Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, An Giang khám và tư vấn cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết - Ảnh: TỐNG DOANH
Theo ông Hiền, số ca mắc sốt xuất huyết tại tỉnh An Giang tính đến ngày 5-6 là gần 4.500 ca, tăng 387% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 251% so với số ca của trung bình 5 năm (2016 - 2020).
Trong đó báo động tại thị xã Tân Châu tăng hơn 1.000% và huyện An Phú tăng gần 1.000% so với cùng kỳ. Hiện chưa có ca tử vong.
Ông Hiền cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tăng theo chu kỳ 4 năm một lần, cùng với một số yếu tố như: thời tiết thay đổi, độ ẩm và nhiệt độ quá cao, mùa mưa đến sớm. Mặt khác, do thời gian dài chống dịch COVID-19 nên vệ sinh môi trường không được đảm bảo cũng góp phần làm gia tăng dịch bệnh.
"Hiện các đơn vị y tế địa phương vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch, phun xịt khử trùng diện rộng đối với nơi có ổ dịch. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh phải chuẩn bị nguồn lực, thuốc, vật tư y tế để ứng phó. Dự báo tháng 7 tới sẽ là đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết", ông Hiền nói.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn - khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, An Giang - cho biết bệnh sốt xuất huyết thường gặp chủ yếu ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 5 - 15 và có xu hướng mắc nhiều cả người lớn. Ở trẻ càng nhỏ thì khả năng chuyển nặng càng cao do bé chưa biết nói nên người nhà khó có thể theo dõi những dấu hiệu.
"Người nhà chú ý cho bệnh nhân uống nhiều nước, ăn loãng dễ tiêu, theo dõi những biểu hiện cần nhập viện. Đặc biệt không nên truyền dịch tại nhà, bởi nếu sau đó bệnh chuyển nặng cần nhập viện truyền dịch thì rất có nguy cơ bệnh nhân dư dịch gây nguy hiểm và khó khăn trong quá trình điều trị.
Đa số các trường hợp sốc vì bệnh không bù đủ nước bằng đường uống dẫn đến tình trạng thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch nên việc bù nước cho bệnh nhân rất quan trọng", bác sĩ Toàn lưu ý.
Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 5-6, toàn tỉnh có hơn 1.900 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 241% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có 69 ca nặng và 2 trường hợp tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận