Ông Phan Trọng Lân - -viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Ảnh: Hữu Khoa TTCT - Giải thích vì sao những năm gần đây dịch sốt xuất huyết do virút Dengue (SXHD) gây ra có xu hướng liên tục tăng ở VN, tần suất dày và số mắc cao hơn, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết: - SXHD xảy ra là do tương tác giữa tác nhân gây bệnh (virút sốt xuất huyết), khối cảm thụ (con người), véctơ truyền bệnh (muỗi vằn). Khi có sự thay đổi 1 trong 3 yếu tố trên theo hướng bất lợi, đều có thể dẫn đến sự gia tăng SXHD. Sự thay đổi có thể bao gồm: Sự xuất hiện hoặc gia tăng chủng huyết thanh mới của tác nhân gây bệnh ở địa phương, khi đa số chưa có miễn nhiễm với chủng huyết thanh mới; số lượng lớn người ở vùng ít lưu hành sốt xuất huyết, chưa từng mắc SXHD di chuyển đến nơi lưu hành sốt xuất huyết khiến địa bàn gia tăng đột ngột lượng người chưa miễn nhiễm với sốt xuất huyết, gia tăng nguy cơ mắc bệnh; gia tăng nhiệt độ và điều kiện thích hợp cho quá trình phát triển từ trứng thành lăng quăng, muỗi nhanh hơn và tuổi thọ muỗi tăng hơn. Hoặc do chính con người tạo ra hoặc chưa quan tâm đúng mức đến việc dọn dẹp lăng quăng, làm gia tăng các loại vật chứa khiến muỗi có nhiều chỗ để đẻ trứng hơn. Hai yếu tố sau xảy ra càng lúc càng nhiều, cả về tần suất lẫn quy mô, đặc biệt toàn cầu hóa giao lưu đi lại, thương mại, mật độ dân số tăng cao, vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu đã góp phần khiến dịch SXHD diễn ra liên tục hơn, trở thành bệnh lưu hành, ngay cả những vùng trước nay không lưu hành. Trên thế giới, cứ khoảng 10 năm thì số mắc SXHD tăng gấp đôi, số nước ghi nhận gia tăng, hiện bệnh ghi nhận ở hơn 128 quốc gia trên thế giới với 3,9 tỉ người (40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh. Hằng năm, có 390 triệu người nhiễm bệnh, 96 triệu trường hợp có triệu chứng. Tổ chức Y tế thế giới lần đầu tiên đã đưa bệnh SXHD vào 1 trong 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại trong năm 2019. Ảnh: Independent Trong các nguyên nhân kể trên có lý do về “biến đổi khí hậu”. Ông có thể cho biết những biến đổi nào là căn nguyên dẫn đến tình trạng gia tăng sốt xuất huyết, kể cả ở những vùng từng chống dịch rất tốt như Tây Nguyên, Hà Nội...? - Muỗi là loài không đẳng nhiệt, chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ môi trường. Dãy nhiệt độ thuận lợi cho muỗi phát triển và sinh tồn là từ 15-350C. Ngoài dãy nhiệt độ này, đời sống muỗi sẽ bị ảnh hưởng, chết; nhưng trứng muỗi vẫn có thể tồn tại được. Trong dãy nhiệt độ thuận lợi của muỗi, nhiệt độ càng tăng thì chu trình phát triển từ trứng thành muỗi càng rút ngắn, nhịp độ sống của muỗi cũng tăng, tốc độ bay và khoảng cách bay gia tăng và đặc biệt thời gian ủ bệnh, sinh sôi phát triển của virút Dengue trong muỗi cũng rút ngắn, khiến tốc độ lây truyền virút Dengue gia tăng. Tốc độ tăng nhiệt độ môi trường toàn cầu trong thế kỷ 21 nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên việc gia tăng nhiệt độ môi trường chỉ tăng từ từ trong thời gian nhiều chục năm ở mức nền nhiệt độ không cao, nằm trong dãy nhiệt độ thuận lợi cho muỗi. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi càng phát triển, mở rộng vùng sinh sống. Hệ quả là kéo theo việc mở rộng vùng dịch bệnh sốt xuất huyết lan đến vùng cận nhiệt đới. Mặt khác, những diễn biến bất thường về thời tiết như mùa đông ấm áp hơn, mưa trái mùa nhiều hơn, nhặt hơn và kéo dài hơn khiến cho muỗi có thể phát triển quanh năm, không bị ức chế vào mùa đông, hoặc giảm vào mùa khô như trước đây, khiến cho bệnh SXHD lưu hành quanh năm và mạnh hơn vào mùa mưa. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến việc mở rộng lãnh thổ của muỗi vằn. Trước đây, SXHD chỉ ghi nhận ở các nước vùng nhiệt đới, nay đã ghi nhận càng lúc càng nhiều ca SXHD tại các vùng cận nhiệt đới, kể cả châu Âu. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, SXHD gia tăng bất thường khắp nơi trên thế giới. Việc gia tăng trên quy mô rộng cùng một lúc khiến nhiều người nghĩ nhiều đến nguyên nhân khí hậu, thời tiết. Theo dõi dịch sốt xuất huyết, ông thấy có biến đổi gì khác so với trước đây? Vè nếu có thì những biến đổi đó diễn ra chậm hay nhanh, vì sao lại có biến đổi? - Nếu chỉ xét trên phương diện thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu, thì khó giải thích vì sao địa phương này bị gia tăng SXHD trong khi địa phương kế cận lại không. Đơn cử, các tỉnh khu vực phía Nam đều nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng tại sao các tỉnh miền Đông Nam Bộ gần đây sốt xuất huyết tăng cao hơn các vùng khác? Trong gần 10 năm trở lại đây, có sự dịch chuyển dịch SXHD từ các tỉnh ĐBSCL đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ - nơi có mật độ đô thị hóa cao, số người nhập cư lớn, đầu mối phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch trong khu vực như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc các điểm du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang) hay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sự khác biệt lớn nhất giữa các địa phương này là yếu tố con người. Việc đi lại của con người vừa mang theo mầm bệnh đến vùng khác nếu người đó đang nhiễm bệnh, vừa vô tình mang theo trứng, muỗi từ nơi này sang nơi khác, làm phong phú và phức tạp hơn thực trạng virút, véctơ của từng vùng..., khiến dịch bệnh lưu hành thường xuyên hơn. Mặt khác, ở những nơi phát triển mạnh về công nghiệp, sẽ tập trung người lao động từ mọi nơi về, cả trong nước lẫn ngoài nước. Người sống tập trung hơn, mật độ dân đông hơn, giúp muỗi càng dễ dàng truyền bệnh từ người này sang người khác. Singapore sạch sẽ, các chỉ số véctơ rất thấp, nhưng vẫn gây dịch hằng năm vì đây là nơi tập trung giao lưu rất nhiều người với nhu cầu du lịch, thương mại, làm việc, và còn vì muỗi thích nghi với môi trường sống mới. Một bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Thùy Giang Phòng chống sốt xuất huyết theo những cách chúng ta đang làm, theo ông, có hiệu quả hay không, vì năm nào cũng thấy dịch và 2-3 năm lại có 1 vụ dịch lớn, không thấy giảm dịch? - Bệnh SXHD hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Văcxin phòng bệnh tuy có nhưng chỉ được sử dụng với điều kiện cụ thể trên nhóm tuổi cụ thể. Việc kiểm soát muỗi và lăng quăng vẫn là biện pháp quan trọng hàng đầu. Với bệnh sốt xuất huyết là phải diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng chống. Mọi người thường quan tâm đến sốt xuất huyết khi dịch bệnh tăng cao, nói cách khác chỉ chống khi có dịch. Truyền thông cũng đặc biệt quan tâm đến bệnh này khi vào mùa dịch. Điều này đồng nghĩa với cách làm “theo đuôi dịch”. Khi có dịch mới bắt đầu can thiệp thì mục đích lúc này chỉ là kiểm soát không để dịch lan rộng, chứ không thể dập dịch được. Cần phòng ngừa thay vì phòng chống. Lăng quăng và muỗi cần được kiểm soát thường xuyên, giữ cho chỉ số lăng quăng và muỗi luôn ở ngưỡng an toàn thì mới có thể ngăn chặn việc lây truyền mầm bệnh từ người này sang người khác trong bối cảnh giao thương đi lại của con người càng lúc càng tăng. Kiểm soát véctơ triệt để tại từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị, và cả nơi công cộng liên tục trong năm, bất kể mùa mưa hay mùa khô, bất kể xung quanh có hay không có bệnh SXHD, bằng cách dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong và ngoài nhà. Có cách nào phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả không? Theo ông, việc nghiên cứu các biện pháp phòng chống mới đang được tiến hành như thế nào và có hi vọng gì cho tương lai? - Các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu các biện pháp mới, hiệu quả, khả thi và được chấp nhận trong cuộc chiến chống bệnh lây qua muỗi nói chung và sốt xuất huyết nói riêng. Có nhiều giải pháp hứa hẹn thành công như bẫy trứng, bẫy muỗi, thả muỗi biến đổi gen, thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia... Các giải pháp này đều tập trung nghiên cứu nhắm vào việc làm giảm quần thể muỗi trong tự nhiên, làm giảm khả năng lây truyền virút sang người. Các giải pháp tiềm năng này đều đang trong giai đoạn nghiên cứu để khẳng định hiệu quả và đặc biệt là tính an toàn của nó đối với con người và hệ sinh thái nói chung, chứ chưa được khuyến cáo sử dụng đại trà. Lúc này, để thay đổi tình hình bệnh, mỗi chúng ta cần thay đổi, cùng kiểm soát tốt lăng quăng và muỗi để phòng ngừa bệnh.■ Theo Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết đang trong những tháng cao điểm khi thời tiết mưa nắng đan xen, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên cả nước tăng từ 5.000 - 10.000 ca bệnh/tuần. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tags: Viện Pasteur TPHCMSốt xuất huyếtMuỗiPhan Trọng LânVi rút Dengue
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).