● Nghe nói bị sốt xuất huyết mà tắm, ra gió, nằm máy lạnh thì sốc trong một nốt nhạc?Chi Lăng (TPHCM)
- Lạnh, buộc cơ thể co /giãn mạch ngoài /trong để làm ấm.Trong khi, thành mạch (tăng tính thấm /thoát dịch/sốc) là thứ sinh tử với người bệnh SXH, khôn hồn không chộn rộn. Bảo tắm vô sốc ngay hơi quá, miễn tắm nhanh, nước ấm, tránh gió lùa là được.
● Người nhà bị SXH tự truyền dịch.Vào viện, bác sĩ “rầy” quá trời, nhưng rồi cũng đè ra truyền dịch?
M.Thùy (Tiền Giang)
- Sốc SXH, sống còn là lấy lại khối lượng tuần hoàn, qua truyền dịch, nhưng loại, lượng, bao lâu, bao nhiêu giọt/phút, ăn cơm mòn răng trường thuốc mới quản được. Thậm chí, ngưng cũng phải có nghề, đè ra truyền đến tràn dịch màng phổi, suy tim, còn khốn hơn SXH.
● Người lớn mắc SXH nặng hơn trẻ con hay ngược lại ?
D.Minh (TPHCM)
- Sốc và xuất huyết là hai mệnh hệ của SXH. Không chắc “mèo nào cắn mỉu nào”, nhưng có ý người lớn thiên về xuất huyết, dễ thở hơn. Lại có thuyết người lớn có hệ miễn dịch hùng hổ nên hay “ném chuột vỡ bình” . Khập khiễng, đã sốc thì lớn bé đều vắt giò lên cổ chạy như nhau.
● SXH ngược đời, hết sốt lại là lúc đe dọa sốc?
Ch.Nam ( Hà Nam)
- Virus nhân lên, kháng nguyên/kháng thể, bổ thể, trung gian vận mạch...,những yếu tố sản sinh trong quá trình xử lý Dengue , “vô tình” làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương. Đại để thế để hình dung hạ sốt, đáng lẽ khúc khải hoàn, lại có thể mở ra “chương” đáng sợ của bệnh.
● Trẻ đã mắc SXH, bị lần 2 dễ vô sốc. Sao có chuyện này, miễn dịch để đâu?
B.Giang (TPHCM)
- Có 4 tuýp Dengue. Kháng thể nào chống virus đó. Một trẻ phải đủ 4 “suất” mới hết nợ. D1 thường là tuýp vỡ lòng và được coi là thể nhẹ nhất. Có ý cho rằng, có một hục hặc giữa kháng thể lần mắc trước với kháng thể lần mắc sau, khiến trẻ dễ vô sốc. Còn tranh cãi, nhưng lo ra nặng nhẹ, chỉ thiệt cho bệnh nhi .
● Thấy liệt cả đống thứ ăn uống kiêng kỵ với SXH. Không chừng ...nhịn luôn cho lành?
V.Phong (TPHCM)
- Danh sách đen thường là thực phẩm giàu đạm, sinh nhiệt (sốt nặng thêm, thoát mồ hôi), lợi tiểu (mất nước), chất kích thích, khó tiêu... Cẩn thận khiến lắm thứ hơi hướm “giết lầm hơn bỏ sót” quá tay. Đơn cử, trứng, tội đồ “đổ dầu vào lửa” của SXH, nhưng đâu chỉ mỗi trứng giàu protein? Bệnh gì cũng phải đủ đạm/đường/béo. Khoáng đạt ăn uống, không tự tung tự tác là được.
● Nghe nói trẻ sốc nặng, phải truyền dịch cao phân tử mới cứu được. Tuyến dưới thường không có loại này?
Sao Biển (...)
- Ringer lactat, mặn đẳng trương (NaCl 0,9%) là dịch truyền tiên phuông, không xuể, mới vời đến cao phân tử ( dextran 40/70, HES...). Chỉ là đổi tay, thứ sau tinh nhuệ hơn thứ trước. Cao phân tử đắt, nhưng không thần thánh đến độ không với tới. Khôi phục thể dịch SXH theo thứ tự uống - “phân tử thường”- cao phân tử, không cần, không xí xọn nhảy cóc.
● Đủ kiểu phân loại SXH nhức đầu. Người trần mắt thịt , cách nào dễ nắm bắt?
N.Thành (TPHCM)
- Dựa vào triệu chứng, mạch /huyết áp, hematocrit, tiểu cầu, bù dịch, người ta chia nặng nhẹ, độ I-IV cho SXH. Điều kiện “tay không”, việc cần làm là theo dõi, trong đó căng mắt ra với dấu hiệu chuyển làn nhẹ sang nặng (vật vã, li bì, đau / gan to, xuất huyết niêm mạc , tiểu ít..), vào sốc ( vật vã hoặc li bì, da và đầu chi lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ đến khó bắt, huyết áp kẹt tiến tới 0...)
● Có trường hợp sốc phải lọc máu? Bí quyết điều trị SXH ?
V.Thành (Vĩnh Long)
-Ngoài sốc cô máu, xuất huyết nặng, SXH còn một thứ “chằn ăn” kín tiếng là toan chuyển hóa, suy đa tạng ( gan, thận, não, tim...). Dính đòn này, nạn nhân càng chỉ mành treo chuông. Lọc máu là nước gỡ chót, đặc biệt suy thận.
● Xét nghiệm xác định SXH, sớm nhất trong bao lâu ạ?
V.Vinh (Quảng Nam)
- Nhanh, có xét nghiệm kháng nguyên NS1 (5 ngày đầu ), kháng thể IgM (ngày 5 trở đi), PCR phân lập virus giai đoạn sốt... Thường lâm sàng đủ rõ như ban ngày, công sức dành cho xét nghiệm sinh tử (hematocrit, tiểu cầu...) thì hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận