Điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên - Ảnh: TRIỆU XUÂN
Sáng 14-7, ở khoa nội nhi tổng hợp Bệnh viện Sản - nhi tỉnh Phú Yên, bệnh nhi mắc sốt xuất huyết "áp đảo" các bệnh nhi khác. Còn ở khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cũng quá tải giường bệnh khi số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng so với những bệnh còn lại.
Phú Yên: số ca mắc cao nhất miền Trung
Ông Hồ Văn Thanh, giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, cho biết tại bệnh viện đang điều trị hơn 30 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết.
"Có 4 ca nặng, choáng đi choáng lại, anh em xử lý tích cực, tạm thời khỏi nguy kịch. Tuần trước, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện nhiều hơn, có ngày hơn 40 ca" - ông Thanh thông tin.
Tại bệnh viện này hồi tháng 6, một bé trai 8 tuổi ở P.Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) mắc sốt xuất huyết thể não nặng, dù được các bác sĩ nỗ lực hết sức, hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi đồng 2, nhưng cuối cùng vẫn không cứu được. Đây là ca tử vong duy nhất do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Phú Yên từ đầu năm đến nay.
Ông Trần Ngọc Dưng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - cho biết đến nay tỉnh này ghi nhận 135 ổ dịch với 2.719 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất trong số các tỉnh thành ở miền Trung.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, số ca sốt xuất huyết ở tỉnh này bắt đầu tăng cao từ tuần thứ 25 và tuần thứ 26, vượt qua số ca mắc của năm 2019 (năm được xem là chu kỳ của dịch sốt xuất huyết) và trung bình giai đoạn 2015-2019.
Địa phương có số ca mắc nhiều nhất là huyện Tuy An với 587 trường hợp (tăng 15,3% so với năm 2019).
Bình Định, Khánh Hòa lo lắng
Cùng ngày 14-7, ông Bùi Ngọc Lân - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định - thông tin: tính từ đầu năm đến nay, tỉnh này có hơn 2.700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong khi điều trị tại bệnh viện.
"So với năm ngoái, tổng số ca mắc tính đến thời điểm này có giảm, nhưng năm ngoái là năm chu kỳ dịch sốt xuất huyết tại Bình Định, còn so với bình quân 5 năm thì số mắc từ đầu năm đến nay tại Bình Định lại tăng.
Ở Bình Định, thường thì tháng 7, tháng 8 dịch bệnh sốt xuất huyết mới tăng mạnh, nhưng nay mới giữa mùa hè nắng nóng mà tăng là bất thường" - ông Lân cho hay.
Còn BS Huỳnh Văn Dõng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa - cho biết toàn tỉnh này đã ghi nhận gần 2.200 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với các năm trước đó.
Ông Biện Ngọc Tân - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên - cho biết ngành y tế tỉnh này đã chủ động phun hóa chất sớm tại các xã, phường trọng điểm 2 lần/đợt với tổng số hóa chất đã sử dụng là hơn 1.000 lít.
Tuy nhiên, các chỉ số côn trùng tại các xã, phường, thị trấn như: chỉ số bọ gậy, chỉ số muỗi/nhà sau khi xử lý ổ dịch bằng hóa chất vẫn còn ở ngưỡng rất cao. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát ở diện rộng tại Phú Yên.
Ý thức người dân quyết định
Theo BS Tân, nguyên nhân khiến sốt xuất huyết bùng phát mạnh mặc dù không phải năm chu kỳ dịch là do thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển.
"Người dân địa phương còn rất ỷ lại vào cán bộ y tế và việc phun hóa chất trong phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác giám sát ca bệnh trong cộng đồng còn chậm nên xử lý ổ dịch rất khó khăn, một số ổ dịch phải xử lý 3-4 lần nhưng vẫn còn rải rác ca bệnh" - BS Tân nói.
Còn ông Phan Đình Phùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết trong ngày 13-7, ông đích thân đi kiểm tra việc phòng chống sốt xuất huyết tại 2 gia đình ở thôn Hội Phú (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An).
"Cả 2 gia đình này đều tự tin nói rằng họ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết rồi, nhưng tôi kiểm tra thì cả 2 nhà vẫn còn những nơi chứa nước có nhiều lăng quăng. Như vậy có thể thấy hoặc việc hướng dẫn người dân phòng dịch của cơ quan chức năng và chính quyền chưa tốt, hoặc do người dân còn chưa nâng cao ý thức về việc diệt lăng quăng, bọ gậy để chống dịch sốt xuất huyết" - ông Phùng nói.
BS Hồ Văn Thanh cho biết sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ chết người nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm triệu chứng hoặc không được đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
"Trẻ em hay người lớn trong vùng có dịch, nếu có những dấu hiệu nghi mắc sốt xuất huyết, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không được để ở nhà, tự điều trị, đến khi đưa vào viện thì việc cứu chữa rất nguy ngập, khó lường" - ông Thanh khuyến cáo.
"Ai cũng nói vanh vách rằng "không lăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết", nhưng mùa này nhiều gia đình dự trữ nước, các máng nước cho gia súc, gia cầm thì không đổ, thậm chí nước trong máy quạt đều là những môi trường thuận lợi để lăng quăng, bọ gậy sinh sống và sinh ra muỗi vằn.
BS Bùi Ngọc Lân
Phòng chống sốt xuất huyết cũng như COVID-19
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho hay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để chỉ đạo quyết liệt. "Tôi nói với ngành y tế và các địa phương là phương châm chống dịch sốt xuất huyết cũng phải như chống dịch COVID-19, chống dịch như chống giặc" - ông cho hay.
UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Y tế tỉnh này chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở trạng thái cao hơn trước; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, hóa chất, thuốc men để dập dịch, điều trị bệnh nhân hiệu quả.
"Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, kiểm tra việc phòng chống sốt xuất huyết. Các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện đột xuất, không báo trước, qua đó xử lý trách nhiệm những địa phương, đơn vị, cán bộ lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch; hộ gia đình, cá nhân không phối hợp để tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun hóa chất xử lý ổ dịch cũng bị xử lý nghiêm theo nghị định của Chính phủ" - ông Phùng quyết liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận