Ông Ngô Minh Hải - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM - là một trong 6 thành viên hội đồng thẩm định - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ưu ái khởi nghiệp từ nông nghiệp
6 start-up được hội đồng thẩm định lựa chọn từ danh sách 41 start-up điển hình có đến 2 mô hình về xử lý rác thải, rác nilông, ngoài ra là các dự án khởi nghiệp về về giao thông công cộng, công nghệ hỗ trợ người tàn tật, tài xế lái xe...
Đặc biệt, 6 thành viên hội đồng thẩm định cũng đánh giá rất cao những dự án khởi nghiệp nông nghiệp hỗ trợ nông dân.
Hội đồng thẩm định gồm ông Ngô Minh Hải - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM, ông Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập, giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ, và các chuyên gia, khách mời là những cái tên đình đám trong giới khởi nghiệp: ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, ông Trần Thanh Tú - chủ tịch Hội Golf TP.HCM, chủ tịch tập đoàn Thái Bình, ông Don Lam - tổng giám đốc tập đoàn VinaCapital, bà Lê Diệp Kiều Trang - sáng lập quỹ đầu tư Alabaster.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, ông đánh giá cao những start-up không chỉ có ý tưởng tốt, tạo động lực, khơi gợi cảm hứng khởi nghiệp mà còn thuyết phục được nhà đầu tư.
Ba start-up được ông đánh giá cao là phần mềm quản lý rác thải thông minh "GRAC tặng đồ và phân loại rác", vật liệu UTE-PS - vật liệu làm từ bao nilông, nhựa phế thải kết hợp với cát, và start-up ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
"Chúng ta nên ủng hộ cho những ý tưởng công nghệ phục vụ nông nghiệp. Nếu nông dân không được huấn luyện, không có công nghệ thì sẽ không tạo được năng suất, đời sống của người nông dân sẽ không được nâng cao", ông chia sẻ.
Bà Lê Diệp Kiều Trang - sáng lập Alabaster - cũng đặc biệt ưu ái những start-up về môi trường, xử lý chất thải, đưa công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp. "Việc ứng dụng công nghệ như IoT (Internet vạn vật) vào nông nghiệp sẽ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp không chỉ là sản phẩm từ đất, cây trồng, con người, mà là sản phẩm được hỗ trợ từ công nghệ, để từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cũng như đảm bảo an toàn", bà Trang nói.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Thanh Tú - chủ tịch Tập đoàn Thái Bình - cũng cho rằng việc đầu tư vào những start-up nông nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Điều ông đánh giá cao nhất ở các dự án khởi nghiệp là ở chính bản thân những người xây dựng, ở ý chí, quyết tâm cũng như tầm nhìn của họ.
Chất lượng start-up Việt Nam ngày càng tăng
Là một trong 6 thành viên hội đồng thẩm định, ông Don Lâm - tổng giám đốc Vina Capital - nhận định chất lượng các start-up Việt Nam trong những năm gần đây đang ngày càng được nâng cao.
"Nếu như 5 năm trước, các bạn chưa có những ý tưởng tốt để có thể chuyển thành các mô hình kinh doanh thì hiện nay, những ý tưởng của các bạn đã thực tế hơn, các bạn có sự hiểu biết tốt hơn về thị trường", ông chia sẻ.
Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng đánh giá rằng chất lượng của các start-up ngày càng khả quan hơn, đặc biệt nhiều dự án đã hướng tầm ảnh hưởng của sản phẩm tới cộng đồng, tới nền kinh tế.
"Các bạn đã bắt đầu với góc nhìn là xã hội cần gì, người tiêu dùng cần gì thay vì khả năng các bạn làm được gì. Cách tiếp cận đó ngày càng gần hơn với nhu cầu thị trường", bà Trang nói thêm.
Ở góc độ cá nhân, bà Trang đặc biệt đánh giá cao những mô hình, dự án khởi nghiệp có độ phủ, tầm ảnh hưởng đến đời sống, xã hội. Đồng thời, người khởi nghiệp phải có sự quyết tâm để đưa sản phẩm thành hiện thực.
Tuy nhiên, khi định nghĩa tinh thần khởi nghiệp, bà Lê Diệp Kiều Trang đưa ra thông điệp "start-up không nhất thiết là con đường duy nhất".
"Mỗi người cần có sự chủ động, độc lập trong suy nghĩ, luôn nghĩ ra giải pháp cho những vấn đề phải đối mặt hàng ngày, đặc biệt là sử dụng năng lực, hiểu biết để đưa ra những giải pháp hay. Đó đã là tinh thần khởi nghiệp rồi, không nhất thiết phải lập một công ty hay có một sản phẩm", bà chia sẻ.
Một số hình ảnh tại buổi họp thẩm định bình chọn start-up tiêu biểu năm 2020 sáng 8-9 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ:
Bà Lê Diệp Kiều Trang - sáng lập Alabaster đặc biệt quan tâm đến các start-up có độ phủ và độ ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch GIBC - chia sẻ ý tưởng viết sách về các start-up ở Việt Nam như một tài liệu để các start-up có thể tham khảo khi có một ý tưởng khởi nghiệp nào đó - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ tiếp tục hỗ trợ start-up năm 2020
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Hơn 25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến tháng 9-2020. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Thông qua Hội đồng thẩm định, BTC sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí vào đêm Gala 18-9 tại sân golf Long Thành, với sự đồng hành của các đơn vị, như Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, Quỹ VinaCapital Ventures, CP ĐT&TM Thái Bình, Hội Gôn TP.HCM (SGGA), IDICO, Tân Thuận... (khoản 20- 25 start-up sẽ được trao bằng khen + giải thưởng 20 triệu đồng, trong đó, có 1 start-up được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng).
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận