Người dân xếp hàng dưới trời nắng để mua nhiên liệu ở thủ đô Colombo của Sri Lanka - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc họp báo sáng 12-4, giờ địa phương, thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, ông P. Nandalal Weerasinghe, thông báo tạm ngừng việc thanh toán nợ nước ngoài và tiền lãi (vỡ nợ mềm), đồng thời tránh vỡ nợ cứng (tức không còn khả năng chi trả).
"Đã đến thời điểm việc thanh toán nợ trở nên thách thức và không thể thực hiện được. Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là tái cấu trúc nợ để tránh vỡ nợ cứng", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Weerasinghe nói.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka chuẩn bị thảo luận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận giải cứu.
"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như một hành động sau cùng để ngăn tình hình tài chính của đất nước xấu thêm", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích.
Cơ quan này cho biết các chủ nợ có thể chọn vốn hóa các khoản thanh toán lãi suất trước chiều ngày 12-4 hoặc hoàn vốn bằng đồng rupee của Sri Lanka.
Sri Lanka hiện đang ôm khoản nợ nước ngoài đến 51 tỉ USD. Nước này phải thanh toán 4 tỉ USD nợ nước ngoài trong năm nay, trong đó gồm 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7-2022. Tuy nhiên, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 1,93 tỉ USD, tính đến cuối tháng 3-2022.
Theo ông Weerasinghe, các nguồn quỹ của Sri Lanka bây giờ sẽ ưu tiên dành để nhập các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, xăng và khí đốt. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng kêu gọi người dân ở nước ngoài gửi tiền về nước (kiều hối) thông qua các kênh chính thức để hỗ trợ đất nước.
Trước đó, các bác sĩ cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế có thể giết nhiều người ở Sri Lanka còn hơn cả COVID-19, trong bối cảnh nước này sắp cạn sạch thuốc men, dụng cụ y tế.
Quốc đảo Ấn Độ Dương này đang trải qua cơn suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng, giá cả leo thang, cắt điện triền miên, dự trữ ngoại hối teo tóp. Nhưng nước này lại không còn đủ tiền... để mua gì từ bên ngoài.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4 để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn từ tuần trước, trong đó có vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại thủ đô Colombo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận