Báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6-12 về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay tính đến hết tháng 11 đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn gần 689.000 tỉ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30-11, ước giải ngân được trên 460.980 tỉ đồng, đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước (58,33%). Nếu tính số tuyệt đối, cao hơn khoảng 123.000 tỉ đồng.
Giải ngân số tuyệt đối cao hơn năm trước 123.000 tỉ đồng
Như vậy, trung bình mỗi tháng giải ngân đạt trên 41.900 tỉ đồng. Riêng tháng 11 giải ngân ước khoảng 71.300 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin có 10 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao, đạt trên 70%. Nhưng vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước.
Với việc giải ngân ngành giao thông, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ước đến ngày 30-11 giải ngân được hơn 38.652 tỉ đồng, đạt 80,7% kế hoạch được giao.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 giải ngân đạt 59,3% với trên 2.006 tỉ đồng tính đến hết tháng 10. Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội giải ngân được trên 6.560 tỉ đồng, đạt 55,3%. Dự án vành đai 3 - TP.HCM giải ngân trên 18.009 tỉ đồng, đạt 58% kế hoạch đã giao.
Tuy nhiên có những khó khăn tại dự án giao thông trọng điểm là giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Một số mỏ đất chưa thỏa thuận được với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất, mức giá cao hơn nhiều so với giá Nhà nước bồi thường.
Các mỏ cát đủ trữ lượng nhưng công suất không đủ cho các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là các mỏ cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo cho thấy số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn, khoảng 247.000 tỉ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng giao, trong khi thời gian chỉ còn hơn 35 ngày.
Hiệu quả giải ngân là căn cứ đánh giá xếp loại
Để đẩy mạnh giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bộ ngành, địa phương cần thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng. Chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ 2023.
Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp phối hợp, làm việc với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giải quyết vướng mắc phát sinh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Cùng với đó, kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng; kiểm soát chặt chẽ về giá các loại vật liệu chính như cát, đất đắp và đá, tránh tình trạng các chủ mỏ liên kết nâng giá vật liệu, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng để ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Báo cáo về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra giải ngân các chương trình đến nay đạt hơn 109.500 tỉ đồng.
Đối với các chính sách miễn giảm thuế, phí, báo cáo chỉ ra đã miễn giảm được 60.457 tỉ đồng. Bao gồm giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đạt 44.458 tỉ đồng; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đạt 2.383 tỉ đồng...
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, Quốc hội đã phân bổ 176.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng là 113.550 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho hay ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 đến ngày 30-11-2023 đạt 62.920 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận