Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại cuộc họp vào ngày 12-10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Người tiêu dùng bù tiền cho điện sản xuất?
Ông Lê Quang Huy, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, chỉ ra vướng mắc lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện đó là vấn đề giá điện, vẫn còn tình trạng bù chéo giá điện, các thang bậc giá, điều chỉnh giá điện, các tần suất điều chỉnh.
Đặc biệt, các căn cứ để tính toán giá điện, thông số đầu vào có phản ánh kịp thời hay chưa vẫn còn rất hạn chế. "Vì thực tế trên nên không thu hút được đầu tư, các dự án ô nhiễm môi trường, công nghệ thấp đưa vào cũng không khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả" - ông Huy nêu vấn đề.
Ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng đặt vấn đề "bao giờ được phát điện tự do, bao giờ Trung tâm A0 tách ra độc lập…".
Theo ông Thanh, báo cáo của đoàn giám sát về cơ chế giá điện "có vẻ mờ nhạt", chưa định lượng và chưa có số liệu. Trong khi đó, vấn đề đặt ra là người tiêu dùng có đang phải bù giá cho nhà sản xuất hay không?
Ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký Quốc hội, cho rằng các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện chậm được triển khai.
Chính sách giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu chưa hoàn thiện. Theo ông Cường, giá điện thấp có mặt tốt, song cũng có điểm không tốt.
Bởi một số doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách giá điện để sử dụng trong việc luyện nhôm, luyện thép…, tức là trợ giá cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.
"Với tình trạng bù giá và trợ giá như thế này, khả năng nợ xấu, nợ cao và phá sản của EVN là hiện hữu.
Cần phải cân nhắc kỹ và sớm có cơ chế để xem xét, nghiên cứu đối với giá điện. Chúng ta cứ bù giá, trợ giá mãi, các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng lợi" - ông Cường nói.
Nguy cơ mất an ninh năng lượng
Với những bất cập trong cơ chế giá điện và thị trường điện, nhiều ý kiến cho rằng nếu không sớm có giải pháp, nguy cơ thiếu điện sẽ hiện hữu vào năm sau.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cơ cấu nguồn điện không bền vững. Do vậy, có nguy cơ thiếu điện ngắn hạn 2024 - 2025, dài hạn 2030 - 2050.
"Việc khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng trong nước còn thấp, hiệu quả chưa cao. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng thiếu điện, thiếu xăng dầu, nhất là miền Bắc, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri", ông Định nói.
Ông Trần Quang Phương - phó chủ tịch Quốc hội - cũng cho rằng nguy cơ thiếu điện của 2023, 2024 rất lớn, nhưng giải pháp lại không rõ.
Do đó theo ông Phương, không thể hô khẩu hiệu là kiên quyết không để thiếu năng lượng trong bất kỳ tình huống nào, nhưng giải pháp lại không có.
"Giải pháp trước mắt thế nào, lâu dài ra sao? Giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành là thế nào khi thực tế đang mâu thuẫn, vì giữa công suất và truyền tải lại đá nhau, lãng phí rất lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp thì kêu ca, người dân thì thiếu điện" - ông Phương nêu vấn đề.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay trong thời gian chờ sửa Luật Điện lực, có thể mở dần giá thị trường cho điện trên cơ sở cho phép triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, tính toán thêm một số chi phí vận hành, điều tiết, phân phối.
Phải chỉ ra được những vướng mắc
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu đoàn giám sát hoàn thiện lại báo cáo, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến cơ chế quản lý, trách nhiệm và việc triển khai thực hiện, bất cập của chính sách. Khi đưa ra nghị quyết phải làm rõ được những điểm mới, chỉ ra được những vướng mắc, bất cập để thực thi có hiệu quả.
"Trách nhiệm nào là của các tập đoàn, trách nhiệm nào là của Nhà nước? Giá vẫn để bù chéo như thế này, để bao cấp như thế này thì trách nhiệm của ai? Rồi các vấn đề liên quan đến quy hoạch, triển khai quy hoạch, thị trường giá, cơ chế cạnh tranh" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận