08/10/2017 08:14 GMT+7

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Được đồng nghiệp gọi là tay máy vàng của điện ảnh Việt Nam nhưng Lý Thái Dũng là một người rất kiệm lời khi nói về bản thân. Anh 'nói' bằng sản phẩm, bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế.

Năm 2015, nghe phong thanh tin Lý Thái Dũng sắp rời Hãng phim truyện Việt Nam về Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tôi đã quyết tâm phỏng vấn bằng được anh.

Bài đã viết xong, nhưng phút cuối nhân vật xin không đăng nữa và không nói lý do. Nhưng sau tôi cũng tự hiểu rời xa hãng phim đã nửa đời gắn bó, Lý Thái Dũng cần một khoảng thời gian để thu xếp tình cảm của mình.

Cuộc phỏng vấn lần này có được vì Lý Thái Dũng quá "ngại" phóng viên đã mất công đeo bám. Còn theo lời anh nói, ở tuổi này anh chỉ muốn tập trung cho việc mình làm, không muốn phát ngôn nữa.

Hãng phim truyện Việt Nam: 2 tháng cổ phần - toát mồ hôi hột Sẽ thanh tra toàn bộ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ thị sát Hãng phim truyện Việt Nam

Tôi ở đó hai mấy năm rồi, nếu tiếp tục ở đó mà không thay đổi thì rất lãng phí. Đời người hữu hạn, nên mỗi con người không thể phung phí thời gian của mình.

DOP Lý Thái Dũng

Lý Thái Dũng từng đoạt nhiều giải thưởng trong sự nghiệp quay phim như giải quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (2001) với Thung lũng hoang vắng, lần thứ 14 (2004) với phim Hàng xóm, lần thứ 15 (2007) với Vũ điệu tử thần, lần thứ 16 (2009) với Chơi vơi.

Top 5 đề cử quay phim xuất sắc nhất châu Á 2009 (AFA) tại Hong Kong năm 2010 với Chơi vơi.

Nhà quay phim Việt Nam đầu tiên quay phim cho kênh National Geographic, phim Chợ tình ở thung lũng mây.

Đạo diễn hình ảnh (DOP) xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017 với phim Đảo của dân ngụ cư.

* Anh đi khỏi Hãng phim truyện Việt Nam vì lý do gì?

- Cách đây 10 năm chúng tôi đã tránh đề cập đến số phận của Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều năm, điều đó là đề tài nhạy cảm trong khu vực làm việc của chúng tôi.

Ban ngày tất cả đều tránh nhắc đến. Còn đêm về có ông nào khóc thầm hoặc chia sẻ với vợ thì tôi không biết. Chúng tôi coi đây là một tất yếu không tránh khỏi, mỗi người đều tìm một cách nào đấy để xốc lại bản thân.

Tôi đã manh nha ý định chuyển về Đại học Sân khấu - Điện ảnh từ năm 2013, nhưng thời điểm đó nhà nước lại đặt Hãng phim truyện Việt Nam làm phim, vì nhiệm vụ tôi vẫn tiếp tục ở lại làm.

Tới năm 2015, tôi được giao trọng trách tổ chức lễ kỉ niệm 55 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam nên vẫn chưa thể đi được.

Đến tháng 5-2016, tôi chính thức được ký quyết định chuyển công tác.

Trước đó tôi đã có thâm niên giảng dạy 20 năm rồi. Về trường hiện giờ tôi đảm hiệm vai trò Quyền Trưởng khoa Điện ảnh. Hơn một năm rưỡi làm ở đây, mọi việc đã đi vào quỹ đạo.

* Một người đàn ông ra đi khỏi nơi làm việc sau nửa đời cống hiến, anh ta sẽ nghĩ gì?

Có thể mình dứt bỏ tuyệt đối mình sẽ thành công hơn nữa, hoặc không thành công, tôi không thể biết được. Đây là sự lựa chọn của tôi. Chứ ở một xã hội đầy rủi ro, bất trắc, bất kể người đàn ông nào, trong bất kể thời điểm nào cũng sẽ thấy thay đổi như thế này là hoàn toàn bình thường.

DOP Lý Thái Dũng

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 5.

DOP Lý Thái Dũng

* Anh đã trải qua rất nhiều thứ để thấy đây là sự bình thường?

- Tôi nghĩ thế, chắc chắn, kể cả với biến cố này, đối với tôi cũng là bình thường.

* Được biết ở Hãng phim truyện Việt Nam anh và đạo diễn Thanh Vân rất thân thiết. Sự gắn bó đó khiến cuộc chia tay trở nên khó khăn hơn?

- Tôi biết anh Thanh Vân đã rất giận tôi, nhưng tôi biết bạn tôi cũng rất hiểu cho quyết định của tôi.

* Nhìn bề ngoài anh là một người khắc kỉ, nhưng tôi tin người sở hữu rất nhiều cuốn sách chắc chắn phải là một người rất lãng mạn?

- Lãng mạn là chắc chắn rồi, làm nghề này không lãng mạn không được. Kể cả lúc nói chuyện với bạn, tôi vẫn cảm nhận được cánh hoa bàng rơi, vẫn cảm nhận được mọi thứ đang trôi trong không gian.

* Nhưng cách thể hiện trong giọng nói của anh thì rất cứng rắn, anh là người rất tiết chế cảm xúc.

- Vâng có thể do đặc thù nghề nghiệp. 

Người quay phim dù nhạy cảm thế nào chăng nữa, thì họ vẫn cần có tư duy logic, cách thức tổ chức thông tin tốt, nắm được các phương thức kĩ thuật để nhằm truyền đạt hình ảnh tới người xem một cách tốt nhất.

DOP Lý Thái Dũng

Bữa sáng với D.o.P: Ai kiếm tiền cứ kiếm, chúng ta làm nghề! Giải trí 24h: Đạo diễn hình ảnh K’Linh nói gì về nghề D.O.P? Nhà quay phim người Đức chia sẻ khám phá hang Sơn Đoòng

* Trong đầu người quay phim có hai công tắc, một công tắc dành cho lãng mạn, và một công tắc dành cho sự chính xác, kỉ luật?

- Chính xác đấy, cảm xúc mấy thì cảm xúc nhưng nếu kĩ thuật, nghề nghiệp, công nghệ không giỏi thì làm 10 hỏng 9.

Nhưng nếu chỉ có kĩ thuật không thôi thì sản phẩm đẹp, đúng, nhưng lạnh lùng, thiếu cảm xúc. Hai thứ này phải rất cân bằng, kể cả trong đời sống và công việc.

Nhưng nói thật là tôi cũng có những ý tưởng lãng mạn mà nhiều khi nói ra bạn bè bảo mày bị điên à. Mỗi khi xem lễ trao giải Oscar tôi vẫn cứ hình dung ngày nào đó sẽ có một người Việt được trao giải thưởng này.

Năm 2010, tôi được đề cử hình ảnh tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á, đây là một vinh dự rất lớn, giúp tôi bình tâm, định hình được bản thân, tôi hiểu con đường của tôi đi đúng.

Tất nhiên tấm huy chương nào cũng có hai mặt: ngoài thành công là bi kịch, nỗi cô đơn, sự trả giá. Nhưng đó là cái tất yếu thôi, không ai tròn trịa, không ai được tất cả.

DOP Lý Thái Dũng

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 9.

DOP Lý Thái Dũng và DOP Nguyễn K'Linh

* Tôi thấy những người tài năng họ đều có sức tập trung rất lớn cho niềm say mê của mình, họ ít sợ hãi mà cứ mải miết theo đuổi niềm say mê đó thôi, và điều đó dẫn tới thành công.

- Tôi vẫn nói với sinh viên của tôi là có thời điểm con ngựa phải bịt mắt lại để không nhìn thấy hai phía xung quanh. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là tài năng, tôi chỉ là người rất yêu nghề, tôi luôn phấn đấu làm việc tốt, chuyên nghiệp nhất có thể.

Điều đó đem đến cho tôi một đời sống tinh thần tương đối tốt, đủ lo cho gia đình mình. 

* Suy cho cùng trong cuộc sống này, các cuộc chiến mà con người đối mặt phần lớn là những cuộc chiến do trí não họ tưởng tượng ra như Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió phải không anh?

- Tôi luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh vì tôi biết mọi chuyện đều có thể xảy ra. Mình sinh ra trong khó khăn mình sẽ thế nào? Mình sinh ra trong điều kiện thuận lợi mình sẽ ra sao? Chẳng ai trong chúng ta biết trước điều đó cả.

Chỉ biết tất cả những điều đến với chúng ta, một phần do chính chúng ta tạo ra, một phần do khách quan mang lại. Chúng ta phải đối diện, không được tránh né.

Có những khó khăn trong cuộc sống khi chưa vượt qua cảm thấy kinh khủng, mình có thể chết mất, nhưng thực ra chỉ cần qua trong thời gian cực ngắn thôi.

Đôi lúc nghĩ lại hơi xấu hổ với chính mình. Nghĩ lại sao hồi đó ngu xuẩn, chuyện có thế mà vật vã như thế này. Qua rồi thấy đơn giản...

* Phải chăng, người có lòng tự trọng có xu hướng dằn vặt bản thân?

- Có những hôm bài giảng không khiến sinh viên chú ý tôi cảm thấy rất dằn vặt. Dù tôi hiểu họ cũng có một phần lỗi, nhưng đa phần tôi nghĩ mình có lỗi. Nếu bài giảng tuyệt vời hơn, thì mọi chuyện sẽ khác.

* Sự dằn vặt đôi khi sẽ làm tiêu hao năng lượng rất nhiều, làm ta mất tập trung để làm thứ khác.

- Máy tính không tắt hết chương trình phụ đi thì mất nhiều năng lượng lắm, tắt bớt đi, chạy một thứ thôi thì pin cũng lâu hơn.

Khi đang ở guồng quay này thì phải thích nghi với tốc độ đó. Đi nhanh quá, hay đi chậm quá đều bị nghiền nát.

DOP Lý Thái Dũng

* Khi dạy học, thầy Dũng có phải đẩy nhiều "xe bò bánh vuông" lên dốc?

- Đương nhiên rất nhiều. Họ tự đào thải mình thôi.

* Được biết đây là ngôi trường mà các gia đình làm điện ảnh tin tưởng gửi gắm con mình vào, tức là diện con ông cháu cha cũng rất nhiều…

- Tôi nghĩ việc đưa người thân thích vào một hệ thống nào đó là chuyện rất phổ biến ở đất nước mình. Hệ quả là năng lực cán bộ, hay năng lực sinh viên nói chung rất yếu kém.

Lóe lên đâu đó là những tấm gương học tốt, nhưng tỉ lệ vô cùng thấp.

* Thầy Dũng đã bao giờ phải đuổi một sinh viên ra khỏi lớp chưa?

- Tôi dung hòa các giải pháp: cực đoan có, dạy có, dỗ có. Bởi vì cả hệ thống như thế, ta không thể cực đoan. Phải cân bằng, tạo ra giải pháp tạm thời hợp lý, tạo ra môi trường giáo dục theo hướng dần dần tốt hơn.

Tôi chỉ nói với học trò thầy biết hôm qua em thức đêm nên giờ buồn ngủ, thôi ra ngoài rửa mặt, đi ăn sáng đi, tiết sau quay vào.

Căng thẳng không ăn thua đâu, phải dịu dàng với nó, vì điều mình nói còn ảnh hưởng tới những đứa khác.

Thỉnh thoảng thầy trò ngồi café với nhau thì dặn dò, nhớ nhé muốn làm chuyên nghiệp thì phải có phẩm chất này. Phải động viên chúng thôi. Lạnh lùng quá không được.

* Có bao giờ anh phải nói với một sinh viên "tốt nhất em không nên theo ngành này nữa"?

- Điều này thường xảy ra ở cuối năm thứ nhất học kì 1. Tôi vẫn nói hết một năm mà các em nhận thấy mình đã chọn sai nghề, muốn chuyển sang nghề khác thầy hoàn toàn ủng hộ.

Bất kì người làm phim nào trong thế hệ của tôi đều phải tự tìm hướng đi. May là thời điểm đó còn có truyền hình, sau này có hãng phim tư nhân.

DOP Lý Thái Dũng

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 12.

DOP Lý Thái Dũng trên đường đi phượt

* Có thể anh may mắn hơn bọn trẻ bây giờ vì anh được hưởng thời kì điện ảnh có nhiều người thầy giỏi, điều kiện làm việc được nhà nước hỗ trợ?

- Nói thật là chưa bao giờ tôi được hưởng một thời kì điện ảnh sung túc, tất cả đều nhỏ giọt. Chỉ có thế hệ của cha chú của chúng tôi được làm phim ở thời kì được nhà nước thực sự đầu tư và trân trọng.

Thời trước các nhà làm phim truyện và phim tài liệu được phép làm phim khi nào làm xong thì thôi. Có phim kéo dài 3 năm là chuyện thường.

Tôi tốt nghiệp năm 1986 là năm đất nước cực khó khăn, thời điểm đó điện ảnh cũng chông chênh như bây giờ thôi.

* Sau những bộ phim lại thấy anh lên đường đi phượt cùng bạn bè. Đi là nhu cầu sống còn của anh?

- Thực ra do nghề nghiệp nên mình có điều kiện đi khắp nơi, sau đó nó trở thành nhu cầu tất yếu của tôi.

Với tôi đi đâu, đi với ai và đi bằng cái gì rất quan trọng. Chuyến đi không chỉ là bề ngoài của những bức ảnh selfie, mà nó đem lại cho mỗi người trải nghiệm, giá trị rất quan trọng.

Với người đàn ông, đi là được trải nghiệm những vùng đất mới, thậm chí đến những vùng đất cũ để cảm nhận bốn mùa của nó.

Ngoài ra, phương tiện đi lại đối với tôi là thứ hội tụ tinh hoa của nhân loại. Khi bạn hiểu nó, nó sẽ trở thành bạn của bạn.

Những chuyến đi còn đòi hỏi thể lực, và sự chia sẻ với những người bạn đường.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Năm 1986, tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nhà quay phim Lý Thái Dũng về làm việc tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, sau đó là Secofilm.

Từ năm 1993 đến 5-2016, anh làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Hiện tại anh đang là quyền Trưởng khoa Điện ảnh, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 14.

Đạo diễn Lương Đình Dũng (trái) và DOP Lý Thái Dũng tại bối cảnh quay Cha cõng con

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 15.

DOP Lý Thái Dũng đi phượt

Sự cực đoan và dịu dàng của tay máy vàng Lý Thái Dũng - Ảnh 16.

DOP Lý Thái Dũng trên đỉnh Fansipan

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên