![Start-up Việt được vinh danh tại thượng đỉnh AI Paris - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/img2990nguyendodungenhanced-read-only-17395018717451134965704.jpeg)
Ông Nguyễn Đỗ Dũng đưa Enfarm đến Hội nghị thượng đỉnh hành động trí tuệ nhân tạo tại Paris, Pháp - Ảnh: FBNV
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với nhà đồng sáng lập và CEO của Enfarm, ông Nguyễn Đỗ Dũng, ngay sau khi ông trở về từ sự kiện AI hàng đầu thế giới này.
Trăn trở với rủi ro của nhà nông
* Ông có cảm xúc như thế nào khi Enfarm được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh AI Paris?
- Tôi rất tự hào khi Enfarm - một công ty khởi nghiệp công nghệ còn non trẻ ở Việt Nam - được lựa chọn tại sự kiện lớn nhất toàn cầu về AI. Sự kiện quy tụ những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, các tập đoàn công nghệ lớn nhất, cùng các nguyên thủ quốc gia trong đó có tổng thống Pháp và thủ tướng Ấn Độ.
Enfarm được chọn nhờ mang công nghệ AI đến với nông dân - nhóm thường tiếp cận chậm nhất về công nghệ. Công ty ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và AI tạo ra công nghệ đo đất có độ chính xác tương đương phòng thí nghiệm. Điều này giúp người nông dân có thể hiểu rõ hơn về tình trạng đất đai và nhu cầu của cây trồng.
Sản phẩm giúp nông dân ra quyết định tốt hơn về cây trồng bằng cách tiết kiệm phân bón, tăng sản lượng và giảm khí thải nhà kính. Đồng thời giải quyết ba bài toán: tăng thu nhập, giảm hóa chất trong nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực.
Qua nền tảng này, Enfarm kỳ vọng sẽ có cơ hội tiến vào các thị trường mới ngoài Việt Nam và Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp và AI.
* Điều gì đã giúp Enfarm chinh phục sự kiện lần này?
- 50 dự án, trong đó có 4 dự án ở châu Á, được chọn từ 800 dự án đăng ký. Đây là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, với hội đồng giám khảo gồm hàng chục nhà khoa học quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ba yếu tố quan trọng thuyết phục ban giám khảo là: ứng dụng AI hiệu quả, yếu tố khoa học mới về môi trường và phát triển bền vững, và tác động xã hội cao. Theo tính toán với vườn cà phê tại Tây Nguyên, chúng tôi giúp nông dân tăng 30% sản lượng với ít hơn 30% phân bón, tăng gấp rưỡi thu nhập.
Công nghệ của Enfarm không chỉ xuất sắc về mặt kỹ thuật mà còn đem lại giá trị thiết thực cho con người và môi trường. Đây cũng là chủ đề được nhấn mạnh tại hội nghị - đạo đức trong phát triển AI gắn với giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là môi trường, phát triển bền vững và giảm nghèo.
Giúp đất và cây trồng "biết nói"
* Cảm hứng cho Enfarm xuất phát từ đâu? Việc đưa công nghệ IoT và AI đến với nông dân có trở ngại gì?
- Khi làm việc về quy hoạch đô thị, tôi nhận thấy nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro về thị trường, khí hậu và sự đứt gãy liên tục của thị trường thế giới do chiến tranh và chiến tranh thương mại. Nông hộ có quy mô nhỏ, thu nhập thấp, dễ mất trắng khi gặp sâu bệnh hay hạn hán.
Tôi cũng có cơ hội làm việc với tiến sĩ Hồ Phi Long - một nhà khoa học xuất chúng của Việt Nam, người đã giúp xây dựng nền tảng khoa học cho Enfarm. Công nghệ của chúng tôi được nông dân đón nhận tốt. 80% nông dân được khảo sát cho rằng phân bón vô cơ tác động lớn đến đất và cây trồng, nhưng họ thiếu công cụ đo lường, chỉ bón theo thói quen.
Thách thức lớn nhất là vấn đề lòng tin, sau khi từng gặp phân giả và thời gian chờ kết quả dài (6 tháng). Không giống các sản phẩm khác, người nông dân phải đợi cả mùa vụ mới biết được hiệu quả của công nghệ. Đây là ngành khoa học mới cả ở Việt Nam và thế giới. Một nông dân đã nói: "Nhờ Enfarm mà bây giờ đất và cây trồng đã biết nói".
Khi làm việc với các nhà khoa học về nông nghiệp và tập đoàn lớn trên thế giới, họ đều bày tỏ sự ngạc nhiên về cách tiếp cận của chúng tôi. Để thuyết phục được họ, chúng tôi phải trải qua 5-7 vòng phỏng vấn.
* Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đón đầu làn sóng AI?
- Thứ nhất, người Việt nên sử dụng hàng Việt vì các doanh nghiệp Việt có năng lực tốt và để đảm bảo chủ quyền về dữ liệu và AI. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công nghệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, start-up kỳ vọng được Chính phủ hỗ trợ về nguồn lực, mạng lưới, vốn và thuế vì rủi ro cao của lĩnh vực này. Các nước phát triển đang hỗ trợ rất nhanh cho doanh nghiệp, với chính phủ dám chịu rủi ro và chứng nhận cho các sản phẩm mới.
Thứ ba, cần phổ cập hóa AI cho mọi người, từ việc viết văn bản đến ra quyết định đầu tư. Thế giới sẽ chỉ phân cực giữa người biết và không biết khai thác AI. Đây là cơ hội của Việt Nam với dân số trẻ, khả năng học hỏi tốt, tiếp thu cái mới và tư duy linh hoạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận