Khỏi phải khen gì thêm nữa, khen cũng bằng thừa, có ai đi khen “phò mã tốt áo” bao giờ đâu? Nói toác toạc toàng toang ra là thế, chứ cụ Bang Bạnh làng ta đáng khen lắm. Sau khi đã rời khỏi chốn quan trường, hạ cánh an toàn không sứt mẻ đến cái lông chân, cụ vinh hoa an nhàn và hăng hái đi làm từ thiện. Hễ nơi nào nghe nói có đền chùa, miếu mạo linh thiêng là cụ đến tận nơi với mâm cao cỗ đầy, thành tâm khấn vái cho quốc thái dân an, dân giàu nước mạnh.
Ai cũng khen cụ là tấm gương sáng cho cả làng noi theo. Lúc làm quan, cụ không ăn của đút lót, ai không tin cứ hỏi lại cụ bà ắt rõ; lúc về hưu trí, cụ thường ngâm nga câu thơ Kiều nhằm bày tỏ khí tiết:
“Mùi thiền đã bén muối dưa
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi”.
Vô ưu thay. Nhẹ nhàng thay.
Ngày hôm nay, nhân thượng thọ của cụ, tại biệt thự của cụ, ai nấy cùng hòa nhịp thơ phú dào dạt tuôn ra từ những cái miệng mồm đã say chếnh choáng, say bét nhè. Từ rày cho đến lúc chui vào sơ mi gỗ, cụ hoàn toàn có quyền từng ngày tận hưởng sự vui sướng ấy. Nhưng tiếc thay, cụ vừa hay tin có một sự cố bất ngờ
Sự cố gì vậy?
Câu hỏi này bằng thừa, vì cụ có hé mồm thổ lộ ra ngoài với ai đâu. Cụ vẫn vui, vẫn nói cười. vẫn bình thản như không. Nhân lúc ai nấy đang say sưa ăn nhậu, cụ tranh thủ dắt tay Xã Xệ lẻn riêng vào thư phòng mà bốn vách là các kệ sách chứa đầy sách kim cổ Đông Tây, thế mới biết cụ đã đọc biết bao nhiêu là sách. Trí tuệ ấy thông tuệ biết dường nào. Vì lẽ đó, chỉ mới thoáng nhìn qua, Xã Xệ cảm thấy mình rất nhỏ bé, tầm thường so với người tiền nhiệm.
Sau khi chễm chệ ngồi trên bộ trường kỷ, cụ Bang Bạnh ôn tồn:
“Sự cố thế nào? Chú cứ trình bày có đầu có đũa”.
Vâng lời cụ, Xã Xệ mở mồm:
“Bẩm cụ, có sự cố là cấp trên ký quyết định thanh tra sự cố các công trình của làng ta. Em đây kinh khiếp đến vãi linh hồn. Em lo cho cụ”.
Lạ thật, cụ vẫn tỉnh bơ như không: “Rồi sao nữa?”.
“Bẩm cụ, một là, không khéo phen này chết chùm cả đám. chùm cả đám. Hai là, thiên hạ bảo rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, xin ý kiến của cụ, em đây thực hiện theo phương châm:
Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì
Hễ có phong bì thì sẽ thanh kiu được không ạ? Ba là…”.
Không chờ nghe hết câu, cụ gắt:
“Chuyện nhỏ như con thỏ. Chưa gì, chú đã quýnh quáng, mặt xanh như đít nhái thì làm sao hưởng được sự vinh hoa ở đời? Thế này nhá”.
Vốn có tinh thần hiếu học, gương mẫu trong công tác nên dù đang chếnh choáng say nhưng Xã Xệ vẫn không quên mở cuốn sổ tay ra ghi chép cẩn trọng từng lời vàng ngọc:
“Này nhá, một là:
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức muôn phần vinh hoa”.
Hai là, trận bão lụt xảy ra ở làng ta ấy là, là gì nhỉ? Ừ, là sự vinh hoa, chứ còn gì nữa?”.
Nghe câu nói kỳ quặc ấy, kinh ngạc quá, Xã Xệ ngắc ngứ:
“Bẩm cụ, xin cụ cứ bổ đầu nhét chữ để em thông hiểu vì sao lại vinh hoa?”.
Cụ Bạnh rành rọt: “Trận bão banh chành, nhà nhà tan hoang, đê điều toang hoác, thủy điện sụm bà chè... mới vừa xảy ra là cơ hội tốt đấy. Một chứ mười đoàn thanh tra cũng bó tay thôi. Còn quái gì nữa để kiểm tra? Kiểm tra là kiểm tra thế nào? Thách đấy”.
Ngừng giây lát, cụ Bạnh nói tiếp:
“Trên đời này, chẳng có cái gì gọi là sự cố. Sự cố xảy ra ở làng ta, cứ đổ vấy cho ông trời. Ông trời gây ra sự cố thiên tai, lũ lụt thì ông trời phải chịu trách nhiệm sự cố ấy. Hiểu không nào?”.
Xã Xệ gật gù:
“Bẩm cụ, hiểu ạ. Thế cụ còn dạy gì nữa không ạ?”.
Cụ Bạnh nói khẽ:
“Một là, sự cố lũ lụt vừa rồi cứ khai vống lên. Có ít xít cho nhiều. Càng nhiều càng tốt. Sự cố này mới là sự vinh hoa. Hiểu không nào? Hai là, thôi ta ra ngoài đi, vắng mặt nãy giờ cũng khá lâu rồi”.
Vui vì sự cố thanh tra đã có cách giải quyết êm đẹp, chắc chắn êm đẹp, trước bá quăn võ, Xã Xệ cao hứng dâng câu đối mừng cụ Bang Bạnh:
“Lúc lên voi, chức Bang tá, mưa thuận gió hòa, thanh liêm lại tử tế, bốn bể vang lừng danh lẫn tiếng;
Khi xuống chó, phó thường dân, thiên tai lũ lụt, hưu trí cũng vinh hoa, ba miền ngưỡng mộ đức cùng tâm”.
Ai nấy đều khen hay. Vỗ tay rần rần. Câu đối trứ danh này, về sau, cụ Bang Bạng cho khắc chữ nạm vàng treo chình ình trong nhà thờ tộc của cụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận