29/08/2022 08:25 GMT+7

Sốt xuất huyết đang lan ở miền Bắc

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Miền Bắc bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết và đã có ca tử vong.

Sốt xuất huyết đang lan ở miền Bắc - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng do thời tiết mưa, nắng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4 người bệnh nên vào viện theo dõi.

TS Nguyễn Trọng Khoa

Nhiều ca nặng, đã có ca tử vong

Tính đến ngày 13-8, theo báo cáo của CDC Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận 778 ca sốt xuất huyết, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021. Chủng vi rút Dengue lưu hành là D1 và D2.

Các bệnh viện những ngày qua cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang điều trị gần 30 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với đầu tháng 8, trong đó gần 10 ca nặng.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết hiện đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng nhập viện trong tuần này. Tuần trước, đã có 1 ca sốt xuất huyết tử vong.

Bác sĩ Hùng cho biết sốt xuất huyết thường trở nặng từ ngày thứ 4, lúc này bệnh nhân bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã... cần nhanh chóng đến bệnh viện. 

"Hiện 2 trong số 4 trường hợp sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại bệnh viện tiên lượng rất xấu. Cả 2 trường hợp đều đến viện khi đã đến ngày thứ 4 và thứ 6 của bệnh, diễn biến bệnh nặng, việc điều trị khó khăn. Trong đó, có 1 ca bệnh nhân nữ 32 tuổi nguy kịch, mặc dù tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh", bác sĩ Hùng nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng. Theo bác sĩ khoa truyền nhiễm bệnh viện thông tin, mặc dù tại Hà Nội xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết không rầm rộ như khu vực phía Nam, tuy nhiên bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều ca bệnh nhân nặng.

"Đa số các ca nặng có tình trạng cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi nhiều. Bên cạnh đó, số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, phải truyền tiểu cầu cũng tương đối nhiều. Đặc biệt, năm nay một số bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết, trong khi mọi năm các trường hợp này rất ít", vị này cho hay.

Bác sĩ cũng cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng rộng. Đặc biệt đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Quan trọng là diệt lăng quăng

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, qua giám sát trong hai tuần đầu tháng 8 cho thấy chỉ số bọ gậy (lăng quăng - ấu trùng muỗi, mầm bệnh gây sốt xuất huyết) tại một số khu vực đang cao vượt ngưỡng.

Dựa vào chỉ số bọ gậy, CDC Hà Nội đánh giá mức độ nguy cơ các vùng có thể bùng phát và trở thành ổ dịch sốt xuất huyết. 

Từ đó, các đơn vị nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng. Dự báo hai tháng 9 và 10 thường là thời gian đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Đặc biệt, khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.

Chú ý ngày thứ 4 từ khi khởi phát bệnh

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương. Người bệnh có thể sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Nhóm dễ biến chứng do sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), những người có nguy cơ dễ biến chứng do sốt xuất huyết là những người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền.

"Bên cạnh đó, những người sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém (không ăn uống được), bệnh nhân sốt cao nhưng hạ sốt đột ngột... cần chú ý theo dõi. Đặc biệt, với những người đã từng mắc sốt xuất huyết năm ngoái hoặc thời gian gần đây cần phải chú ý hơn, vì bệnh dễ chuyển biến nặng", ông Thường khuyến cáo.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, với sốt xuất huyết đối tượng nào khi mắc sốt xuất huyết cũng có thể có nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm.

"Sốt xuất huyết thường có diễn biến nhẹ, tuy nhiên có khoảng 5-6 số bệnh nhân có diễn biến nặng. Diễn biến nặng của sốt xuất huyết thường xảy ra ở người đã từng bị sốt Dengue trước đó, nay mắc lại một thứ type khác.

Có hai diễn biến nặng chủ yếu là sốc Dengue và tình trạng xuất huyết do giảm tiểu cầu, các diễn biến này thường xảy ra vào ngày thứ 3-6 của bệnh.

Trong trường hợp này nếu như bệnh nhân sốt xuất huyết có diễn biến nặng được phát hiện sớm, can thiệp sớm sẽ tránh nguy cơ tử vong.

Khi có những biểu hiện đau bụng tức vùng gan, nôn nhiều, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt lả, hoặc ở trẻ nhỏ có tình trạng lờ đờ, li bì, bỏ chơi, bỏ ăn cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời", ông Cấp cho hay.

Nguy kịch vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà Nguy kịch vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

TTO - Mặc dù các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ chuyển nặng khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà, nhiều người dân vẫn chủ quan 'tự làm bác sĩ', dẫn tới nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên