài không xin phép

TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN
TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN

TT - Ngày 23-6, theo ghi nhận của chúng tôi, Công ty cổ phần mua sắm Hạnh Phúc - công ty bán hàng trên truyền hình với tên gọi Happy Shopping (Tuổi Trẻ 21 và 22-6) - vẫn hoạt động bình thường.

5yz764xq.jpgPhóng to
Một quảng cáo sản phẩm của Happy Shopping trên kênh SCTV17 - Ảnh: T.T.D

Trước 11g cùng ngày, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến trên website của công ty vẫn diễn ra cùng với logo của 11 kênh truyền hình mà công ty này đăng tải. Tuy nhiên, đến khoảng 11g45 cùng ngày, những logo này đồng loạt được gỡ xuống mà không thấy đưa ra ý kiến về sự thay đổi này.

Theo Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt (TVM) - đơn vị hợp tác và khai thác quyền lợi kinh doanh chính thức trên kênh HTV3 (Đài truyền hình TP.HCM), họ trở thành “nạn nhân” của Happy Shopping. TVM không hề cung cấp thông tin, logo HTV3 hay bất cứ sự ủy quyền hoặc hợp tác thương mại nào cho Happy Shopping, thậm chí kênh HTV3 còn chưa bao giờ phát sóng các chương trình quảng cáo của Happy Shopping như công ty này đã “khoe” trên website. Theo đại diện của TVM, “đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng bản quyền thương hiệu”.

APkctv5W.jpgPhóng to
koT28RTY.jpg
Giao diện website: www.happyshopping.vn trước 11g45 ngày 23-6 (ảnh trên) và giao diện website đã gỡ bỏ logo các kênh truyền hình sau 11g45 ngày 23-6 (ảnh dưới)

Tương tự, kênh truyền hình kỹ thuật số BTV3 của Đài truyền hình Bình Dương (BTV) trong tháng 3 và tháng 4 có hợp đồng quảng cáo với một công ty quảng cáo, trong đó có vài lần phát sóng một sản phẩm của Happy Shopping, nhưng đã ngưng phát sóng từ tháng 5-2011 đến nay. Tuy nhiên, Happy Shopping vẫn sử dụng logo của BTV trên website cho đến lúc gỡ bỏ.

Theo ông Ngô Quang Thụy - luật sư Công ty NT Trade Law, hiện tại pháp luật liên quan đến lĩnh vực quảng cáo vẫn còn lỏng lẻo. Hành vi quảng cáo không đúng sự thật trên đài truyền hình vẫn chưa có quy định cụ thể, nên việc xử phạt hành vi này vẫn còn để ngỏ. Tất nhiên, tiếng tăm của nhà đài sẽ bị ảnh hưởng nếu chỉ biết cung cấp dịch vụ nhưng lại buông lỏng việc kiểm tra, giám sát các nội dung thể hiện trong quảng cáo, là điều không thể chấp nhận được.

“Sẽ còn tình trạng tương tự tiếp diễn do Luật quảng cáo chưa được ban hành nên các cơ quan chấp bút soạn thảo Luật quảng cáo trong thời gian tới cần gấp rút đưa ra các quy định ràng buộc hơn về trách nhiệm các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng” - ông Thụy chia sẻ.

* Không thể nói đài truyền hình vô can

Phạt công ty bán hàng qua truyền hình là đúng, nhưng tại sao không phạt đài truyền hình về việc tiếp tay cho những kẻ lừa đảo này? Không thể nói truyền hình vô can trong chuyện này, bởi người tiêu dùng hay tin tưởng vào truyền hình vì cho rằng truyền hình đã phát công khai thì thông tin là đúng nên cứ thế mà mua.

* Luật quảng cáo không chặt chẽ

Tất cả chúng ta, trong đó có nhà đài, đã vì lợi nhuận mà vô tình tiếp tay cho một công ty lừa đảo. Họ rất tinh vi và khôn khéo trong việc mượn danh cơ quan truyền thông uy tín để quảng bá thương hiệu. Nếu Luật quảng cáo chặt chẽ thì họ sẽ không có cơ hội lừa đảo. Ví dụ nếu muốn quảng cáo phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm đó thì sẽ giảm được rất nhiều chuyện lừa đảo như thế.

* Happy Shopping là nơi bán vòng titan

Năm 2010, tôi tham dự lễ khai trương của Công ty Happy Shopping. Sản phẩm họ ra mắt lúc đó là vòng đeo tay titan, áo ngực thần kỳ. Họ quảng cáo rằng vòng titan có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp, bệnh tim... do kim loại titan tạo ra từ trường, lưu thông máu, ổn định tim mạch. Giá một sản phẩm là 890.000 đồng.

Tôi thấy nhiều người đến tham quan và mua sản phẩm này. Sau đó ít lâu, báo chí phanh phui vụ lừa đảo của Công ty Happy Shopping, chiếc vòng đeo tay này làm bằng sắt, giá chỉ 4.000 đồng mua ở Trung Quốc, hoàn toàn không có giá trị chữa bệnh như quảng cáo. Vậy mà tới nay công ty này vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục gian dối. Điều đáng trách là các nhà đài khi nhận quảng cáo đã không kiểm chứng chất lượng của hàng hóa, thực hư ra sao.

* Coi thường luật pháp

Phát biểu của ông Kam Bửu Lâm, giám đốc phụ trách kinh doanh bán hàng qua điện thoại, trên báo sáng qua có vẻ thách thức dư luận và coi thường pháp luật. Trong khi bị phạt về hàng loạt vi phạm vậy mà ông ta coi như không có gì. Qua đây mới thấy mức phạt còn quá nhẹ. Với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng như vậy, cần phải rút giấy phép kinh doanh mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe những kẻ lừa đảo và bảo vệ được người tiêu dùng.

TRẦN VŨ NGHI - LÊ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên