Đáng chú ý là sự bứt phá của Saigon Co.op với việc phát triển thành công thêm hơn 160 điểm bán mới trong năm 2018.
Hơn 90% hàng hóa là của các doanh nghiệp, làng nghề, hộ kinh doanh… nội địa - Ảnh: Quang Định
Bên cạnh việc duy trì tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình ở mức cao hơn 90%, nhà bán lẻ này còn đưa công nghệ vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tăng sức lan tỏa, thu hút khách hàng.
Đi lên từ nền tảng hàng Việt
Bà Lưu Mai Thi, ngụ Q.6, TP.HCM, cho biết vẫn hay mua được ở siêu thị Co.opmart các sản phẩm như từ dầu gội bồ kết đến cải chua muối hay các loại rau củ… "Người nhà tôi rất ngạc nhiên, họ tưởng cứ phải ra chợ mới mua được nhiều món hàng "rất quê" đó. Tôi đi siêu thị gần như mỗi ngày vì cảm giác gần gũi, tiện lợi trong không gian sạch sẽ ", bà Thi nói.
Hơn 90% hàng hóa được bày bán trong các chuỗi siêu thị của Saigon Co.op là hàng của các doanh nghiệp, làng nghề, hộ kinh doanh… nội địa. Điều này đã góp phần tạo dấu ấn riêng của hệ thống bán lẻ này trong tâm trí, thói quen tiêu dùng của không ít bà nội trợ: đó là sự gần gũi, quen thuộc với các sản phẩm hàng hóa, thương hiệu những tưởng chỉ được tìm thấy trong các chợ truyền thống, hay tiệm tạp hóa nào đó.
Thực tế, tìm hiểu mới thấy không chỉ dành nhiều ưu tiên cho hàng Việt cũng như các nhà cung cấp trong nước có quy mô nhỏ và vừa, hệ thống bán lẻ Việt này đã và đang dìu dắt, tạo điều kiện cho các cơ sở, làng nghề tham gia thị trường bán lẻ hiện đại thông qua việc hoàn thiện các khâu sản xuất, kinh doanh để đưa hàng vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op.
"Chúng tôi gắn kết hỗ trợ cho sản xuất trong nước, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt thông qua chính sách ưu tiên hàng Việt", ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết.
Nhiều năm qua, Saigon Co.op đã chứng tỏ được vai trò "điểm hẹn cho hàng Việt" khi đều đặn tổ chức các hoạt động hỗ trợ hàng Việt qua các năm như Tổ chức tháng khuyến mãi lớn "Tự hào hàng Việt" dành riêng cho hàng Việt; Quảng bá hàng Việt trên app, mạng xã hội và công cụ số hay hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng Việt.
Đặc biệt, hệ thống đã xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Singapore trong gần 5 năm liên tục với tổng giá trị gần 20 triệu USD.
Xây dựng thương hiệu Việt năng động
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã có được tầm ảnh hưởng nhất định trong lòng người tiêu dùng là một giá trị rất lớn. Thành phố kỳ vọng sẽ có thêm những nhóm hàng có quy mô nhỏ lẻ của các doanh nghiệp Việt có vốn dưới 5 tỉ đồng, đáp ứng đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn vào chuỗi. Việc này vừa thiết thực giải quyết đầu ra, cũng như khi chấp hành tốt các tiêu chuẩn này sẽ giúp nâng giá trị cao hơn cho hàng Việt.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, ưu tiên hàng Việt vẫn là tiêu chí hàng đầu của hệ thống. Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của mình ở mức cao hơn 90%, đơn vị sẽ chủ động áp dụng thêm công nghệ để việc tuyên truyền quảng bá được hiệu quả và lan tỏa rộng đến người tiêu dùng cả nước và ngay cả bên trong đội ngũ nội bộ.
Trong đó, 5 nhóm giải pháp chính mà Saigon Co.op tập trung để triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", gồm thông tin tuyên truyền vận động, kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam.
Saigon Co.op cũng cho biết, sắp tới sẽ triển khai thêm hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt, điển hình là chính sách thanh toán ưu tiên cho nhà sản xuất trong nước, hỗ trợ chi phí trưng bày hàng hóa, tăng thời gian bán thử nghiệm, ưu tiên bao tiêu cho các hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn, xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho các mặt hàng rau củ quả.
Hỗ trợ cùng nhau cất cánh
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay của thị trường bán lẻ, đại diện Saigon Co.op cho rằng nếu có sự hỗ trợ công tác phát triển mạng lưới thì độ phủ của hàng Việt sẽ có cơ hội mở rộng hơn.
Với chuỗi sự kiện chào mừng 30 năm thành lập sắp tới, Saigon Co.op cũng sẽ tổ chức các hoạt động đặc biệt ghi dấu chặng đường hơn 10 năm liên tục gắn bó với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời là đơn vị đồng hành tin cậy của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ nông dân và người tiêu dùng cả nước.
Việt Nam đang trong giai đoạn tốt của ngành bán lẻ, dự đoán đà tăng trưởng sẽ còn tiếp tục và đạt nhiều thịnh vượng hơn. Vấn đề là nhà bán lẻ làm sao cạnh tranh và đi nhanh hơn đối thủ. Doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, làm chủ kênh mua sắm mạng.
Ngày hội Hợp tác xã Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, mô hình hợp tác xã đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các nước trên thế giới với những ưu điểm đặc trưng rất riêng.
Tại Mỹ, vẫn còn tồn tại mô hình hợp tác xã dù phát triển nhiều hình thức bán lẻ hiện đại. Với Saigon Co.op, quá trình phát triển để có thành tựu ngày hôm nay là một chặng đường mang nhiều dấu ấn.
Khởi nghiệp từ năm 1989, sau đại hội Đảng lần thứ VI, UBND TP.HCM có chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý HTX Mua Bán Thành phố trở thành Liên hiệp HTX Mua bán TP.HCM- Saigon Co.op với 2 chức năng trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX.
Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Từ năm 1992 - 1997, Saigon Co.op đã liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài để gia tăng thêm nguồn lực cho hướng phát triển của mình.
Là một trong số ít đơn vị có giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp của thành phố, hoạt động này phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần xác lập uy tín, vị thế của Saigon Co.op trên thị trường trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận