20/03/2017 11:05 GMT+7

Bảo kê của thế lực ngầm làm xói mòn niềm tin của dân

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - Sự bảo kê giữa các thế lực ngầm không chỉ bóp méo chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự công minh của chính quyền.

GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.Dũng
GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.Dũng

“Ít ai dám đương đầu khi các thế lực đã kết thành một mối sẽ có sức mạnh rất ghê gớm. Ngay những người được Nhà nước giao trách nhiệm và biết rõ những việc ấy còn ngại nói ra thì người dân nào dám nói?

Xung quanh câu chuyện các thế lực ngầm, hiện tượng bảo kê... đang diễn ra nhức nhối, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. GS Thuyết nói:

- Sự bảo kê giữa các thế lực ngầm không chỉ bóp méo chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào sự công minh của chính quyền.

Người dân sẽ thấy mọi chuyện đều có thể có các thế lực đen đằng sau chi phối và không còn tin vào công lý nữa.

* Trước đây dư luận lên tiếng về hiện tượng xe quá tải ngang nhiên chạy trên đường vì có dán logo bảo kê. Rồi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định có một số các quán bán bia vỉa hè.

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phải kêu cứu Thủ tướng vì có tin nhắn đe dọa liên quan đến vụ việc cát tặc lộng hành... Ông bình luận gì về các sự việc này?

- Tôi rất hoan nghênh ý kiến thẳng thắn của ông Nguyễn Đức Chung (chủ tịch Hà Nội) và ông Nguyễn Tử Quỳnh (chủ tịch Bắc Ninh) về hiện tượng bảo kê của những bộ phận nhất định trong các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật đối với những hoạt động vi phạm pháp luật.

Câu chuyện bảo kê chắc hẳn nhiều người biết. Phần lớn người dân cũng có thể đoán được bởi lẽ gì mà những hiện tượng vi phạm pháp luật lại cứ diễn ra một cách công khai, không thể dẹp được.

Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên những người có chức vụ cao trong chính quyền địa phương đã nói lên sự thật ấy.

Điều này giúp cho những người quan sát thời cuộc, người dân khẳng định được những suy đoán của mình và thấy rõ sự phức tạp phía sau công việc lập lại trật tự.

Lấy ví dụ đơn giản nhất là hiện tượng các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm hết đường giao thông, vỉa hè mà bao lâu nay chưa dẹp được.

Người dân còn nói rằng không bao giờ dẹp được vì đây là nguồn thu của phường.

Chưa biết nguồn thu ấy đi về đâu nhưng chắc hẳn đây phải là lợi ích rất thiết thực với chính quyền cấp phường ở nhiều đô thị nên họ mới chấp nhận để tràn lan chợ cóc, chợ tạm như vậy.

Việc bảo kê ở các chợ tạm, quán bia vỉa hè hoặc bảo kê khai thác cát trên sông, đe dọa chính quyền địa phương... vẫn chỉ là những chuyện nhỏ so với những chuyện bảo kê khác.

Nói một cách thẳng thắn, bây giờ người dân thấy ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có bảo kê. Tại sao có những ngôi nhà xây vượt đến gần 20m chiều cao lại được mọc lên sừng sững cách trung tâm chính trị Ba Đình chỉ vài trăm mét?

Tại sao các nhà chuyên môn, dư luận nhân dân và cả chính quyền khẳng định việc xây dựng các tòa nhà cao ốc trong nội ô là một sai lầm, làm tắc nghẽn giao thông và kéo theo nhiều vấn nạn chồng chất khác mà thành phố phải gánh chịu, nhưng những dự án xây dựng hàng loạt tòa nhà mấy chục tầng trong nội ô Hà Nội vẫn được duyệt?

Hay chuyện tranh phần các dự án, chuyện lộng hành của cán bộ trong nhiều lĩnh vực, những vụ bổ nhiệm vượt cấp với tốc độ chóng mặt... đều phải có những người đứng sau bảo kê mới có thể làm được.

Có thể những người làm trái được bảo kê vì họ đã “làm luật” với những người cầm nắm pháp luật trong tay.

Cũng có thể người làm trái pháp luật chỉ là đại diện của một thế lực nào đó có quyền nhưng không tiện ra mặt. Có cả trường hợp những người có tiền thao túng những người có quyền để làm trái pháp luật.

Đây không chỉ là những điều tôi suy đoán mà cách đây bốn năm, một đề tài nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng chỉ ra những vấn nạn này. Phải nhận rõ được vấn nạn này và phân tích được nguyên nhân thì mới có thể tìm được giải pháp khắc phục.

* Tại sao những điều bất thường như vậy lại trở nên bình thường và nhiều người chấp nhận sống chung với nó?

- Quay trở lại việc ông Nguyễn Đức Chung nói về nạn bảo kê của công an với các quán bia vỉa hè, hãy thử đặt câu hỏi nếu ông Chung không xuất thân là giám đốc Công an TP Hà Nội thì một ông chủ tịch thành phố có dám nói ra điều ấy hay không? Nói ra việc này không dễ chút nào.

Đây cũng là nguyên nhân chung mà nhiều người được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm soát, giám sát không dám lên tiếng.

Còn về phía người dân lại rất khó tìm bằng chứng về nạn bảo kê. Nếu có tìm được thì họ cũng rất sợ bị phiền toái khi cung cấp những thông tin như vậy nên đã chọn con đường im lặng. Ít ai dám đương đầu khi các thế lực đã kết thành một mối sẽ có sức mạnh rất ghê gớm.

Ngay những người được Nhà nước giao trách nhiệm và biết rõ những việc ấy còn ngại nói ra thì người dân nào dám nói?

* Nếu hiện tượng này tiếp tục diễn ra thì sẽ để lại hệ lụy như thế nào?

- Trước tiên, nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước cũng như từng địa phương.

Như tòa nhà xây vượt tầng ở 8B Lê Trực ở Hà Nội không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan, quy hoạch mà với các trang thiết bị hiện đại, nó còn là mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với các cơ quan đầu não.

Nhưng nó vẫn tồn tại đến mấy tháng sau khi bị báo chí phát hiện và chỉ bị “cắt ngọn” khi có chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng.

Một tình trạng khác dễ nhìn thấy nhất là hiện nay có nhiều cơ quan, doanh nghiệp chuyển ra ngoài nội ô, nhưng đất để lại không được dùng để xây trường học, bệnh viện... để giải quyết tình trạng quá tải mà lại được dùng để xây thêm nhiều nhà cao tầng mới.

Thậm chí có địa phương còn cho công ty nước ngoài trấn ngay tại vị trí trọng yếu là chân đèo Hải Vân. Nếu việc ấy được thông qua thì không biết sẽ nguy hại như thế nào đến an ninh, quốc phòng của đất nước.

Từ những ví dụ cụ thể nói trên, có thể thấy rõ sự móc ngoặc ngầm giữa nhiều thế lực làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước ra sao.

* Làm sao để giải quyết tận gốc vấn nạn bảo kê ở nước ta, thưa ông?

- Muốn trị tận gốc vấn nạn bảo kê, o bế thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Chúng ta cần tham khảo mô hình kiểm soát quyền lực của các nước, chứ không nên khước từ kinh nghiệm quốc tế.

Vấn đề ở đây là các cấp cao nhất cần vạch ra được cơ chế kiểm soát quyền lực và mạnh dạn trao quyền thực sự ấy cho các tổ chức và người dân.

Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh. Khi nào vẫn có tình trạng rằng cần có chỗ này hay chỗ khác được “du di” thì vẫn chưa giải quyết được vấn nạn bảo kê, làm trái pháp luật.

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên