18/04/2023 09:15 GMT+7

'Start-up Việt hãy dám thất bại nhiều lần'

"Hãy tự hào về thất bại", đó là lời khuyên của CEO Mark Gilligan của Blacksheep Power với hơn 27 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

CEO Blacksheep Power Viet Nam: "Trước khi thành công, bạn phải thất bại, và phải tự hào về sự thất bại đó" - Video: NGUYỄN HIỀN - THANH HIỀN - ANH THƯ - TRINH TRÀ

Ông Mark Gilligan thành lập Blacksheep Power vào năm 2018 tại Việt Nam. Công ty tập trung vào nghiên cứu các phương pháp và công nghệ mới, làm nền tảng cho các sáng kiến khoa học trên toàn cầu. Ông cũng là CEO của Blacktrace - tập hợp của một nhóm các công ty có trụ sở tại Anh.

Ông trao đổi cùng Tuổi Trẻ Online trong thời gian diễn ra giải Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023:

Giúp người trẻ Việt Nam đặt ra mục tiêu cao hơn

CEO Blacksheep Power: Start-up Việt hãy định hướng bán sản phẩm ra nước ngoài - Ảnh 2.

CEO Mark Gilligan có kinh nghiệm 27 năm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

* Ý tưởng thành lập Blacksheep Power của ông đã bắt đầu từ đâu?

- Ông Mark Gilligan: Với vai trò là CEO của Blacktrace, suốt 20 năm qua tôi đi rất nhiều nơi trên thế giới. 12 năm trước, tôi đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên và thực sự thích cuộc sống ở đây. Dành nhiều thời gian ở Việt Nam, tôi bắt đầu nhìn nhận và hiểu hơn về xã hội và con người .

Tôi nhận thấy người trẻ Việt có rất ít cơ hội được thực hành những kiến thức khoa học ở đại học. Tôi biết một số người học rất giỏi, đi du học nhưng rồi trở về làm một giảng viên. Điều này không thực sự phù hợp, khi bản thân họ sở hữu năng lực nhóm đầu. 

Ở phương Tây, những người như vậy sẽ trở thành nhà khoa học hay kỹ sư phát triển công nghệ mới. Vì vậy, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc tạo một môi trường ở Việt Nam để những người trẻ tài năng có thể phát triển sự nghiệp mà không cần phải rời khỏi đất nước của họ.

"Con cừu đen" (tiếng Anh: black sheep - PV) là một khái niệm khá quen thuộc ở phương Tây. Cừu đen rất hiếm khi xuất hiện và nó không đi theo cả đàn, nó thường chạy theo một lối riêng. Ở phương Tây, cừu đen vừa hàm ý chỉ một đứa con nghịch ngợm, bất tuân, nhưng cũng có một hàm ý khác: Cừu đen cũng là biểu tượng của tìm ra con đường mới.

* Không chỉ mong muốn tạo ra những sản phẩm dẫn đầu, ông còn muốn giúp người trẻ Việt đặt ra những mục tiêu cao hơn, ông làm điều này như thế nào?

- Trước hết, Blacksheep Power đặt ra mục tiêu dẫn đầu thế giới. Đây là điều tôi hiếm thấy ở các công ty tại Việt Nam, có thể họ muốn dẫn đầu tại Việt Nam, tại một vùng miền cụ thể, nhưng không phải dẫn đầu thế giới.

Có thể nói, Blacksheep Power giống như một trường học. Các nhân viên đều trẻ, thông minh, năng động, nhiệt huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Do đó, Blacksheep Power tạo ra một môi trường kỷ luật và thử thách để họ có thể đạt được mục tiêu lớn. Nhiều nhân viên ở đây mất tới 2 năm trước khi họ thực sự nắm vững cách thức triển khai công việc của mình.

* Các yếu tố tạo nên sự đổi mới sáng tạo tại Blacksheep Power là gì, thưa ông?

CEO Blacksheep Power: Start-up Việt hãy định hướng bán sản phẩm ra nước ngoài - Ảnh 3.

Máy thở ROBO2 được nghiên cứu từ năm 2020, Blacksheep Power đặt mục tiêu đây sẽ là sản phẩm tân tiến, dễ vận hành - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

- Tôi nghĩ chúng ta hơi lạm dụng cụm từ "đổi mới sáng tạo". Khái niệm đổi mới sáng tạo là một ý tưởng rất đơn giản, có nghĩa là làm những điều mới.

Để tạo ra cái mới, chúng ta cần cân bằng giữa tự do và kỷ luật. Tự do để suy nghĩ, đặt câu hỏi và thậm chí là nghi ngờ lẫn nhau. Nếu ý tưởng của bạn đủ mạnh, nó sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển dù vấp phải bất cứ sự nghi ngờ nào. Với kỷ luật, bạn cần quy trình, thủ tục và phương pháp để hiện thực hóa ý tưởng đó. 

Tự do không có quy tắc, nhưng kỷ luật thì có. Làm sao kết hợp được hai điều này sẽ tạo ra sự "đổi mới sáng tạo".

3 lời khuyên lớn cho start-up tại Việt Nam

* Ông có lời khuyên gì cho những người muốn start-up tại Việt Nam?

- Trước hết, đừng sợ thất bại. Xã hội Việt Nam còn nhiều định kiến về sự thất bại. Trước khi có được thành công, bạn phải thất bại và tự hào về sự thất bại đó. Ở Blacksheep Power, chúng tôi có một khu vực trưng bày những sản phẩm lỗi, hỏng, biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật và rất tự hào về chúng.

Lời khuyên kinh doanh của tôi là: hãy tiếp cận với thị trường nước ngoài và những khách hàng có nhiều tiền. 

Hầu hết các start-up đang tập trung hoàn toàn vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến thị trường trở nên nhạy cảm hơn về giá, từ đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Bạn có thể khai thác lợi thế chi phí thấp ở Việt Nam, sau đó bán sản phẩm cho người phương Tây hoặc Nhật Bản, sẽ dễ dàng thành công hơn nhiều. 22 năm trước, tôi mở công ty ở Anh nhưng định hướng vào Mỹ, vì vậy công ty đã phát triển rất nhanh.

Bên cạnh đó, các start-up hãy tập trung vào sản phẩm vật lý thay vì phần mềm. Tôi hơi bối rối vì nhiều người nghĩ thuật ngữ start-up chỉ dành cho công ty phần mềm - đó chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ. 

Start-up có nghĩa là làm gì đó mới. Người Việt Nam rất khéo léo và có khả năng làm ra những sản phẩm vật lý với chất lượng cao. Hãy bán những sản phẩm này cho thị trường nước ngoài.

Blacksheep Power cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn cho các đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất, tin - sinh học và tư vấn chiến lược thương mại. Công ty đồng thời tự phát triển các sản phẩm riêng, nổi bật là máy thở ROBO2 được nghiên cứu từ năm 2020.

Ý tưởng về máy thở ROBO2 được thai nghén sau khi CEO Gilligan chứng kiến khủng hoảng của ngành y tế trong đại dịch COVID-19. Ông Gilligan từng được mời cố vấn cho dự án nghiên cứu máy thở của Vingroup.

"Chúng ta cần một loại máy thở có thể được vận hành đơn giản mà không cần đến chuyên gia, phù hợp với các cơ sở y tế có cơ sở hạ tầng yếu, không nhiều năng lực, có thể sản xuất được mà không cần đến nhiều chuỗi cung ứng phức tạp. Hiện không có một máy thở nào trên thế giới đáp ứng được những yêu cầu này", ông Gilligan chia sẻ.

Máy thở ROBO2 đang trong quá trình nghiên cứu, dự kiến sẽ thử nghiệm đầu tiên ở thị trường Anh.

Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt đồng hành cùng Tuổi Trẻ Start-Up Award

Talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" năm nay dự kiến diễn ra tại Đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4, có chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?", với sự tham dự của 1.000 bạn trẻ và các chuyên gia uy tín.

Ngài Philipp Rösler, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, là một trong những diễn giả chính của chương trình năm nay. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu cũng sẽ được diễn ra ngay sau đó.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá đến công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, Ngân hàng ACB, Thái Bình Group, Volvo, IDICo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.

Trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện, Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-Up qua 3 mùa đã quy tụ gần 600 golfer. Năm nay, giải đấu thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21-4 tại sân golf Thủ Đức (P.Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức). Tối cùng ngày sẽ diễn ra gala trao giải cho golfer xuất sắc và chương trình giao lưu, kết nối cùng các start-up tiêu biểu.

MINH HUỲNH

CEO Blacksheep Power: Start-up Việt hãy định hướng bán sản phẩm ra nước ngoài - Ảnh 6.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai: Ông Phạm Phú Ngọc Trai: '40 dự án vào chung kết đều rất đặc biệt'

Thành viên hội đồng thẩm định Tuổi Trẻ Start-Up Award 2023 nhận định như vậy về các dự án qua sơ khảo của giải thưởng năm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên