Một cảnh bạo lực không phù hợp với trẻ nhỏ trong bộ phim được gắn mác 18+ Squid Game - Ảnh: NETFLIX
Tại Anh, nhiều trường học bày tỏ quan ngại trước nguy cơ học sinh "nhiễm" các trò chơi trong Squid Game.
Theo trang The Metro, Trường Sandown ở Deal, Kent (Anh) mới đây phải bổ sung khẩn cấp các buổi chia sẻ cho học sinh tuổi từ 8 - 10 về các quy tắc an toàn trực tuyến và mối nguy hiểm khi xem các nội dung không phù hợp với tuổi.
Vô tư xem cảnh máu me, bắn giết
Trường tiểu học John Bramston ở Ilford, phía đông London, cho biết nhiều học sinh trong trường đã chơi các trò của Squid Game với nhiều phiên bản biến tấu.
Trailer phim Squid Game (Trò chơi con mực)
Trường lập tức gửi email đến phụ huynh nhấn mạnh rằng bộ phim có nhiều nội dung bạo lực, xung đột, rất dễ bắt chước và hoàn toàn không phù hợp với cấp tiểu học. Dù phim được gắn mác 15+ tại quốc gia này, nhiều trẻ vẫn có cách "qua mặt" để xem.
Tại Việt Nam, không ít phụ huynh đã bày tỏ lo lắng. Chị N.T.M.A. (Q.7, TP.HCM) chưa hề biết về Squid Game cho tới khi đứa con trai lớn 13 tuổi bàn luận sôi nổi với cậu em nhỏ 8 tuổi về diễn biến phim.
Cảnh phim Squid Game
Ngồi nghe các con nói chuyện, chị giật mình khi những từ "chết", "giết", "bắn", "đâm"... được hai đứa nhắc đi nhắc lại liên tục.
Nào là "Ông ấy hên, té còn được kéo lại, không là chết ngay vòng đầu", "Giải thưởng đâu có cố định đâu, người chết càng nhiều thì tiền thưởng càng cao", "Tới vòng ba người đâm nhau em đã đoán được nhỏ con gái sẽ chết"...
Thì ra cậu con lớn kể rằng được bạn bè giới thiệu Squid Game rồi bật xem trong phòng chung của 2 anh em. Tối đó, chị M.A. tự xem phim nhưng các cảnh bắn giết khiến chị nổi hết da gà. "Tôi phải dành cả buổi sáng chủ nhật hôm sau để giải thích cho hai con.
Tôi hỏi chúng về ý nghĩa bộ phim thì cả hai nói rằng phim hồi hộp nên xem vậy thôi. Thế là tôi cắt nghĩa ở tuổi của các con chưa thể hiểu được những phim cho người lớn, sẽ có suy nghĩ sai hoặc ghi nhớ những cảnh bạo lực, chết chóc" - chị M.A. nói.
Cảnh phim Squid Game
Phụ huynh phải là "lá chắn"
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc - đồng sáng lập, giám đốc khu vực CyberPurify, đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng - cho biết những nội dung bạo lực trong các bộ phim không dành cho độ tuổi của trẻ sẽ để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài đến các em.
Sẽ có hai hướng tác động. Một là trẻ sẽ nhút nhát hơn, nhạy cảm hơn khi bước từ phim ra đời thật. Chẳng hạn, có em xem cảnh phim con chó vồ cắn người dính đầy máu, từ đó hễ gặp con chó nào là em sợ đến run người.
Hai là trẻ có thể trở nên hung dữ và bạo lực hơn. Đặc biệt với những bạn vị thành niên, khi nhận thức chưa chín, rất dễ có thể bắt chước theo xu hướng trong phim ảnh.
Theo bà Trúc, việc dùng công nghệ để chặn những nội dung bạo lực với trẻ là khá thử thách và khó hơn nhiều so với việc quét những nội dung khiêu dâm.
Ngay cả những "ông lớn" như Microsoft hay Google hiện cũng chưa có những thuật toán có thể chặn hoàn toàn các nội dung về bạo lực hay kinh dị, đặc biệt với trẻ em. "Vì vậy vai trò rất lớn nằm ở sự đồng hành của phụ huynh để ngăn chặn con tiếp cận những nội dung không hợp lứa tuổi" - bà Trúc nói.
TS Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ không chỉ phim, ngày nay rất nhiều hình ảnh, đoạn clip chứa nội dung dành cho khán giả lớn tuổi nhưng lại rất dễ để trẻ tiếp cận với trẻ em.
Theo ông Công, khi trẻ ở lứa tuổi nhỏ, nên cấm tuyệt đối trẻ với những hình ảnh này. Ngoài ra, chỉ cho trẻ sử dụng các thiết bị số ở những khu vực chung trong nhà để phụ huynh có thể lưu tâm nội dung con đang theo dõi.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên giải thích và đối thoại cho trẻ hiểu các nội dung không hợp tuổi ấy sẽ tiềm ẩn những tác hại như thế nào với con. Cần dạy thêm kỹ năng an toàn khi sử dụng mạng và cách ứng xử với những thông tin không phù hợp.
Squid Game có lỗi không?
Squid Game được giới hạn độ tuổi 18+ ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên khắp thế giới, nên việc trẻ vị thành niên ở nhiều nước xem Squid Game vẫn là trái quy định.
Cảnh phim Squid Game
Các nhà làm phim Việt cũng đồng tình rằng nguyên tắc phân loại độ tuổi trong thưởng thức văn hóa cần được tôn trọng vì nó bám sát sự phát triển tâm lý của người xem.
Tuy nhiên, không nên chỉ đổ lỗi cho phim. Nhà sản xuất phim kiêm biên kịch Vũ Quỳnh Hà nhận định:
"Đây không phải vấn đề về phim ảnh mà là về việc giáo dục con cái của từng gia đình. Trong cuộc sống, người ta không chỉ bắt chước phim mà còn bắt chước cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, hàng xóm, người nổi tiếng, sách, báo, truyện tranh... Nếu các bạn trẻ đủ trưởng thành, biết đúng sai thì sẽ biết cái nào nên bắt chước, cái nào không".
Bà Hà cho rằng việc các bạn dưới 18 xem phim của người lớn một phần cũng có trách nhiệm cá nhân của từng cha mẹ. Đồng thời, các trường nên nhìn nhận chính trách nhiệm của mình trong việc giáo dục học sinh để các em biết bạo lực học đường là sai trái.
Vai trò của văn học nghệ thuật
Phim ảnh và nghệ thuật ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và hành vi con người vì tác động trực tiếp đến tâm trí và cảm xúc của con người. Khi nhìn thấy những hình ảnh trong phim, não sẽ lưu vào trí nhớ để tạo ra kinh nghiệm, định kiến.
Trung tâm cảm xúc, hạch hạnh nhân (Amygdala) sẽ tạo ra cảm xúc và ký ức cảm xúc rất khó xóa bỏ, nó nằm đó để gây ảnh hưởng lên cảm xúc, suy nghĩ và hành vi con người, tạo nên đời sống nội tâm tâm lý của cá nhân người đó. Nghĩa là phim ảnh đã ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, hệ tư tưởng, niềm tin, giá trị sống của cá nhân con người.
Do vậy phim ảnh, nghệ thuật và cả văn học nên/cần có những tác phẩm chứa nội dung truyền cảm hứng, tác động tới cảm xúc, xây dựng được niềm tin vào những điều tốt đẹp để tác động đến suy nghĩ, hệ tư tưởng, hệ thống giá trị, khơi gợi tính nhân văn, lòng trắc ẩn, tình yêu thương với tha nhân.
Sự chính trực, lòng chân thành, tình yêu thiên nhiên, biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp, vẻ đẹp của cuộc sống. Tất cả điều ấy giúp kích hoạt bản tính cao thượng, đẹp đẽ bên trong mỗi con người.
Các nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch đều nên học về tâm lý để thấu hiểu những bản chất tâm lý con người, hiểu những khát khao, những ước mơ, hoài bão đẹp đẽ, những niềm tin hy vọng, cũng như những ẩn ức tuổi thơ, những niềm đau chôn giấu, khốn khó, dằn vặt, những đau khổ, tổn thương của kiếp làm người! Khi hiểu mới có thể đưa vào phim, xây dựng tính cách nhân vật, diễn biến tâm lý, định hướng, giáo dục lối sống cho con người, nhất là người trẻ, đang trong giai đoạn hình thành nhân cách.
TẤN KHÔI ghi
Nên có trung tâm an toàn mạng cho trẻ và phụ huynh
TS Lê Minh Công cho rằng đã đến lúc cần có một trung tâm về an toàn mạng. Trung tâm có thể hình thành từ phía Nhà nước, có thể khuyến khích tư nhân thành lập, tuy nhiên ở đó luôn cung cấp những hỗ trợ cần thiết và nhanh nhất cho trẻ em khi gặp phải các vấn đề trên không gian ảo.
Ngoài ra, trung tâm sẽ có những chương trình hướng đến phụ huynh nhận diện được các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ với trẻ trên Internet và có một chiến lược dạy con trong thời đại số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận