Stanley Ho: Thời thế và anh hùng

SÁNG ÁNH 11/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Với riêng Stanley Ho, người ta có thể nói là anh hùng đã tạo nên thời thế.

 
Stanley Ho thời trẻ. Ảnh: SCMP

Trời nhợt nhạt vào lúc 6h sáng ở trên bến phà. Chuyến đầu tiên từ Macau đi Hong Kong bắt đầu rục rịch. Một anh ngoài 30 tiến lại phía tôi mặt mày thiểu não, chìa ra cổ tay trái. Anh muốn bán cho tôi cái đồng hồ để lấy tiền phà trở về nhà ở Cửu Long. Đêm qua, anh nướng hết đến đồng bạc chót trong sòng bài ở đây.

Trong thập niên 1980, Macau vẫn còn thuộc Bồ Đào Nha và Hong Kong thuộc Anh quốc. Ngày đó, cũng như ngày nay, Hong Kong cấm sòng bạc, cho nên cuối tuần hay ngay cả trong tuần, ta có thể đáp phà độ 2-3 tiếng để sang Macau đen đỏ, đến sáng trở về lại Hong Kong đi làm. Khi tàu ra đến hải phận quốc tế sau 10-15 phút là bắt đầu có đánh bạc ngay trên tàu được rồi!

Macau - hay Áo Môn - là nơi thư giãn của người Hong Kong. Tại đó, ngoài đánh bạc ra còn có thể ăn món gà kiểu Phi châu nhập từ các thuộc địa cũ của Bồ (Angola, Mozambique) và mátxa đủ kiểu, mì sủi cảo cũng rẻ hơn đôi chút.

Macau vốn là người em họ nghèo của Hong Kong, không may bị thực dân hạng hai là Bồ - thay vì hạng nhất là Anh - đô hộ và chiếm đóng. Kinh tế không được bằng mấy cái nhà máy may mặc như Cambodia hay Bangladesh ngày nay không thấm vào đâu. Một cuộc đua xe con Grand Prix hằng năm, khu Lộ Đãng Thành (Coloane-Taipa) còn hoang vắng với độc một sân golf, du khách quốc tế chẳng có mấy - lúc đó buộc phải qua ngõ Hong Kong bằng tàu biển, vì Macau không có phi cảng. Thành phố lặng lờ và yên ả như Châu Giang, chỉ cách Trung Quốc một sải tay và như đứng yên không nhúc nhích trong lịch sử. Vua không ngôi ở đây lúc đó là Stanley Ho (Hà Hồng Sân).

Xuất thân hiển hách

Stanley Ho sinh ra để làm “vua” trong một gia đình “đại bản” ở Hong Kong, có gốc cụ cố người Do Thái - Hà Lan tên Bosman, sang Hong Kong lập nghiệp trong thế kỷ 19, ngành bảo hiểm thương thuyền, và cộng tác mật thiết với Công ty Jardine-Matheson, là công ty trùm ở Hong Kong. Các con của Bosman là Robert Ho Tung (Hà Đông), Ho Fook (Hà Phúc), Ho Kom Tong (Hà Cam Đường) làm việc cho Jardine, rồi từ đó lấn sang đầu tư vào đủ ngành miễn kiếm ra tiền.

Người kiếm ra tiền nhiều nhất trong thế hệ thứ nhì này là Sir Robert Ho Tung, được Anh quốc phong sắc. Stanley Ho là cháu nội của Ho Fook. Cuối năm 1941, khi cha anh đang làm việc thương thuyền ở Hải Phòng và Stanley mới lên 20 thì chiến tranh xảy ra ở Hong Kong. Thành phố này bị Nhật chiếm đóng. Ông bác Robert Ho Tung bèn gửi gắm Stanley sang Macau bên cạnh, lúc đó so với Hong Kong là một thị trấn đìu hiu kiểu tỉnh lẻ đêm buồn.

Trong Thế chiến II, Bồ là nước trung lập dưới chế độ quân phiệt, có phần nghiêng về phía trục Đức - Ý - Nhật. Nhờ thế trung lập này, dân Bồ dễ làm trung gian! Stanley chạy áp phe trong thời chiến tranh với quân phiệt Nhật, bán mua đổi chác đủ thứ, cái gì không làm công khai được thì làm lậu. Mới ngoài 20, anh ta đã nắm độc quyền thầu xăng kerosene (dầu nấu bếp, dầu thắp đèn) và trở thành vua kerosene thời chiến. 24 tuổi, Stanley Ho trở thành triệu phú.

Chiến tranh chấm dứt, Nhật chẳng may thua trận, nên đối với dư luận Trung Quốc (lúc đó còn chế độ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch) thì Stanley Ho tuổi trẻ tài cao sinh đúng danh gia vọng tộc từ trung gian biến thành Hán gian. Nhưng Stanley chẳng cần, vì anh có phải người Trung Quốc đâu, nhất là sau khi kết hôn với một thiếu nữ gốc Bồ thuộc tầng lớp quý tộc thuộc địa Macau.

Năm 1962 là một bước ngoặt nữa trong đời Stanley Ho: ông giành độc quyền cờ bạc tại Macau. Ông xây dựng viên ngọc của thành phố, Lisboa (Bồ Kinh) Hotel Casino, hình tròn 12 tầng và 557 phòng tọa tại trung tâm.

 

Tuy là vua đen đỏ ở phố chợ nhưng Stanley Ho còn đầu tư vào lắm thứ khác, không từ cái gì kiếm ra tiền, vì đây là nguyên tắc của đầu tư. Shuntak (Tín Đức) Tập đoàn chẳng hạn, có thương thuyền và phà nối Hong Kong với Macau. Nếu vợ đầu của ông là quý tộc Bồ thuộc địa thì vợ thứ tư và chót của ông, bà Angela Leong On Kei (Lương An Kỳ), là đại biểu Quốc hội Macau của thời mới.

Thành công của Stanley Ho, bởi vậy, không bao giờ xa quyền thế. Quyền thế thay đổi thì chẳng những ông đổi vợ, mà bản thân cũng thay đổi theo.

Năm 1999, Macau trở về với đất mẹ Trung Quốc, dưới chế độ đặc khu tự trị. Đây là thay đổi lớn, và từ một trấn nhỏ kiểu phố huyện với ba dây đèn casino chớp nháy ở Bồ Kinh tửu điếm, Macau trở thành thành phố đỏ đen số 1 trên thế giới.

“Thứ nhất đổ hồ, thứ nhì chứa thổ”, mấy năm gần đây Macau đạt GDP bình quân cao nhất thế giới, có lúc vượt qua cả Qatar. Mức phát triển của đặc khu hành chánh này mỗi năm tăng trưởng 15%, có năm 18%, tất nhiên nhờ “hồng phúc” không ít từ Trung Quốc đại lục.

Cạnh Lisboa Casino cũ giờ là Tân Bồ Kinh, còn gọi là khách sạn “Vòm Sáng”, đưa tổng số phòng ở của khu phức hợp này lên gần 3.000. Macau giờ đã có phi cảng quốc tế và mới đây (2019) có cả đường bộ vượt biển nối với Hong Kong. Đường bộ này chỉ có thể làm xong khi cả Macau và Hong Kong đều thuộc về Trung Quốc, vì phải qua Chu Hải trong địa phận Quảng Đông. Củng Bắc là trạm biên giới đèo heo hút gió ngày nào giờ nườm nượp, ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Thu nhập đầu người Macau giờ đã gấp hai Hong Kong, dù tổng số thu nhập này, ước tính 20-25%, là trong tay gia đình Stanley Ho.

Macau một thời mới

Trước cổng vào của Tân Bồ Kinh có bốn chiếc xe Bentley đỗ. Đây là xe đưa rước khách sang của casino, nhưng hàng trăm hàng ngàn người lũ lượt đi qua sảnh là khách tour từ đại lục, chủ yếu đáp xe buýt 40 chỗ. Họ trầm trồ trước kiểu bày biện trong sảnh, tượng vàng khối hay cẩm thạch, đá quý đủ kiểu.

Bên kia đường, từ 10h đêm trở đi, từng tốp thiếu nữ Nga hay Ukraine vớ đùi đứng đợi trước Lisboa cũ.

Bên trong khách sạn, khu vực tầng dưới có hàng quán, khoảng 100 “đại lục mỹ nhân” quần cộc, váy ngắn rảo qua rảo lại, kẻ chớp mắt lông mi dài e lệ, người chúm chím môi cười chào mời. Bên trong các quán mátxa, nhân viên nào Nam Dương, nào Mông Cổ, nào Thái Lan, người Việt cũng có.

Bước vào phòng sát phạt của thiên đàng cay nghiệt thì đẳng cấp của Macau cũng khác. Nếu tính dân số là tương đương của hai đệ nhất và đệ nhị đổ phường của thế giới (Macau - 700.000, Las Vegas - 650.000), thu nhập từ đỏ đen ở Macau lại cao hơn Las Vegas đến bảy lần. Có lẽ một phần quan trọng là còn bởi chuyện “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”, bởi lẽ các hoạt động tươi mát ở Las Vegas khó mà rầm rộ như ở Macau.

Năm 2001, Stanley Ho mất độc quyền gá bạc. Các công ty may rủi Hoa Kỳ thừa dịp bỏ bê bang Nevada mà dồn về đây. Đảo Coloane vẫn có sân golf nhưng không còn như xưa. So sánh thêm, khách sạn “con” Venetian Macau “chỉ” có 3.000 phòng và diện tích sòng bạc 5.500m2, nhưng thu nhập lại cao hơn khách sạn “mẹ” Venetian Las Vegas 4.000 phòng và diện tích sòng bạc 11.000m2. Một khách tại Macau khi đánh bạc đặt cược trung bình cao gấp tám lần một khách tại Las Vegas. Châu Á thành đường sống và mạch máu mới của các công ty bài bạc Mỹ.

Ngoài Venetian, MGM, Rio, Wynn, Sands đều là công ty Hoa Kỳ bon chen vào, có khi hợp tác với vợ ông Stanley (như MGM Macau), có khi hợp tác với con gái Stanley (như ở Hồ Tràm, Việt Nam). Con trai ông thì làm chủ casino City of Dreams ở Macau. Quả là một người gá bạc, cả họ được nhờ.

Mất độc quyền bài bạc năm 2001 không khiến Stanley Ho bớt tiền. Thật ra, ông lại càng giàu thêm. Trăm người bán, vạn người mua, trăm sòng mở thì cũng vạn người chơi. Macau vui nhộn hẳn lên từ khi trở về Trung Quốc. Trung Quốc là nguồn vô tận và các công ty Mỹ đổ sang phục vụ lớp khách mới.

Nhưng nếu ông thu tiền hồ mà sống thì mặt khác ông cũng là người đen đỏ. Khủng hoảng năm 2008 khiến tài sản của Stanley mất 7 còn 3, mất 8 tỉ đôla còn 1 tỉ đôla vì đầu tư nhầm lãnh vực, nhưng tùng tiệm vẫn đủ xài. Đóng trọn vai người có của, lúc cuối đời ông gặp chuyện lôi thôi, phải đi thưa kiện cả vợ lẫn con, đó là lúc còn chưa nhắm mắt.

Stanley Ho (giữa) là một trong những người cuối cùng của thế hệ doanh nhân người Hoa
Stanley Ho (giữa) là một trong những người cuối cùng của thế hệ doanh nhân người Hoa "con cháu đầy đàn" và coi việc lấy nhiều vợ là chuyện thường tình. Ảnh: Hong Kong Tatler

Nếu các con ông đều ưa lấy diễn viên, người mẫu hay ca sĩ, thì đời sống tình cảm của Stanley đơn giản hơn. Các bà sau, ông gặp đâu lấy đó. Bà ba là y tá chăm sóc cho bà cả bị tai nạn xe con. Nhìn cô này cầm nhiệt kế đo cho bà nhà, ông thấy rưng rưng mà mang về làm lẽ. Dì tư là vũ sư dạy nhảy cho ông lúc tuổi già và kém ông 40 tuổi. Bà dìu ông 1-2-3-4, 1-2-3-4... là ông ôm chầm lấy vì không còn đứng vững. Ông mất ngày 26-5 vừa rồi, thọ 98 tuổi.■

Stanley có một người bà con nổi tiếng, nhưng ít người biết quan hệ của họ. Ông nội của Stanley là Hà Phúc. Hà Phúc có một người em là Hà Cẩm Đường. Cẩm Đường sinh Ái Du (Grace Ho, con gái). Ái Du sinh được một cậu con xấc xược, đi đứng thì nhún nhảy, nói năng thì hay gầm gừ trong cổ họng. Cậu nổi tiếng thế giới nhưng yểu mệnh, đóng được có ba bộ phim rưỡi và tên là Lý Tiểu Long, tính ra là em cô cậu họ xa với Stanley Ho.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận