01/01/2015 11:00 GMT+7

Sự cố hợp long

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Trong gian khó, các kỹ sư còn là những cây sáng kiến giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ Phú Ninh.

Ông Tạ Huy, nguyên phó ban tổng B Phú Ninh, kể lại sự cố Phú Ninh - Ảnh: Đoàn Cường
Ông Tạ Huy, nguyên phó ban tổng B Phú Ninh, kể lại sự cố Phú Ninh - Ảnh: Đoàn Cường

“Cỗ xe” Phú Ninh đang vào giai đoạn tăng tốc thì xảy ra sự cố khiến cả công trường rúng động. Các kỹ sư trên công trường phải nhanh chóng truy tìm nguyên nhân và xử lý sự cố. Trong gian khó, các kỹ sư còn là những cây sáng kiến giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ Phú Ninh.

Đập bị rò rỉ

Tháng 3-1979, đập chính hồ Phú Ninh được hợp long trong niềm vui khôn tả của hàng ngàn con người trên công trường. Tuy nhiên, ngày hợp long đập chính này đã xảy ra sự cố.

Ông Tạ Huy - phó ban tổng B Phú Ninh, phó ban kiến thiết giám sát việc thi công, phụ trách toàn bộ hệ thống kênh - nhớ lại: “Khi hợp long đập chính thì phát hiện những dòng nước rỉ qua đập, cả tỉnh “đau tim” với hiện tượng này”.

Ông Nguyễn Văn Bá khi ấy ruột gan rối bời, như ngồi trên đống lửa. Ông Bá tiếp lời: “Lúc này tình hình vô cùng gay cấn. Dân lo ngại, không yên lòng, đập mới đắp mà đã có vấn đề là sao. Nhiều ý kiến nghi ngại nếu lỡ khi tích nước mà vỡ đập, hàng trăm triệu mét khối nước sẽ xóa sổ thị xã Tam Kỳ và các huyện hạ du”.

Cái tin nước rò rỉ qua đập chính lan nhanh ra công trường khiến mọi người nghi ngại, lo lắng. Cũng lúc này, các phần tử xấu tung tin nhằm phá hoại đại công trình này.

“Họ tuyên truyền rằng đập đắp không thành công đâu, đừng có ảo tưởng. Không thể tích nước, thậm chí họ còn dựng chuyện bỏ mấy quả bưởi từ trên thác Mui chảy xuống, cho người ra cuối sông Tam Kỳ hứng được quả bưởi này, bưởi theo nước xuyên qua mạch ngầm” - ông Bá hồi tưởng.

Những luận điệu giật gân này khiến đại công trình Phú Ninh càng xao động hơn, nóng hơn.

Để tăng tính “giật gân”, các đối tượng phá hoại còn tung tin ở lòng hồ Phú Ninh có khoáng nóng, con gà rớt vô là lột da khỏi cần nhổ lông. Điều đó chứng tỏ dưới lòng đất trống không, đắp đập tích nước cũng sẽ sụp xuống lòng đất.

Tỉnh Quảng Nam và Bộ Thủy lợi lập tức vào cuộc. Trước tình thế căng như dây đàn, Bộ Thủy lợi cử các kỹ sư xuống “ăn nằm” ngay dưới chân đập để truy tìm thủ phạm. “Kiểm tra lại toàn bộ đập chính không có vấn đề gì. Các kỹ sư dò tìm theo những khe đá phát hiện nước ngấm theo kẽ của các vách đá ở mang đập chứ không phải do việc thi công thân đập” - ông Tạ Huy chia sẻ.

Nhắc đến sự cố này, ông Lê Trí Tập vẫn nhớ rất rõ: “Lượng nước rò rỉ qua đập ước tính khoảng 80 lít mỗi ngày. Các kỹ sư bàn bạc với nhau và thống nhất để khắc phục sự cố này, tiến hành cào hết đất, sạn ở khe.

Sau đó, ở hai bên mang đập chính đổ một lớp cát mịn dày khoảng 15cm, tiếp đó là một lớp cát to, tầng thứ ba là sỏi và cuối cùng là đá, dạng hình thang. Từ đó hình thành nên các đuôi lọc nước ở hai bên mang đập, lượng nước rò rỉ chảy qua các màng lọc này thì bùn đất sẽ mắc lại và tạo thành tấm lưới đan.

Còn một lượng nước nhỏ sau khi lọc sẽ đưa vào đường ống để chảy về hạ lưu”. Để đảm bảo hơn, các kỹ sư còn làm thêm một tầng phủ lên mang đập. Sau một tháng bám trụ ở chân đập, sự cố được xử lý xong.

Theo ông Phạm Đức Nam, biện pháp khắc phục này đã giúp tiết kiệm cho công trình hàng chục triệu đồng lúc ấy và tiến độ thi công không bị kéo dài thêm ba năm nữa.

Đập chính công trình thủy nông Phú Ninh, nơi xảy ra sự cố hợp long chặn dòng - Ảnh: Đoàn Cường
Đập chính công trình thủy nông Phú Ninh, nơi xảy ra sự cố hợp long chặn dòng - Ảnh: Đoàn Cường

Cái khó ló cái khôn

Kỹ sư Tạ Huy, khi đó cầm trong tay bản đồ tỉ lệ lớn 1/25.000 về hệ thống kênh, đã quyết định đi thực tế, gặp các địa phương để nghe ý kiến thiết kế kênh chính và hệ thống kênh nhánh.

Sau khi đi thực địa, ông Huy nhận thấy các địa phương có kênh đi qua đều có đánh giá việc thiết kế chưa hợp lý vì kênh chính đi vào chỗ trũng, thấp và phải đắp nhiều.

“Chúng tôi quyết định thiết kế kênh chính mới, bỏ xiphông qua sông Ly Ly và dùng cầu máng ngay phía dưới cầu đường sắt.

Toàn tuyến đi vào phần nửa đào, nửa đắp. Với sáng kiến kỹ thuật này, rút ngắn kênh chính xuống còn 40km, ngắn hơn 8km so với thiết kế ban đầu; nâng mực nước cuối kênh lên gần 3m, tưới thêm cho gần 1.000ha, giảm chi phí 4% so với dự toán ban đầu”, ông Huy nói.

Lật giở cuốn sách về lịch sử ngành thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Lê Trí Tập tâm sự: “Nhiều người giờ đây uống nước khoáng Phú Ninh nhưng chắc chắn không biết vì sao nguồn nước đó còn đến nay mà không phải bị chìm xuống lòng hồ Phú Ninh”.

Ông Tập nhớ lại khi Bộ Y tế đề nghị phải dừng dự án Phú Ninh để bảo vệ nguồn nước khoáng rất quý hiếm này, phó chủ tịch tỉnh Phạm Đức Nam phản đối: “Không biết bao giờ uống được nước nớ mà sống bằng việc sản xuất lúa ra ăn ngay bây giờ. Cho nên thôi, tạm thời không uống nước khoáng cho bổ, to khỏe mà trồng lúa ăn, sống cái đã”.

Nói là vậy nhưng các kỹ sư vẫn được lãnh đạo tỉnh bật đèn xanh âm thầm tìm kế sách giữ lại nguồn nước khoáng.

Ông Tập tiếp lời: “Các kỹ sư phải suy nghĩ tìm ra phương án giữ nguồn nước khoáng này. Chúng tôi quyết định dọn sạch mặt bằng, đổ bêtông như trải thảm 300-400m2 trên mỏ nước khoáng. Sau đó chừa một lỗ lấy ống gang vì lúc đó không có ống inox để dẫn nước khoáng ra. Khi nước ngập tới đâu thì làm ống dẫn nối vào lỗ gang tới đó. Nhờ đó mà duy trì được nguồn nước khoáng tới giờ”.

Ông Nguyễn Quang Tưởng - nguyên trưởng ban kiến thiết Phú Ninh - trong hồi ức của mình vẫn nhớ Bầu Bàng (phía đông xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) là nguyên nhân khiến người dân nơi đây mỗi năm chỉ cấy được một vụ bấp bênh, còn một vụ thì ngập úng.

Điều trớ trêu là khi có công trình Phú Ninh thì nơi đây không cấy được vụ nào, vì Bầu Bàng là vùng trũng, ngập nước quanh năm. Trong lúc người dân khắp nơi mừng vui như trẩy hội vì có nước hồ Phú Ninh về, đời sống cải thiện thì dân quanh Bầu Bàng lại khó khăn hơn.

Xí nghiệp thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng được giao nhiệm vụ phải tìm ra phương án tiêu úng cho vùng này.

Tuy nhiên, đi đôi với việc tiêu úng ở Bầu Bàng thì làm sao tận dụng nguồn nước này tưới cho vùng thấp phía đông Thăng Bình là Bình Sa, Bình Triều - nơi không có công trình thủy lợi nào vươn tới được. Nhưng làm sao xây dựng được mái kênh trong vùng cát trắng dài gần 3km này, trong khi ximăng, bêtông không đủ, vốn cũng không có.

Chỉ làm 3km kênh nhưng đích thân ông Tưởng và giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng Nguyễn Khắc Huyền phải làm việc với thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Khắc Mẫn. Thứ trưởng đặt vấn đề: “Các anh bảo vệ mái kênh cát bằng biện pháp gì trong khi không có đá, bêtông?”.

Ông Tưởng và ông Huyền trả lời: “Đáng lý phải dùng đá lát hoặc lát bêtông nhưng dân chẳng có vốn đâu. Trong khi chính người dân vùng cát đã nghĩ ra việc trồng sả quanh bờ các đám khoai lang rất cao để tránh sạt lở. Vì thế chúng tôi sẽ trồng sả để bảo vệ”.

“Còn tiêu năng bằng cách nào? Xin duyệt hay thế nào?” - thứ trưởng đặt vấn đề. Ông Tưởng và ông Huyền trả lời: “Tiêu năng bằng máng phun vì địa thế ở đây chỉ hợp với biện pháp này, còn kinh phí do địa phương”.

Công trình được đưa vào hoạt động vừa tiêu nước cho Bầu Bàng giúp dân sản xuất 2 vụ/năm, người dân ở các xã vùng đông Thăng Bình cũng có nước tưới.

______

Kỳ tới: Mùa vàng

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên