Hội nghị được diễn ra tại Thanh Hóa, trực tuyến với 9 địa phương có đường dây 500kV mạch 3 đi qua, với sự tham dự của nhiều bí thư, chủ tịch các tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - chủ đầu tư dự án.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, lẽ ra được triển khai từ lâu nhưng đã chậm vài năm. Do đó, cần phải tổng lực triển khai bù lại thời gian trước đây, “lấy lại thời gian đã mất” bằng các giải pháp, trách nhiệm cao nhất.
Thay đổi cách làm để đẩy nhanh tiến độ
Ông ví dụ, trước đây làm đường dây truyền tải 1.500km trong 2 năm, nhưng trong điều kiện cách đây 30 năm còn khó khăn. Với điều kiện hiện nay thi công thuận lợi hơn, triển khai hơn 500km thời gian cần rút ngắn hơn, bằng 1/3 đến 1/4 so với thời gian trước đây, mới đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, qua thực tiễn đi thị sát dự án vào ngày hôm qua (27-1), Thủ tướng bày tỏ sự sốt ruột khi cho rằng với cách làm hiện nay khó đạt mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2024.
Bởi dự án đi qua nhiều tỉnh, một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng chậm.
“Đây là dự án năng lượng cấp bách, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, toàn dân, không phải lợi ích của một người, nên các địa phương, bộ, ngành cần tham gia và tổng lực vào cuộc xử lý khó khăn, vướng mắc để có giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án này. Không để tái diễn thiếu điện như năm ngoái”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị EVN đề xuất vấn đề cụ thể vướng mắc với Chính phủ, bộ, ngành trên tinh thần “thống nhất và làm, không bàn lùi, chỉ tiến lên và cùng nhau hành động để hoàn thành mục tiêu tháng 6 đưa đường dây vào vận hành”.
Báo cáo tiến độ dự án, ông Đặng Hoàng An - chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho hay đến thời điểm hiện tại, các dự án đã hoàn thành chuẩn bị đầu tư.
Các dự án có khối lượng các gói thầu xây lắp, cung cấp vật tư, thiết bị, phụ kiện lớn, cần thực hiện trong thời gian ngắn.
Hiện 226 gói thầu về xây lắp, cung cấp cột thép, dây dẫn, vật tư thiết bị… đã được chủ đầu tư đấu thầu, ký hợp đồng với các nhà thầu thi công. Dự án đường dây 500kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa đã khởi công và hoàn thành đúc móng được 39/180 vị trí.
Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu; Quỳnh Lưu - Thanh Hóa; Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối đã đồng loạt khởi công ngày 18-1. Riêng đoạn Nam Định I - Phố Nối đang triển khai thi công đồng thời tại 15 vị trí móng trụ.
Tuy vậy khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Do đó, EVNNPT kiến nghị Thủ tướng giao ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung nghị định 156.
Thủ tướng "truy" rõ từng khó khăn để tháo gỡ
Trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Tuấn Tùng - chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) - cho hay các tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An khối lượng bàn giao mặt bằng lớn, còn lại các tỉnh đang phối hợp tích cực bàn giao vị trí móng.
Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch EVNNPT phải nêu rõ từng địa phương, vướng mắc ở đâu, số vị trí móng cột đã bàn giao được bao nhiêu, những vị trí nào còn vướng mắc?
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng như thế nào, công tác phối hợp địa phương ra sao để đảm bảo hiệu quả công việc?
Thêm nữa là việc tạo mặt bằng, đường hậu cần để triển khai thi công thế nào, ai sẽ triển khai thực hiện? Huy động lực lượng địa phương trong đào hố móng, xây dựng, huy động người dân ra sao cho hiệu quả?
Đáp lại, ông Tùng nêu ra những vướng mắc trong việc bố trí mặt bằng thi công, kiến nghị thời gian thi công móng cọc kéo dài nên mong muốn các địa phương tập trung hỗ trợ để đảm bảo tiến độ, đặc biệt sắp nghỉ Tết Nguyên đán. EVNNPT sẽ tập trung lực lượng làm việc 24/7, sẵn sàng "ba ca bốn kíp" để triển khai.
Theo Thủ tướng, các nội dung giải phóng mặt bằng, đào móng, xây dựng hố móng có thể huy động lực lượng địa phương, tạo việc làm cho người dân và việc làm tại chỗ; giảm chi phí nhân lực đi lại.
Còn lại các công việc như dựng cột, kéo dây, EVNNPT triển khai thực hiện do liên quan tới kỹ thuật. Tinh thần chung là huy động sức mạnh tổng hợp của trung ương, địa phương và các đơn vị chuyên môn…
Đồng thuận với quan điểm của Thủ tướng, nhiều lãnh đạo địa phương cũng bày tỏ mong muốn được tham gia các hạng mục công việc trong việc thi công các dự án, gồm nhân lực, vật lực, cung ứng vật tư thiết bị... để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận