15/09/2016 10:25 GMT+7

​Sự cố thủy điện Sông Bung 2: Nước chưa cao, van đã vỡ

T.VŨ
T.VŨ

TTO - Ông Ngô Việt Hải - tổng giám đốc Công ty Phát điện 2 (EVN, chủ đầu tư dự án) - cho biết lúc xảy ra sự cố, mực nước trong hồ còn 33m nước mới đến mức nước bình thường.

Nhiều thiết bị thi công như máy ủi, máy đào, máy xúc, ôtô con nằm la liệt dưới dòng chảy - Ảnh: TẤN VŨ

​Chiều 14-9, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An đã đến thị sát hiện trường vụ bục hầm thoát nước của thủy điện Sông Bung 2. 

Các vị lãnh đạo này cho biết đây là sự cố nghiêm trọng, cần quan tâm đúng mức.

Tại cuộc họp ở ban quản lý dự án, ông Ngô Việt Hải - tổng giám đốc Công ty Phát điện 2 (EVN, chủ đầu tư dự án) - cho biết lúc xảy ra sự cố, mực nước trong hồ còn 33m nước mới đến mức nước bình thường.

Ngày 13-9, mưa trên diện rộng, lưu lượng lũ 560 m3/giây, nước tống trôi 1 cánh van chặn dòng của ống dẫn dòng, tạo dòng nước lớn. Đơn vị thi công đang chuẩn bị đổ bêtông thì sự cố xảy ra. Hầu hết mọi người đều chạy thoát, chỉ có hai công nhân vận hành máy đào bị lũ cuốn mất tích.

“Chúng tôi đã liên hệ từng xã, kiểm tra từng hộ khẩu. Còn 10/56 người của xã Chà Val (huyện Nam Giang) đi làm rừng chưa liên hệ được” - ông Hải nói. Riêng hai người mất tích, đơn vị chủ đầu tư đang yêu cầu khẩn trương tìm kiếm.

Rà soát tìm nguyên nhân

Ông Cao Quốc Hưng đánh giá đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, cả nước rất quan tâm, Thủ tướng cũng có hai công điện cho Bộ Công thương và chính quyền tỉnh Quảng Nam.

Ông Hưng đề nghị tiếp tục tìm kiếm người bị nạn, khắc phục sự cố đảm bảo an toàn cho công trình và cho người dân vùng hạ lưu. Tích cực hỗ trợ địa phương cũng như người dân liên quan đến sự cố. Sắp tới rà soát đánh giá nguyên nhân đầy đủ của vụ việc.

Về đánh giá chất lượng của công trình sau khi xảy ra sự cố, ông Hưng cho rằng trước tiên phải tìm ra nguyên nhân, từ đó mới xác định được chất lượng công trình trước khi đưa vào vận hành. Theo ông Hưng thì tiến độ dự án chắc chắn bị ảnh hưởng, không những thế còn phải đánh giá lại toàn bộ các hồ chứa khác.

Về sự lo lắng của người dân ở vùng hạ du của thủy điện trong mùa mưa lũ năm nay, ông Hưng cho biết sau khi xảy ra sự cố công trình không còn tích nước, dòng chảy hoàn toàn tự nhiên, không ảnh hưởng gì nữa.

“Tuy nhiên việc biến đổi khí hậu là không lường và không dự báo được. Cho nên chúng ta phải phòng chống bằng các phương án đã xây dựng trong thời gian qua” - ông Hưng nói.

Về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan để xảy ra vụ việc, ông Hưng nói: “Chúng ta sẽ kiên quyết xử lý bất cứ ai vi phạm”. Đối với việc đánh giá lại quy hoạch hệ thống thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, ông Hưng cho rằng hệ thống xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, “nhưng biến đổi khí hậu chưa lường hết được, khi nào phát hiện và đối mặt với những điều chưa hợp lý thì phải điều chỉnh”.

Kiểm tra toàn bộ hồ sơ kỹ thuật

Ông Ngô Việt Hải khẳng định hiện đơn vị ông đang cho một đội tiếp cận lội xuống công trường kiểm tra để biết sơ bộ về nguyên nhân. Ông Hải cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ kỹ thuật và tính ổn định của con đập để có những giải pháp tiếp theo bảo đảm con đập được an toàn.

Về việc bung mất một cánh cửa van, ông Hải cho rằng trong quy trình điều tra sự cố không có vật chứng để khám nghiệm và kiểm định nên chưa thể đánh giá được, nhưng trước khi tích nước đều có nghiệm thu đầy đủ, các bước rất đầy đủ. Từ hội đồng nghiệm thu cơ sở đến hội đồng nghiệm thu chủ đầu tư. Trước đây có hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia nhưng sau này luật sửa đổi bây giờ ủy quyền cho địa phương, tổ chức nghiệm thu đánh giá và đồng ý ký lệnh cho phép được tích nước. Đầy đủ ba bước.

Trước khi tích nước có xảy ra sự cố gì không hoặc có gì không an toàn? Trả lời câu hỏi này, ông Hải nói tất cả đều làm đúng quy trình. Trước đó đều không có sự cố nào. “Nói cho chính xác là có một sự cố nho nhỏ nhưng chúng tôi đã khắc phục được triệt để. Đó là cấn một số dị vật ở khe vai trong quá trình nước chảy. Chúng tôi đã xử lý và bảo đảm mọi thứ trơn tru”, ông Hải 

nhấn mạnh.

Nước cuốn trôi 3 ngôi nhà làng Pa oi

Làng Pa oi (xã La Ê, giáp với biên giới Lào) nằm ven sông Bung. Đây chính là ngôi làng có 3 ngôi nhà bị xóa sổ.

Đứng trước căn nhà bị nước cuốn trôi một nửa, ông A Lăng Đinh Hép - phó chủ tịch UBND xã La Ê - vẫn còn run run khi kể về trận lũ khủng khiếp.

“Quá khủng khiếp, chúng tôi không thể tin nổi dòng nước về nhanh và mạnh đến như vậy. Khi tôi đang làm việc trên xã thì nghe chủ tịch xã báo xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện phía thượng nguồn nên lên xe máy chạy ào về nhà. Trên đường đi tôi la lớn cho người dân hai bên đường rằng “vỡ đập, chạy lên núi ngay”. Nhưng khi tôi vừa về đến nhà thì con nước cũng ầm ầm đổ về, chỉ còn cách đạp vỡ cửa nhà rồi bồng đứa con 6 tuổi lao thẳng lên núi. Đúng lúc đó thì nước vừa ập đến. Chỉ trong phút chốc, nước dâng lên vài chục mét cuốn trôi mọi đồ đạc trong nhà.

Cạnh nhà ông A Lăng Đinh Hép là nhà của hai anh em ruột A Lăng Danh và A Lăng Dang cũng bị cuốn trôi hoàn toàn, không còn dấu vết gì sau trận lũ. Tất cả mọi thứ đều bị cuốn trôi hết, kể cả nền nhà cũng sạt lở hoàn toàn. A Lăng Danh nói trong nước mắt: “Hai vợ chồng tôi mới cưới nhau, làm được căn nhà 180 triệu đồng thì nay trắng tay”.

Đ.NAM - H.KHÁ

T.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên