Star Wars: Viễn tưởng và khoa học

HẢI MINH 31/12/2015 17:12 GMT+7

TTCT - Với một câu chuyện xảy ra “rất lâu về trước ở một thiên hà xa xôi”, rất nhiều công nghệ trong loạt phim đình đám Star wars thật ra rất gần gũi với những công nghệ hiện có trên Trái đất hiện giờ.

Áo giáp TALOS thử nghiệm của quân đội Mỹ -dailymotion.com
Áo giáp TALOS thử nghiệm của quân đội Mỹ -dailymotion.com

Trong bộ phim Star wars đầu tiên ra đời năm 1977, khá nhiều ý tưởng và khái niệm viễn tưởng đã trở thành hiện thực.

Chiến tranh vũ trụ

Với tâm điểm của các phần phim mới luôn là những cuộc chiến tranh vũ trụ, các loại vũ khí laser và vũ khí năng lượng trực tiếp xuất hiện liên tục trong phim. “Những tôn giáo lạc hậu và các loại vũ khí xa xưa không thể nào sánh được với một khẩu blaster, nhóc à” - Han Solo nói với Luke Skywalker khi họ gặp nhau lần đầu trong Star wars: a new hope. Và khoảng 30 năm sau trong The force awakens, ông vẫn sử dụng khẩu blaster như xưa kia.

Nhưng trong khi tổng thống Mỹ Ronald Reagan là người khởi đầu cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ nhắm vào Liên Xô, các loại vũ khí năng lượng trực tiếp như súng blaster và súng laser ngày nay không còn là truyện khoa học viễn tưởng nữa.

Hải quân Mỹ đã triển khai súng laser thật trên các tàu chiến như USS Ponce ở vùng Vịnh để chống các máy bay không người lái và tàu nhỏ, trong khi các thử nghiệm đang được quân đội Mỹ tiến hành với một loại súng laser khác mạnh hơn nhiều, có thể gắn vào xe tải hoặc máy bay chiến đấu.

Tương tự, súng điện từ được dùng để bảo vệ trạm không gian Death Star sẽ được triển khai thử nghiệm ở các thế hệ tàu chiến mới nhất của Mỹ như USS Zumwalt.

Death Star bắn laser vào tàu du hành vũ trụ-starwars wikia.com
Death Star bắn laser vào tàu du hành vũ trụ-starwars wikia.com

 

Chiến đấu bên ngoài không gian không trọng lực cũng không còn là chuyện viển vông nữa. Không như năm 1977, vũ trụ giờ là cả một hệ thần kinh các trang thiết bị quân sự hiện đại. Hơn 1.100 vệ tinh liên lạc kết nối các máy bay, tên lửa và cơ sở chỉ huy mặt đất (80% liên lạc mà quân đội Mỹ gửi đi thông qua các vệ tinh), tìm kiếm dữ liệu tình báo và mọi chuyển động trên đất, trên không và trên biển, điều hành các mạng lưới định vị như GPS, hướng dẫn cho xe tăng, xe tải, tên lửa (và cả xe hơi của bạn).

Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện sở hữu những vũ khí mà về bản chất công nghệ và cả việc sử dụng không khác nhiều so với trong phim Star wars.

Những chuyên gia và học giả quốc phòng hàng đầu thậm chí dự báo những cuộc xung đột tương lai sẽ chủ yếu diễn ra ngoài vũ trụ, khi các quốc gia đối địch có thể đẩy đối thủ về “thời đồ đá” bằng cách phá hủy những vệ tinh liên lạc. Không chỉ quân sự, hệ thống vệ tinh đó còn điều hành các mạng lưới bản đồ, ngân hàng, đường sá, hàng không dân dụng, dự báo thời tiết, điện lưới và cả điện thoại di động.

Chiến tranh vùng Vịnh là cuộc xung đột lớn đầu tiên chiến đấu qua GPS - công nghệ cho phép quân đội Mỹ hoạt động hiệu quả ở những vùng sa mạc mênh mông rất khó định vị, không khác gì không gian không bờ bến trong Star wars. Nhiều cường quốc khác cũng đang nhanh chóng bắt kịp. Trung Quốc năm 2013 từng biểu diễn việc sử dụng một tên lửa phá hủy một vệ tinh địa tĩnh cách mặt đất hơn 35.000km.

“Ý tưởng dựa vào không gian và chiến tranh không gian từng là viễn tưởng, nhưng giờ là thực tế” - Brian Weeden thuộc Tổ chức An ninh thế giới (SWF), từng tham gia chương trình răn đe hạt nhân của Mỹ, nói. Các nước đã có một hiệp ước quốc tế năm 1967 cấm sử dụng vũ khí hạt nhân ngoài vũ trụ, nhưng với các tên lửa thông thường thì chưa có chế tài gì.

“Nếu bạn mất các vệ tinh dẫn đường, do thám, liên lạc... ngoài kia, bạn sẽ phải chiến đấu như thời Thế chiến thứ hai hoặc thứ nhất... Điều thú vị là ngày nay không chỉ những tay chơi lớn có thể tham gia cuộc chơi này. Các tên lửa chống vệ tinh vẫn là độc quyền của các siêu cường, những tổ chức như Hezbollah, IS hay Al Qaeda vẫn chưa với tới. Nhưng với công nghệ gián điệp mạng ngày nay, rào cản đã thấp hơn nhiều” - Peter Singer thuộc Quỹ New America, nói với chương trình Space Wars của Đài BBC.

Jeremy Greaves, phụ trách mảng vệ tinh quân sự của Tập đoàn Airbus, nói: “Chúng ta đang đối mặt với một thực tế là không thể bỏ qua không gian khi nói về chủ quyền. Không gian là biên giới thứ tư. Chúng ta đã có chiến tranh trên bộ, trên không và trên biển, giờ là chiến tranh ngoài vũ trụ”.

Và không chỉ có vệ tinh, ngay cả các chiến binh mặc áo giáp không bao giờ bắn trúng Stormtrooper ngoài không gian cũng không phải là điều xa vời nữa. Phiên bản ngoài đời thực của những binh lính này là đồng phục chiến đấu tấn công chiến thuật nhẹ, hay TALOS, một dự án với sự tham gia của 10 phòng thí nghiệm quốc gia, 13 trường đại học, 16 cơ quan chính phủ và 56 công ty tư nhân ở Mỹ.

Bộ phim Star wars mới cũng có nhiều robot mới, từ những con robot dễ thương như BB-8 tới những người bạn cũ như R2-D2. Ngoài đời thực, robot cũng đã nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của chiến tranh. Hàng ngàn loại robot với đủ kiểu hình dáng và kích thước hiện đang phục vụ các quân đội khắp thế giới, nhiều nhất vẫn là ở Mỹ, từ MQ-9 Reaper, máy bay do thám tự hành, trên không tới Packbot đa năng (con robot đầu tiên tiến vào vùng thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật) trên mặt đất.

Và áo giáp Stormtrooper của Star wars-youtube.com
Và áo giáp Stormtrooper của Star wars-youtube.com

 

Bắt lỗi Star Wars

Một số nhà khoa học quả không biết đùa. Sau khi The force awakens ra mắt, một số nhà hóa học và thiên văn học đã đăng một đoạn video vạch ra bản chất khoa học của rất nhiều thiết bị trong bộ phim giả tưởng. Gác sang một bên hiệu ứng kỹ xảo, nhóm nhà khoa học này đã nghiên cứu trạm không gian Death Star, các trường lực đặc biệt và gươm ánh sáng để kết luận tính khả thi của chúng tới đâu.

Trong đoạn băng do Hội Hóa học Hoa Kỳ công bố, tiến sĩ Raychelle Burks của Đại học Doane, Nebraska đã chỉ rõ nhiều công nghệ chủ chốt của bộ phim không hề mang tính khoa học chút nào. Chẳng hạn tia laser phát ra từ trạm vũ trụ Death Star đủ sức phá hủy một hành tinh sẽ phải mạnh tới mức nó làm tan chảy chính Death Star trước khi có thể phá hủy hành tinh Alderaan.

Hiện tia laser mạnh nhất được sản sinh ở Trái đất là 2 petawatt tại Nhật Bản. Nhưng ngay cả nếu Alderaan có kích thước chỉ bằng nửa hành tinh của chúng ta, Death Star sẽ cần một tia laser mạnh 1 triệu tỉ lần hơn thế mới phá hủy được nó. “Để tạo ra bằng ấy năng lượng, bạn cũng sẽ tạo ra rất nhiều nhiệt, đủ nhiệt để làm tan chảy Death Star nếu nó bắn đi tia laser” - tiến sĩ Burks phân tích.

Các thanh gươm ánh sáng thương hiệu của Star wars cũng sẽ gặp vấn đề tương tự, theo tiến sĩ Burks. Tuần trước, một nhà vật lý học phản bác khi cho rằng những vũ khí của Jedi có thể làm từ plasma chứ không phải ánh sáng laser. Tiến sĩ Burks đồng ý điều đó quả có khả thi hơn. “Những lưỡi gươm đó có thể làm bằng plasma, trạng thái thứ tư của vật chất. Thêm nhiệt vào có thể biến chất rắn thành chất lỏng, chất lỏng thành khí và khí thành plasma” - bà Burks phân tích.

Những tấm chắn giúp bảo vệ nhiều phi thuyền khỏi những thiên thạch vũ trụ trong Star wars là một vấn đề khác với hiểu biết vật lý thiên văn ngày nay, dù bà Burks thừa nhận con người đã đạt được những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực này.

Hãng Boeing chẳng hạn, đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho ý tưởng sử dụng tia laser tạo ra plasma bảo vệ khỏi những sóng chấn động từ các vụ nổ. Dù điều này chưa đủ để ngăn cản các thực thể vật chất ngoài không gian đâm vào một phi thuyền, các sóng chấn động cũng có thể gây nguy hại không kém.

Các lỗi vặt khác thì khó mà kể hết. Chẳng hạn, Han Solo đã dùng từ “parsec” để chỉ tốc độ của chiếc Millennium Falcon, trong khi parsec lại là đơn vị đo chiều dài, tương đương 31.000 tỉ km, chứ không phải thời gian. Nhiều định luật vật lý cơ bản cũng đã bị vi phạm trong phim.

Một nhóm sinh viên thiên văn học ở Đại học Berkeley mới đây đã xem phim và vạch ra những điểm này. Các du thuyền vũ trụ rơi xuống khi chúng trúng tia laser là một ví dụ. Do ngoài không gian không có trọng lực, những chiếc tàu vũ trụ lẽ ra phải di chuyển theo hướng bị tác động thay vì rơi xuống.

Andy Howell - một nhà vật lý thiên văn ở Đại học California, Santa Barbara - giải thích các vùng thiên thể làm nền tảng cho những cuộc rượt đuổi ngoạn mục ngoài không gian thật sẽ không giống như trong phim. Trên thực tế, những vùng thiên thể thưa thớt hơn nhiều, trừ khi chúng đang trong quá trình hình thành một hành tinh.

Tiến sĩ Howell nói ông đã hi vọng The force awakens có cách tiếp cận khác trong việc xử lý các vấn đề khoa học và công nghệ. “Người hâm mộ thể loại khoa học viễn tưởng đang khó tính hơn bao giờ hết, một phần chính bởi lỗi của Star wars” - ông kết luận.■

Death Star tiêu tốn bao nhiêu?

Các sinh viên kinh tế học ở Đại học Lehigh, Pennsylvania (Mỹ) tính toán: sẽ cần tới 100.000 tỉ tấn thép để tạo ra một trạm không gian Death Star ngoài đời thật. Và cần 833.315 năm với tốc độ sản xuất hiện tại để cung cấp đủ thép cho trạm không gian có đường kính 140km này. Cũng theo các kỹ sư, việc mất hai trạm Death Star sẽ làm Galactic Empire phá sản, bởi lẽ xây một trạm này sẽ tiêu tốn số tiền bằng 13.000 lần GDP toàn cầu hiện nay (8.100.000 tỉ đôla Mỹ).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận