Sự cố xảy ra với bác sĩ đang “trôi nổi” trong một lớp “sương mù thông tin” từ nhiều nguồn tin khác nhau, trong đó có những đào bới quá khứ “tiền sự, tiền án” của người bác sĩ này như là một sắp sẵn cho một vụ kiện sắp được mở.
Có ý kiến trên tờ Huffington Post cho rằng vụ đào bới quá khứ này là một tuyến phòng thủ thứ nhì của Hãng hàng không United, tiếp sau tuyến phòng thủ thứ nhất là gọi nhân viên an ninh hàng không lên “xử lý” hành khách không “tự nguyện” dời chuyến bay kia và “chống đối”.
Dẫu sao, lớp “sương mù thông tin” đó vẫn không thể che khuất thực tế trần trụi của clip đang được xem trên YouTube mà CNN 12-4, qua bài của Jeff Yang - một cây bút xã luận của tờ Wall Street Journal, đã chạy tít cảnh báo: “Ác mộng của bác sĩ David Dao có thể là của quý vị”.
Tác giả nhận xét “việc lôi xềnh xệch ông David Dao ra khỏi chuyến bay của Hãng United không phải là một trường hợp cá biệt, mà là một chuyện thường - tình - mới - mẻ”.
Muốn hay không muốn, vụ việc này cũng đã trở thành một sự kiện thời sự lớn. Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 11-4, có nhà báo đã nêu câu hỏi liệu Chính phủ Mỹ sẽ điều tra Hãng United và cả ngành hàng không do liên quan đến việc đối xử hành khách.
Một sự đặt vấn đề cần thiết trong sứ mệnh giám sát của báo chí.
Câu trả lời của người phát ngôn Nhà Trắng Spicer có vẻ như thành thật: “Tôi nghĩ rằng rõ ràng cơ quan thực thi pháp luật đang xem xét lại tình hình. Và tôi biết rằng Hãng United Airlines đã loan báo rằng họ cũng đang xem xét lại các chính sách của họ”.
Mặc cho người phát ngôn Spicer có muốn hạn chế vụ này trong giới hạn của một sự cố địa phương chứ không phải là một vụ việc liên quan đến chính quyền liên bang, một nhà báo khác hỏi: “Thế tổng thống có xem clip đó không? Và phản ứng của ông ấy như thế nào?”.
Người phát ngôn Spicer cố đưa ra một câu trả lời gián tiếp: “Tôi nghĩ rằng bất cứ ai coi đoạn video đó cũng bức xúc, khi mà một con người lại bị đối xử như vậy”.
Nội vụ gây xôn xao do lẽ đây là một “tiếp xúc” như thế đầu tiên với xã hội Mỹ, đặc biệt trong thời đại của YouTube.
Điều mà CNN cho là một sự “thường - tình - mới - mẻ” trong ý nghĩa những chuyện nhân viên an ninh, trong trường hợp này là an ninh vận tải (TSA) ở sân bay, có thể sẽ còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như vậy thật ra không phải là mới.
Tháng 8-1993, tại Hội nghị nạn nhân chiến tranh của Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ ở Geneva, một nhà báo không xa lạ ở một nước Đông Nam Á đã nêu vấn đề các đơn vị thực thi pháp luật cần chú trọng đến việc giáo dục đội ngũ nhân viên của mình sao cho bớt bạo lực...
Thành ra trong cái rủi kia cũng có một “triết lý”: ngày nay, nhất cử nhất động đều có thể bị/được giám sát trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận