Không gian làm việc của TINYpulse tại VN, một startup Mỹ đang đầu tư bộ phận phát triển sản phẩm tại VN - Ảnh: NHƯ BÌNH |
Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá việc duy trì hai văn phòng Mỹ - VN có tăng hiệu quả thành công của startup Mỹ hay không, nhưng sự lựa chọn này cho thấy tiếng tăm của VN trong cộng đồng khởi nghiệp quốc tế đang tăng nhanh.
Thời gian trước, các startup đã đến Philippines, Ấn Độ và bây giờ là cơ hội của VN. VN đang tạo dựng được danh tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp quốc tế với nguồn nhân lực tài năng |
Peter So (cựu giám đốc hành chính - văn phòng TINYpulse) |
Những chuyến đi về
Văn phòng Saleshood, một startup cung cấp giải pháp giúp các công ty đẩy nhanh năng suất bán hàng, nằm ở tòa nhà 170 Columbus Avenue, TP San Francisco đông đúc người qua lại.
Trong văn phòng tối giản còn vương mùi đồ dùng mới, những chiếc bàn lắp ráp dang dở, các nhân viên đang làm việc tập trung.
Saleshood vừa thông báo kết thúc vòng gọi vốn Series A để hoàn thiện sản phẩm và mở rộng tầm nhìn chiến lược. Chi nhánh khác của Saleshood đặt tại TP.HCM, nơi phát triển các sản phẩm.
H. - kỹ sư người Việt làm việc tại Saleshood VN - vừa được công ty cử qua văn phòng ở Mỹ từ tháng 1-2017 nhằm phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp này. Hằng ngày H. vẫn kết nối, làm việc với đầu cầu VN thông qua các cuộc họp trực tuyến.
“Mới qua hơn ba tháng còn nhiều bỡ ngỡ nhưng làm việc cho startup nghĩa là mình góp phần hình thành một doanh nghiệp còn trong trứng nước, mình phải chủ động đề xuất ý kiến và tập trung đưa ra giải pháp cho sản phẩm” - H. nói.
Công ty của H. cũng vừa đón thêm vài kỹ sư VN sang công tác, cập nhật quy trình, tiến độ của sản phẩm.
Chúng tôi cũng gặp Võ Nguyên Thiên Ấn - kỹ sư phần mềm làm việc cho TINYpulse, một startup Mỹ cũng có chi nhánh tại TP.HCM. Ấn đang trong chuyến công tác kéo dài hai tuần ở Mỹ, làm việc với các thành viên ở trụ sở chính tại TP Seattle.
Một phần công việc của chuyến công tác là cập nhật các kỹ thuật, thông tin cho đội ngũ bán hàng và marketing ở Mỹ.
Những chuyến đi về của các kỹ sư VN ngày càng tăng khi mà xu hướng startup Mỹ chuyển văn phòng về VN ngày càng nhiều.
Những công ty khởi nghiệp Mỹ đặt bộ phận nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại VN, tận dụng nguồn nhân lực ở VN như TINYpulse hay Saleshood ngày càng phổ biến trong cộng đồng startup.
Nguyễn Anh Tuấn, một kỹ sư người Việt, cho biết chi phí để thuê một lao động VN bao gồm khoản hằng tháng bay về văn phòng ở Mỹ vẫn thấp hơn chi trả cho lao động quốc tịch Mỹ tại xứ này.
Xu hướng này phát triển mạnh thời gian gần đây, nhất là sau thành công của Misfit, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất thiết bị đeo thông minh.
Năm 2015 Misfit đã được Fossil Group mua lại trong một thương vụ được công bố trị giá 260 triệu USD. Misfit đã từng đặt bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) tại TP.HCM với khoảng 200 kỹ sư.
Thổi làn gió mới
Ngay giữa trung tâm Q.1, nằm trên tầng 18 của một cao ốc hiện đại, văn phòng TINYpulse nổi bật, khác biệt với những văn phòng cùng tòa nhà.
Sắc màu rực rỡ, không gian mở và thỉnh thoảng một nhân viên trẻ nào đó xuất hiện trong chiếc quần short, áo thun, một cách thoải mái là ấn tượng của chúng tôi khi mới đến. Cứ như bạn đang ở một CLB giải trí nào đó chứ không phải văn phòng làm việc.
Đại diện TINYpulse nói văn phòng này được thành lập vào năm 2014, hai năm sau khi ý tưởng của nhà sáng lập hình thành và một năm sau khi văn phòng chính được mở ở Mỹ.
Cho đến nay, sau hai vòng gọi vốn TINYpulse đã quyên được 9,5 triệu USD và đang trong quá trình phát triển khả quan nhờ mạng lưới khách hàng doanh nghiệp tăng nhanh chóng.
TINYpulse là sản phẩm nhằm giúp các doanh nghiệp có thể điều hành công ty một cách minh bạch, hiệu quả, giúp xây dựng văn hóa công ty.
Câu hỏi mà nhiều người dành cho TINYpulse là tại sao đặt chi nhánh ở VN? Liệu ở VN việc kêu gọi vốn có dễ dàng hơn, có khó khăn gì? “CEO chúng tôi hiểu rằng tài năng ở VN rất tốt và phù hợp với việc xây dựng sản phẩm này” - Peter nói.
Người sáng lập TINYpulse từng có quan hệ làm việc ở VN trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Ông nhìn thấy năng lực của các kỹ sư ở đây, và đó là mối lương duyên để khởi đầu một văn phòng ở VN.
Các doanh nghiệp startup thường có cách tuyển dụng riêng và đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn thu hút người tài.
Tuy vậy, đa số tâm lý của những nhân sự có năng lực lại muốn phát triển tại những doanh nghiệp lớn chứ ít khi muốn chịu rủi ro cùng startup.
Cũng theo Peter So, VN đang là điểm đến của các startup quốc tế. Chẳng hạn gần đây, Wareline, một startup Mexico trong lĩnh vực công nghệ, cũng đang rục rịch chuyển văn phòng đến VN. Một vài startup của Slovania, Bulgaria... đã mở văn phòng tại VN.
“Đây là quá trình tất yếu của sự phát triển. Thời gian trước, các startup đã đến Philippines, Ấn Độ và bây giờ là cơ hội của VN. VN đang tạo dựng được danh tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp quốc tế với nguồn nhân lực tài năng. Rõ ràng là còn rất nhiều cơ hội tại đây” - Peter nói thêm.
Các kỹ sư VN đang làm việc cho startup Saleshood tại chi nhánh VN - Ảnh: ĐỨC VŨ |
Vượt qua thách thức
Bà Lê Diệp Kiều Trang, tổng giám đốc Công ty Fossil Việt Nam, cho rằng sẽ có nhiều thách thức và nhà sáng lập phải nhìn thấy được những khác biệt để dung hòa, tránh nguy cơ thất bại khi chọn mô hình hai văn phòng Việt - Mỹ.
Chẳng hạn như kỹ năng quản lý từ xa, họ cần hiểu tâm lý và khả năng của lao động VN. Họ cần những người có thể xây dựng được văn hóa startup nơi mà văn hóa Mỹ và VN gặp nhau.
Trong khi đó, nhân lực Việt vẫn còn điểm yếu về kỹ năng tiếng Anh, khả năng đón xu hướng mới và suy nghĩ khác biệt có đột phá.
Nhân viên VN thường có tâm lý không dám chất vấn cấp trên và ít dám bày tỏ chính kiến của mình. Đây là điều mà giới startup Mỹ rất tránh.
“Ngoài ra, thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và luật pháp thiếu rõ ràng của VN khiến không ít startup ngoại phải đắn đo” - giám đốc điều hành một startup Mỹ ở TP.HCM góp ý thêm.
Nguyễn Nhã Quyên, trưởng bộ phận dự án Tổ chức Vietnam Startup Foundation, cho rằng trong bối cảnh không ít startup VN ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp để được hưởng chính sách thuế tốt hơn, dễ gọi vốn hơn, nâng cao uy tín, được luật pháp các nước bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thì xu hướng những startup nước ngoài vào VN sẽ làm cho hệ sinh thái khởi nghiệp VN tự hoàn thiện.
“Thị trường khởi nghiệp VN trở nên sôi động hơn, cạnh tranh hơn, nhu cầu tìm kiếm nhân sự tăng lên. Mặt khác xu hướng này cũng tạo cơ chế cho startup VN hợp tác phát triển thị trường quốc tế” - Nhã Quyên nói.
Tuy nhiên, Nhã Quyên cũng lưu ý phần lớn các startup quốc tế chỉ đăng ký chi nhánh tại VN chứ không được thành lập doanh nghiệp, điều đó cho thấy họ vẫn còn e ngại thủ tục hành chính VN.
Ước tính có khoảng 250 triệu USD đã được các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào startup ở VN trong năm 2016, tăng mạnh so với 150 triệu USD của năm 2015. Theo Topica Founder Institute (TFI), quy mô các giao dịch cũng đã cải thiện hơn. |
- Kỳ 1:
- Kỳ 2:
- Kỳ 3:
- Kỳ 4:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận